Đi làm gần 6 năm mới để dành được 100 triệu, tôi nhận ra không làm được 3 việc này, còn lâu mới tiết kiệm nổi
Tiết kiệm tiền chưa bao giờ chỉ đơn thuần là cắt giảm chi tiêu.
Sau nhiều năm “xé nháp”, cuối cùng tôi cũng tiết kiệm được 100 triệu sau 6 năm đi làm. 2024 là năm đầu tiên tôi hoàn thành được mục tiêu tiết kiệm do chính mình đặt ra hồi đầu năm.
So với mọi người, 100 triệu có thể không phải con số lớn, đặc biệt là khi tôi đã đi làm hơn nửa thập kỷ. Nhưng với tôi, 100 triệu ấy không chỉ đơn thuần là số dư trong tài khoản tiết kiệm, mà còn là nhiều bài học, nhiều sự thay đổi trong tư duy khi nói về chuyện tiền bạc.
1 - Tiết kiệm là hành trình rèn luyện tính kỷ luật
Một người không kỷ luật cũng là một người không có, hoặc không thể hình thành thói quen tiết kiệm. Trước đây, tôi không tiết kiệm được tiền cũng chính là vì lý do ấy.
Tôi sống theo cảm xúc, hành động theo cảm xúc, và đương nhiên, cũng tiêu tiền theo cảm xúc. Có những ngày, tôi chẳng tiêu dù chỉ 1 đồng; nhưng cũng có những ngày, tôi “đốt” sạch gần nửa tháng lương chỉ trong vài tiếng. Mục tiêu tiết kiệm đã đặt ra cũng không thắng lại được những lần cảm xúc “lên đồng”. Cộng thêm suy nghĩ “nay tiêu rồi thì mai không tiêu nữa”, nên thành ra chẳng để dành được tiền.
Chỉ đến khi biết kiểm soát cảm xúc, học cách sống và tiêu tiền có kỷ luật, tôi mới tiết kiệm được tiền theo đúng dự định, trong suốt 12 tháng.
Nhiều người, trong đó có tôi, thường nghĩ rằng chỉ cần cắt giảm chi tiêu là có thể tiết kiệm được tiền. Điều đó đương nhiên không sai, nhưng là không đủ. Nếu không có sự kỷ luật, bạn thậm chí không thể cắt giảm chi tiêu trong vòng 1 tuần, chứ đừng nói tới 1 tháng hay 1 năm.
Rèn luyện tính kỷ luật trong chi tiêu nói riêng và trong cuộc sống nói chung chính là yếu tố quan trọng nhất, quyết định một người có thể tiết kiệm thành công hay không.
2 - Học cách tiết kiệm cũng là học cách sắp xếp cuộc sống
Tôi nhận ra kể từ khi tiết kiệm một cách kỷ luật, cuộc sống của tôi dần “gọn gàng” và thảnh thơi hơn hẳn cái thời còn tiêu tiền vô tội vạ. Tôi lý trí và tỉnh táo hơn trong mỗi quyết định chi tiền, tâm trạng của tôi cũng đỡ trồi sụt, lên xuống thất thường. Không gian sống và cả lối sinh hoạt như giờ giấc ăn ngủ,... cũng dần vào guồng theo cách tích cực, ổn định hơn.
Việc này có lẽ chính là hiệu ứng Domino. Một chuỗi những sự thay đổi bắt đầu từ một thay đổi nhỏ. Tôi không chủ đích thay đổi cách sinh hoạt, không gian sống, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng việc ổn định tâm trạng, cảm xúc là một trong những thành quả của việc cố gắng duy trì kỷ luật tiết kiệm. Nhưng tất cả những điều đó đều đã xảy ra sau khi tôi chấm dứt được thói quen tiêu tiền thiếu quy củ.
Quả nhiên là khi đã có sự kỷ luật ở 1 khía cạnh của cuộc sống, việc bắt đầu kỷ luật trong những khía cạnh còn lại, cũng sẽ dễ dàng và khả thi hơn.
3 - Không tồn tại một công thức tiết kiệm đúng cho tất cả
Mỗi người sẽ phải tự tìm một cách tiết kiệm phù hợp với bản thân. Công thức hay phương pháp có thể không thiếu, nhưng chỉ khi thực sự nghiêm túc với mục tiêu tiết kiệm, bạn mới có thể tìm ra cách thực hành chúng một cách hiệu quả, không máy móc, không áp lực.
Trước đây, tôi từng thử áp dụng quy tắc “tiết kiệm trước - chi tiêu sau”, được chừng khoảng 2 tháng thì từ bỏ, vì số tiền còn lại sau khi gửi tiết kiệm chẳng đủ sống. Việc đó vô hình trung khiến tôi mệt mỏi, thành ra tử bỏ luôn cả mục tiêu hình thành thói quen tiết kiệm.
Sau đó, tôi cũng thử áp dụng phương pháp tiết kiệm theo tuần thay vì “trích luôn 1 cục tiền” gửi vào tài khoản tiết kiệm ngay khi nhận lương. Nhưng cách này cũng có một điểm trừ, chính là suy nghĩ trì hoãn “thôi để tuần sau”.
Cuối cùng, tôi nhận ra cách tiết kiệm hiệu quả nhất với mình chính là tiết kiệm theo ngày. Mỗi ngày bỏ ống heo 20k, duy trì liên tục trong vòng 1 tháng. Tháng sau tăng số tiền đút ống heo mỗi ngày. Cứ như vậy, tới cuối năm đập ống heo, lấy tiền mang đi gửi tiết kiệm.
Tôi nghĩ rằng ai cũng phải sai và thất bại trước khi tìm được phương pháp tiết kiệm phù hợp và hiệu quả với bản thân. Quá trình ấy có thể tính bằng tháng, thậm chí bằng năm nhưng chỉ cần không nản lòng và không ngại thử, chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ tìm được cách tiết kiệm “không sai 1 ly”.