Đâu là bí quyết giúp Na Uy tái chế được tới 97% lượng chai nhựa trên toàn quốc?
Người dân mua nước, nhưng chỉ thuê chai đựng mà thôi.
Na Uy hiện là quốc gia đi đầu thế giới trong phong trào tái chế chất thải nhựa. Bằng chứng từ Infinitum, một tổ chức tái chế nhựa ở Na Uy, cho biết nước này đã tái chế được tới 97% chai nhựa.
92% trong số đó quay trở lại thành nhựa chất lượng cao và có thể tiếp tục đựng nước uống. Chỉ có chưa đến 1% là nhựa không thể tái chế, loại bắt buộc phải thải ra ngoài môi trường.
Vòng đời của một số chai nhựa ở Na Uy có thể lên tới 50 lần tái chế. Điều này biến quốc gia Bắc Âu trở thành hình mẫu của cả thế giới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa đang được tái chế. Mỗi năm chúng ta vẫn thải vào đại dương 8 triệu tấn nhựa. Ở Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa cũng chỉ đạt khoảng 30%. Ở Vương quốc Anh, con số nằm trong khoảng từ 20 đến 45%.
Vậy điều gì đang làm nên sự khác biệt ở Na Uy?
Một thực tế ngày nay, khi các dây chuyền sản xuất nhựa đạt tới độ chuyên nghiệp hóa và đem lại sản lượng cao nhất, việc sản xuất ra nhựa mới có chi phí còn rẻ hơn rất nhiều so với tái chế nhựa cũ. Bởi vậy, các quốc gia đơn giản là không có động lực tài chính để làm điều đó.
Đa số các công ty và người tiêu dùng sẵn sàng đánh đổi hiệu quả kinh tế và sự thuận tiện của họ bằng chi phí môi trường. Na Uy đã giải quyết vấn đề này bằng cách thu phí mua chai nhựa. Nghĩa là khi người tiêu dùng mua các loại nước uống đóng chai, họ sẽ phải trả tiền cho cả chiếc chai nhựa nữa, một khoản tương đương 3-7.000 VNĐ.
Nhưng số tiền này có thể được nhận lại, nếu người tiêu dùng mang chai nhựa dùng xong đến quét mã vạch và đổi ở một máy thu chai tự động, các cửa hàng tạp hóa hoặc trạm xăng, nơi họ sẽ nhận lại tiền mặt hoặc được tích điểm cho lần mua sắm tiếp theo.
Một cỗ máy thu chai nhựa tự động ở Na Uy
Mỗi chủ cửa hàng thu mua lại chai nhựa cũng được trả một khoản phí nhỏ khi chiếc chai được tái chế. Một số doanh nghiệp cho biết việc sử dụng chai nhựa tái chế đã đi từ chỗ khiến họ bị lỗ (so với mua chai mới) sang có lãi.
"Chúng tôi muốn mọi người nhận thức được rằng họ đang mua sản phẩm nhưng chỉ mượn chai nhựa mà thôi", Kjell Olav Maldum, CEO của Infinitum, nói với The Guardian.
Nhưng không chỉ có người tiêu dùng, cả chính phủ Na Uy cũng đang nhắm mục tiêu giải quyết vấn đề môi trường. Các sản phẩm nhựa ở Na Uy đang bị đánh thuế.
Để kêu gọi sự chung tay của cả ngành công nghiệp, chính phủ Na Uy sẵn sàng miễn hoàn toàn thuế này cho tất cả các doanh nghiệp, nếu tỷ lệ tái chế toàn quốc đạt trên 95%.
Trong khi nghe có vẻ là một mục tiêu viễn tưởng ở nhiều quốc gia khác, đất nước Bắc Âu lại đang đạt được con số liên tiếp 7 năm trở lại đây.
Các nhà máy tái chế nhựa như thế này đang chạy 24/7 ở Na Uy
Kể từ khi chính sách độc đáo được áp dụng, Infinitum cho biết đã có rất nhiều đại diện từ các quốc gia đến Na Uy để học hỏi kinh nghiệm. Tổ chức đã đón các đoàn khách từ Scotland, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc và các nước khác tham quan các nhà máy tái chế.
Bên cạnh Na Uy, một số nước khác như Đức và Litva cũng đã áp dụng các công nghệ và chính sách tương tự để tái chế rác thải nhựa.
Về phần mình, Infinitum cho biết họ vẫn chưa hài lòng với những gì đạt được. Ước tính cho thấy vẫn có 150.000 chai nhựa ở Na Uy không được trả lại mỗi năm. Nếu con số này được lấp đầy, đất nước sẽ tiết kiệm đủ năng lượng để cung cấp cho 5.600 hộ gia đình trong năm.
Infinitum vẫn lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.
Tham khảo Sciencealert