Đây chính là người đàn ông may mắn nhất quả đất, thoát chết trong 11 vụ tai nạn máy bay
Làm phi công trong suốt hơn 4 thập kỷ, tai nạn máy bay tới 12 lần những vẫn sống sót, người đàn ông này quả thực xứng với danh "người may mắn nhất thế giới".
Người đàn ông được nhắc đến là ông Clinger Borges do Vale, giờ đã già và đang tận hưởng những ngày tháng nghỉ hưu yên bình của mình.
Mở đầu cho câu chuyện thú vị kể về những thăng trầm trong cuộc sống của mình, ông Clinger nói rằng không cần người khác phải "phong danh" ông cũng tự nhận thấy mình là một "phi công may mắn nhất trên thế giới" bởi đã từng phải đối mặt với 11 vụ tai nạn máy bay, 1 vụ cháy cabin trong suốt hơn 4 thập kỷ làm phi công nhưng ông vẫn có thể thoát khỏi "lưỡi rìu" của tử thần và sống yên ổn cho đến tận ngày hôm nay.
Clinger hồi còn trẻ.
Ông Clinger sinh ra và lớn lên ở Itaituba, một thị trấn nhỏ nằm sâu trong những khu rừng nhiệt đới ở Brazil. Sống ở vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, lớn lên, ông Clinger chỉ có hai lựa chọn cho "sự nghiệp" của mình: một là trở thành một "vàng tặc", hai là làm phi công chuyên chở "vàng tặc" từ quanh khu vực Amazon.
Để tránh những nguy hiểm về tính mạng và sức khỏe trong công việc khai thác vàng trái phép, ông Clinger và sáu anh chị em ruột nữa của mình đã gật đầu với lựa chọn thứ 2, tức là trở thành một phi công.
Ông đã thoát chết trong 11 vụ tai nạn máy bay.
Thế nhưng, công việc mà Clinger lựa chọn cũng luôn bị rình rập bởi những tai họa và rủi ro. Như nhiều người đã biết, sân bay thành phố Itaituba được xếp vào hàng những sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Clinger kể lại, chẳng có gì phải đắn đo khi nói rằng Itaituba là một trong những khu vực bay nguy hiểm nhất, ông đã mất đi bạn bè và những người thân, họ cũng như ông, cũng cầm lái để rồi ra đi mãi mãi trong những tai nạn.
"Anh trai là người đầu tiên trong gia đình tôi chết trong một tai nạn máy bay khi chiếc máy bay mà anh ấy cầm lái bị rơi xuống rừng 40 năm về trước. Người em trai út của tôi cũng đã ra đi vì tai nạn máy bay vào tháng 12 năm ngoái, tuy nhiên không ai có thể biết được lý do khiến em tôi phải từ giã cõi đời này", ông cho biết.
Ông Clinger và vợ giờ đã nghỉ hưu và có cuộc sống an nhàn.
Cilnger cho biết việc thường xuyên phải hạ cánh trên những đường băng tạm thời – nói là đường băng nhưng trên thực tế đó là những dải sườn đồi dài khoảng 300m gồ ghề với rải đá vụn, có những chiếc máy bay phải bay vòng vòng trên không trung để chờ đáp,… là 2 trong số hàng tá lý do khiến công việc trở thành một phi công ở Itaituba trở nên nguy hiểm.
"Rất nhiều người đã chết, nhưng đó không phải là tôi, tôi là một phi công may mắn nhất thế giới", ông Clinger hãnh diện về sự nghiệp hơn 40 năm làm phi công của mình.
Không thể phủ nhận điều này khi trong quãng thời gian đó, ông Clinger đã phải đối mặt với 11 tai nạn máy bay và 1 đám cháy trong cabin nhưng ông vẫn sống sót và có một cuộc sống sung túc, vui vẻ.
"Công việc này mang đến cho tôi một nguồn thu nhập dư giả, tôi có thể chiều bản thân mình với những bữa tiệc, nhưng chiếc xe hơi…", ông Clinger nói.
Hiện nay, vì lý do sức khỏe, Clinger đã rời công việc đang làm và dành thời gian nghỉ dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, sự nghiệp phi công của ông vẫn được con trai và cháu trai của ông "thừa kế".
Mặc dù chính phủ đã có những biện pháp ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép tại Itaituba nhưng số lượng các chuyến bay vẫn chiếm đến 80% tổng số chuyến bay qua sân bay Itaituba. Tuy nhiên, việc bay ở Itaituba hiện nay đã an toàn hơn rất nhiều so với trước đây, số lượng vụ tai nạn đã giảm đi đáng kể.
(Nguồn: Daily Mail)