Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào là nguy hiểm?

Châu Anh,
Chia sẻ

Đau đớn là cách mà cơ thể bạn báo hiệu có điều gì đó không ổn với sức khỏe của bạn. Vậy liệu khi cơn đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay xuất hiện, làm sao để bạn biết khi nào có thể điều trị tại nhà và khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Mỗi một dạng đau sẽ có những nguyên nhân gây bệnh và cách đối phó cũng như triệu chứng đặc trưng. Dưới đây là một số thông tin cần biết về cơn đau ở tay, cổ tay và khuỷu tay cũng như thời điểm mà bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.

1. Đau ở bàn tay

Bàn tay bao gồm các cấu trúc xương phức tạp bao gồm xương, khớp, mô liên kết, gân và dây thần kinh.

1.1. Đau ở bàn tay do đâu?

Nguyên nhân gây đau tay có thể liên quan tới chứng viêm, các tổn thương dây thần kinh, chấn thương do các chuyển động lặp đi lặp lại, bong gân, gãy xương hoặc một số tình trạng mãn tính khác.

- Viêm khớp bàn tay

Là tình trạng viêm một hoặc nhiều khớp phổ biến ở bàn tay và cổ tay. Triệu chứng bao gồm: đau âm ỉ hoặc nóng rát ở khớp ngón tay hoặc cổ tay; đau khi hoạt động quá mức chẳng hạn như khi nắm chặt hoặc các hoạt động có chuyển động lặp đi lặp lại ở tay; cứng khớp và đau vào buổi sáng; thay đổi các khớp ngón tay cái xung quanh (to quá mức); ấm nóng ở các vị trí khớp đau; cảm giác khớp lỏng lẻo, mòn; có các u nang nhỏ ở đầu ngón tay.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 2.

Viêm khớp là tình trạng viêm một hoặc nhiều khớp phổ biến ở bàn tay và cổ tay (Ảnh: Internet)

- Hội chứng ống cổ tay

Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường xuất hiện từ từ và có thể ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Trong đó phổ biến cảm giác nóng rát, ngứa ran và tê ở lòng bàn tay và ngón tay. Cơn đau xuất hiện xung quanh ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa.

Các dấu hiệu khác bao gồm: ngón tay bị sưng tấy khi không có vết thương, đau ban đêm, cứng tay hoặc cổ tay vào buổi sáng, cầm nắm bị giảm sức mạnh, khó phân biệt và cảm nhận sự khác biệt giữa nóng và lạnh, teo cơ ở gốc ngón cái trong trường hợp nặng.

- Hội chứng De Quervain

Hội chứng De Quervain là chứng viêm bao gân co thắt của gân duỗi ngắn và gân dạng dài của ngón tay cái trong khoang duỗi đầu tiên. Vùng xung quanh gân bị viêm sưng làm tăng áp lực lên các dây thần kinh xung quanh, từ đó cơn đau và tê xuất hiện.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 3.

Hội chứng De Quervain là chứng viêm bao gân co thắt của gân duỗi ngắn và gân dạng dài của ngón tay cái (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm: đau quanh ngón cái giáp cổ tay, sưng và đau nhói gần gốc ngón cái khi ấn vào, khó cầm nắm hoặc véo, cảm giác đau dữ dội khi dùng 4 ngón tay kẹp ngón cái và cố gắng gập lại.

- Bệnh gút

Bệnh gút đặc trưng bởi những cơn đau đột ngột, dữ dội ở khớp ngón tay; nóng rát; sưng đỏ và rất đau. Người bị gút thường thức giấc vào ban đêm và cảm giác bàn tay như đang "bốc cháy".

- Bệnh thần kinh ngoại biên

Bệnh thần kinh ngoại biên khiến tay tê đau, yếu cơ - xảy ra do dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Vị trí cơn đau sẽ phụ thuộc vào vị trí của dây thần kinh bị tổn thương. Triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên ở tay phổ biến là: tê, châm chích hoặc kiến bò ở bàn tay; đau nhói và nóng rát ở tay; cực kì nhạy cảm; yếu cơ hoặc liệt cơ; thao tác tay gượng gạo, khó phối hợp vận động.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 4.

Nhiều cơn đau bàn tay khiến tay có cảm giác như "bốc cháy" (Ảnh: Internet)

- Raynaud

Hội chứng Raynaud là sự co thắt mạch của bàn tay khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc stress gây khó chịu và thay đổi màu sắc (nhợt, xanh, ban đỏ hoặc kết hợp) ở một hay nhiều ngón tay. Ngoài ra, là cảm giác đau châm chích hoặc đau nhói; vết loét hoặc tổn thương mô xuất hiện nếu bị nặng.

Ngoài ra, đau ở bàn tay còn có thể do các chấn thương nghiêm trọng, viêm bao gân cấp (Ngón tay bật) hay bệnh lupus.

