Đi lễ chùa là lúc con người có tinh thần thoải mái, thanh tịnh nhất, không vội vàng chen lấn, không tà uế. Bao nhiêu bộn bề của cuộc sống đời thường lùi lại phía sau khi đã qua cửa chùa có ông Thiện, ông Ác trấn giữ. Vì vậy mà đi lễ chùa luôn khiến người ta có tâm thế thong dong với chữ thiện, chữ tâm đặt lên hàng đầu.
Cổng chính đường lên các lăng, đền Đền Hùng
Đền Hùng được xem là chốn linh thiêng bậc nhất. Nơi đây cũng là cội nguồn của dân tộc Việt, là nơi các vua Hùng dựng nước. Người dân từ khắp nơi trên cả nước, thậm chí rất nhiều Việt Kiều nước ngoài năm nào cũng về đây lễ chùa. Họ đi lễ chùa không đơn thuần chỉ là cầu may, cầu lộc mà còn để du ngoạn, thưởng thức cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình trong tiết trời mùa xuân.
Lễ hội chính của Đền Hùng là ngày 10-3 âm lịch nhưng người dân thường đi lễ từ những ngày đầu năm mới. Chuyến hành hương Đền Hùng với điểm dừng chân đầu tiên là Đền Tổ. Đền Tổ không nằm cùng quần thể khu di tích Đền Hùng mà cách đó khoảng 6km. Nhiều người dân Phú Thọ cho rằng, đi Đền Tổ có nghĩa là đã đi Đền Hùng. Những ai không có sức khoẻ, thời gian để đi hết các đền, các ban Phật ở Đền Hùng thì có thể chỉ đi Đền Tổ để cúng bái.
Khu di tích Đền Hùng nằm trên ngọn núi Hùng hay còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ có 4 đền, 1 chùa và lăng vua Hùng. Bao gồm: Đền Thượng và lăng trên đỉnh núi - Đền Trung - Đền Hạ và chùa - Đền giếng. Hành trình của du khách là lên Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng và xuống đền Giếng ở chân núi là kết thúc cuộc hành trình.
Đền Hạ - điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình hành hương Đền Hùng
Đền Thượng là đền cao nhất trên đỉnh núi. Theo truyền thuyết, nơi đây các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: "Nam Việt triều tổ" (tổ tiên của Việt Nam). Nơi đây là nơi có lăng mộ của vua hùng thứ 6.
Đền Trung là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
Đền Hạ tương truyền là nơi Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Kiến trúc đền Hạ kiểu chữ nhị gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m.
Đền Giếng tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 theo dạng hình chữ công. Tương truyền rằng nếu đi lễ Đền Giếng mà soi mặt xuống giếng sẽ được phúc lộc của hai công chúa ban cho. Đền Giếng cũng là nơi được cho rằng rất linh nghiệm cho những ai muốn cầu duyên.
Đền Thượng - nơi các vua Hùng tiến hành các nghi lễ, thờ thần trời đất
Đền Trung
Thắp hương làm lễ cầu may, cầu bình an, tài lộc đầu năm
Ngày Giỗ Tổ bắt đầu từ mùng 6 đến mùng 10/3 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người dân cả nước được nghỉ. Tại Đền Hùng lại diễn ra các hoạt động văn hóa. Rất đông du khách tham gia ngày lễ hội cùng với quan chức chính quyền nhà nước TW và địa phương với nghi thức dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.
Đền Hùng nằm cách trung tâm thành phố Việt Trì 3 km, cách Hà Nội 80km. Bạn cứ đi thẳng đường quốc lộ 2 từ Hà Nội là tới.
QC