Đầu năm quyết tâm mua 1 chỉ vàng mỗi tháng, cuối năm vượt chỉ tiêu tích sản được hơn 2 cây!
Với gia đình này, 2024 có thể coi là thành công mỹ mãn trên phương diện tài chính.
Mới đây, trong một cồng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, chia sẻ của một cô vợ về tình hình chi tiêu - tiết kiệm trong năm 2024 khiến nhiều người phải nể. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, đều cố gắng tiết kiệm nên cuối năm, gia đình đã vượt chỉ tiêu đặt ra. Nghe đến là mát lòng, mát dạ!
“Một năm vun vén rất hài lòng của vợ chồng em. Nhờ tham khảo nhiều anh chị em trên Facebook, TikTok mà em đã hoạch định được số dư thế này. Chúc mọi người năm 2025 có những dự định bùng nổ hơn nữa nha!” - Cô viết.
Dù không chia sẻ mức thu nhập cũng như số tiền chi tiêu hàng tháng, nhưng có thể thấy, gia đình này có ít nhất 3 nguồn thu nhập: Bán hàng, giao hàng, dạy học. Mỗi tháng, cô đều trích 1 phần tiền từ 3 nguồn thu nhập này để tiết kiệm, đồng thời, nếu bán hàng trực tiếp và thu tiền mặt, cô sẽ dùng bỏ ống heo.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người chúc mừng và “xin vía” tích sản thành công của vợ chồng cô. Đang có nợ mà vẫn mua được hơn 1 chỉ vàng mỗi tháng, đúng là đáng nể!
Lưu ý cho những người đang có dự định mua vàng tích sản
Nếu bản thân bạn cũng đang ấp ủ dự định mua vàng tích sản trong dài hạn, ngoài việc để dành tiền, đừng quên 3 lưu ý quan trọng dưới đây.
1 - Mua vàng tích sản: Phải mua đều hàng tháng!
Nhiều người có dự định mua vàng, nhưng vì thấy giá vàng tăng nên lại chần chừ, cứ đợi ngày này qua ngày khác, rồi thành ra chẳng mua nữa, còn tiền thì cũng đã tiêu hết vì không kiểm soát được ham muốn mua sắm.
Trên thực tế, việc canh giá vàng tăng không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách mua vàng, nếu bạn chỉ mua 1-2 chỉ hoặc thậm chí 5 chỉ. Chỉ khi nào số vàng bạn mua tính bằng cây, thì việc giá vàng tăng mới ảnh hưởng tới ngân sách mua vàng. Chứ mua 1-2 chỉ mỗi tháng, giá vàng có lên tới đỉnh, số tiền tăng thêm cũng chỉ 200-300k, quả thực không ảnh hưởng nhiều tới ngân sách chi tiêu cho các nhu cầu khác.
Thế nên nếu đã có dự định mua vàng tích sản, điều quan trọng nhất là phải mua đều hàng tháng, đừng quá quan tâm tới biến động giá vàng. Cứ đúng ngày, đúng giờ là cầm tiền đi mua. Mua xong mang về, cất vàng vào két sắt, giữ qua 5-10 năm thì không bao giờ lo mất giá hay lo lỗ.
2 - Mua vàng nhẫn trơn thay vì vàng trang sức
Nếu mua vàng để tích sản, không có nhu cầu đeo, hãy mua vàng nhẫn trơn hoặc vàng thỏi, chứ không nên mua vàng trang sức hay vàng chế tác.
"Đã mua vàng 9999 hoặc 18k dạng trang sức, dù đeo hay không thì vẫn mất tiền công, tiền hạt đính kèm,... khi đi bán đi nghiễm nhiên bị trừ hao 2 phần đó. Người thu mua vàng chỉ cân vàng tính tiền, chứ không trả lại tiền công và tiền hạt đâu, nên mua vàng trang sức hoặc vàng chế tác sẽ rất lỗ đấy. Mua vàng làm của để dành thì vàng nhẫn trơn vẫn là lựa chọn số 1" - Một người có kinh nghiệm mua vàng tích sản khẳng định.
3 - Mua ở đâu, bán ở đó
Trong trường hợp bạn có dự định bán vàng, phải nhớ đến đúng tiệm vàng nơi mình đã mua vàng để bán, tránh tình trạng bị ép giá.
Ví dụ bạn mua vàng tại tiệm vàng A, nhưng lại đem sang tiệm vàng B trong cùng khu vực để bán, khả năng cao là người bán sẽ kỳ kèo bớt vài trăm nghìn với lý do vàng non tuổi, vàng mòn,... Nếu bạn không chấp nhận thì họ không thu mua.
Đây chính là kinh nghiệm được một “người chơi vàng” lâu năm chia sẻ. Cô còn nhân mạnh thêm: “Đặc biệt, không nên mua vàng ở tỉnh này mà lại đi bán ở tỉnh khác, vì trải nghiệm sẽ “ối giời ơi”. Người ta sẽ “bắt chẹt” bằng mọi cách để mua với giá rẻ nhất. Bản thân mình cũng từng bị như vậy”.