1.2. Khi nào đau ở tay cần thăm khám bác sĩ?

Khi xuất hiện bất kì cơn đau ở tay nào mới hoặc triệu chứng nghiêm trọng hơn bạn nên thăm khám bác sĩ, đặc biệt khi bị các các chấn thương nghiêm trọng ở tay - đây là trường hợp trợ giúp y tế khẩn cấp.

2. Đau ở cổ tay

Mặc dù cổ tay dường như rất nhỏ bé nhưng cổ tay cũng bao gồm 8 xương cùng các dây chằng và gân. Đau ở cổ tay có thể được phân loại là bất kì cảm giác khó chịu nào xảy ra ở cổ tay với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Nếu bạn đang băn khoăn tại sao bị đau ở cổ tay và đau cổ tay có nguy hiểm không thì dưới đây là những điều bạn cần biết.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 5.

Đau ở cổ tay do đâu? (Ảnh: Internet)

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau cổ tay mà triệu chứng đau cổ tay có thể sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu là cảm giác đau đớn, sưng và nóng ở khớp cổ tay. Tình trạng có thể tệ hơn vào ban đêm như tê, ngứa ran.

2.2. Đau ở cổ tay do đâu?

- Viêm khớp

Như đã nói ở trên, có nhiều loại viêm khớp, nhưng loại viêm khớp phổ biến nhất có thể gây ảnh hưởng tới cổ tay bao gồm:

+ Viêm khớp dạng thấp: ảnh hưởng tới cả hai bên cổ tay gây sưng đau và hệ quả có thể là xói mòn xương.

+ Viêm xương khớp: xuất hiện nhiều ở người lớn tuổi do lớp sụn bao phủ khớp cổ tay bị phá hủy, một khi mô bảo vệ bị hư hỏng kèm theo các chuyển động lặp đi lặp lại sẽ khiến xương tăng ma sát gây sưng đau.

- Bệnh gút

Một khi axit uric dư thừa lắng đọng trong khớp, bao gồm cả khớp cổ tay có thể dẫn tới đau sưng. Ngoài cổ tay thì người bệnh có thể bị đau ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân.

- Chấn thương cổ tay, bong gân cổ tay

Chấn thương ở cổ tay cũng có thể gây đau chẳng hạn như khi bạn ngã và dùng tay để chống. Biểu hiện gãy xương, bong gân, rách dây chẳng cổ tay thường là sưng, bầm tím, biến dạng các khớp gần cổ tay. Ngoài ra, dây thần kinh hoặc mô xung quanh cổ tay bị tổn thương cũng có thể gây đau trong khi xương không gặp vấn đề gì.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 6.

Có nhiều nguyên nhân xương khớp và chấn thương gây đau cổ tay (Ảnh: Internet)

- Nang hoạt dịch (Ganglion cyst)

Nang hoạt dịch (Ganglion cyst) là một túi nhỏ chứa đầy dịch nhầy nhớt, đặc, không màu hoặc vàng nhạt, giống như thạch. Khối u này thường lành tính và xuất hiện ở mặt sau cổ tay. Mặc dù không gây đau nhưng nếu chúng gây áp lực lên khớp cổ tay hoặc dây thần kinh xung quanh có thể gây đau ở cổ tay.

- Viêm gân cổ tay

Viêm gân cổ tay thường gây đau, sưng tấy và giảm phạm vi cử động ở cổ tay. Các yếu tố có thể gây ra hoặc góp phần gây viêm gân cổ tay bao gồm: tuổi tác, cổ tay thường xuyên hoạt động ở tư thế xấu, các khớp kém liên kết, chấn thương hoặc tiểu đường.

- Bệnh Kienbock

Bệnh Kienbock là tình trạng bệnh hiếm gặp do hoại tử vô mạch của xương nguyệt. Các triệu chứng bao gồm đau ở cổ tay, sưng tấy và giảm sức mạnh cầm nắm.

2.2. Khi nào đau cổ tay cần thăm khám bác sĩ?

Nếu cổ tay của bạn nóng lên trên 38 độ C thì triệu chứng này có thể đang cảnh báo viêm khớp nhiễm trùng vô cùng nghiêm trọng.

Hoặc nếu cổ tay của bạn không thể cử động và biến dạng bất thường hay triệu chứng nghiêm trọng hơn, cản trở việc thực hiện các công việc hàng ngày thì bạn cũng cần liên hệ với bác sĩ sớm.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 7.

Nếu cổ tay của bạn nóng lên trên 38 độ C thì triệu chứng này có thể đang cảnh báo viêm khớp nhiễm trùng (Ảnh: Internet)

3. Đau ở khuỷu tay

Nếu bạn bị đau ở khuỷu tay, bất kì rối loạn tổn thương nào ở bắp tay, dây chằng khuỷu tay, gân, xương ở cánh tay, bao hoạt dịch ở tay đều có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau.

3.1. Đau khuỷu tay do đâu?

- Viêm lồi cầu trong xương cánh tay (Hội chứng khuỷu tay Golfer - Medial epicondylitis)

Bệnh đặc trưng bởi tình trạng đau ở mặt trong của khuỷu tay (phần chồi xương - mỏm lồi cầu trong ở vị trí gân gấp của cẳng tay với khuỷu tay).

- Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (Khuỷu tay quần vợt - Lateral epicondylitis)

Bệnh khiến phần bên ngoài của khuỷu tay trở nên đau đớn và rát. Cơn đau cũng có thể kéo dài đến tận phía sau cẳng tay và độ cầm nắm của tay có thể yếu đi.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 8.

Bất kì rối loạn tổn thương nào ở bắp tay, dây chằng khuỷu tay, gân, xương ở cánh tay, bao hoạt dịch ở tay đều có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau khuỷu tay (Ảnh: Internet)

- Viêm bao hoạt dịch Olecranon

Bệnh xảy ra phổ biến ở học sinh, thợ mỏ, người soạn thảo văn bản khi dựa khuỷu tay vào bàn trong thời gian dài không đúng tư thế hoặc do nhiễm trùng, kết quả của viêm khớp hoặc chấn thương.

Các triệu chứng phổ biến là sưng tấy, đau đớn ở khuỷu tay và khó di chuyển.

- Viêm khớp khuỷu tay

Viêm khớp khuỷu tay có thể xảy ra do chấn thương hoặc sự hao mòn khớp khuỷu tay với những triệu chứng là đau đớn, khó gập khuỷu tay, cảm giác cứng ngắc và sưng tấy hoặc xuất hiện âm thanh chói tay khó chịu khi di chuyển khuỷu tay.

- Chấn thương khuỷu tay

Các chấn thương khuỷu tay như gãy, trật khớp, căng dây chằng, bong gân có thể khiến khuỷu tay bị đau. Tùy từng nguyên nhân sẽ điều trị bằng biện pháp phù hợp.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 9.

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân đau khuỷu tay mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau (Ảnh: Internet)

- Viêm xương sụn bóc tách (Osteochondritis dissecans)

Là tình trạng phần sụn và phần xương nằm dưới sụn bị tách ra một phần, thậm chí đôi khi chúng còn tách rời hẳn nhau ra do không được cung cấp đủ máu - là hệ quả của các chấn thương thể thao, phổ biến ở nam giới trẻ tuổi. Bệnh viêm xương sụn bóc tách thường xảy ra nhất ở đầu gối nhưng cũng có thể gặp ở các khớp khác, bao gồm: khuỷu tay, mắt cá chân, vai và hông.

Triệu chứng thường gặp là đau và nhức bên ngoài khuỷu tay, khó co duỗi cánh tay và cảm giác khớp bị "khóa".

3.2. Khi nào đau khuỷu tay cần thăm khám bác sĩ?

Nếu cơn đau khuỷu tay của bạn nghiêm trọng hoặc không biến mất, hãy thăm khám bác sĩ để được tìm hiểu chính xác nguyên nhân là gì. Các dấu hiệu cho thấy cần phải chăm sóc y tế bao gồm: cánh tay không có sức lực hay khả năng cầm vác đồ, thay đổi hình dạng của khớp và khuỷu tay, đau khuỷu tay vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi, cánh tay không có khả năng duỗi thẳng hay gập lại, sưng và bầm tím xung quanh khuỷu tay, các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm sốt, sưng đỏ và nóng rát.

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 10.

Nếu cơn đau khuỷu tay nghiêm trọng hơn hoặc không biến mất, hãy thăm khám bác sĩ (Ảnh: Internet)

Nhìn chung, điều quan trọng khi bị đau bàn tay, đau cổ tay và đau khuỷu tay hay bất kì cơn đau cơ thể nào khác chính là lắng nghe cơ thể mình. Hãy thử:

1. Ấn vào xem có đau không?

2. Vùng đau có viêm đỏ không?

3. Vùng đau có sưng hay cứng lại không?

4. Thử đánh giá cảm giác đau theo thang từ 1 - 10 (với 1 là nhẹ nhất, chỉ hơi khó chịu và thang 10 là cực kì tồi tệ),...

Nếu câu trả lời là "có" cho 3/4 câu hỏi đầu tiên hoặc nếu mức độ cơn đau của bạn được đánh giá là mức 6 - 10 thì đã đến lúc cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Còn nếu 3/4 câu hỏi trên có câu trả lời là "không" và đánh giác mức độ đau là 1 - 3 thì bạn có thể thử điều trị tại nhà bằng cách chườm đá khi cơn đau mới khởi phát và chườm nóng sau một ngày; các thuốc giảm đau không kê đơn hoặc băng hỗ trợ nén vùng đau hoặc sưng,...

Khi đã áp dụng hết các biện pháp giảm đau tại nhà sau 2 - 3 ngày mà không có hiệu quả, cơn đau nghiêm trọng hơn thì bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám cụ thể hơn.

Nguồn: Healthline

Chia sẻ