Dấu hiệu cơ thể thiếu hụt folate cần phải bổ sung nhanh còn kịp
Nếu thiếu hụt folate chất dinh dưỡng thiết yếu này, bạn có thể mắc phải một số triệu chứng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tổng thể.
Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai thường xuyên bổ sung folate là do loại vitamin này giúp ngăn ngừa chứng khuyết tật ống thần kinh, não và tủy sống ở thai nhi. Dara Godfrey, chuyên viên dinh dưỡng tại New York giải thích, ngoài lợi ích tuyệt vời này, folate (vitamin B9) còn đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của tế bào và hình thành tế bào hồng cầu. Nếu cơ thể không hấp thụ đủ folate, các tế bào sẽ mất khả năng tạo ADN mới và tiến hành phân tách, nhân đôi. Nói chung, folate giúp cơ thể chúng ta hoạt động trơn tru.
Torey Armul, phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và thực phẩm Hoa Kỳ kiêm chuyên gia dinh dưỡng cho bà mẹ trước khi sinh đã chỉ ra, đây là lý do tại sao loại vitamin này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. Thời điểm này các tế bào sẽ phân chia liên tục và tạo ADN mới nhằm hình thành thai nhi.
Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai thường xuyên bổ sung folate là do loại vitamin này giúp ngăn ngừa chứng khuyết tật ống thần kinh, não và tủy sống ở thai nhi.
Cơ thể chúng ta không có khả năng tự sản sinh folate. Loại vitamin này có thể được hấp thụ thông qua thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung. Thiếu hụt folate sẽ gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu. Dưới đây là một số dấu hiệu bạn cần bổ sung nhiều vitamin trong chế độ ăn uống hàng ngày và biện pháp duy trì lượng dưỡng chất folate cần thiết cho cơ thể:
Dấu hiệu cơ thể thiếu hụt folate
Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng thiếu hụt folate là thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), chứng bệnh này làm suy giảm một lượng lớn tế bào hồng cầu trong máu do cơ thể không có khả năng tổng hợp ADN cần thiết. Đây là tình trạng gây mất cân bằng oxy trong tế bào, dẫn đến một loạt triệu chứng khó chịu như yếu cơ, mệt mỏi, chóng mặt, cáu gắt, đau đầu, khó thở và khó tập trung.
Các tế bào ở miệng và da là nơi biểu hiện những triệu chứng rõ rệt nhất. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng loét môi và lưỡi, xanh xao, móng tay đổi màu, tóc chuyển sang màu xám.
Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp phải những dấu hiệu trên. Hiện nay có rất nhiều vấn đề sức khỏe liên quan tới hiện tượng đau đầu và chóng mặt nên mọi người cần tiến hành xét nghiệm hoặc kiểm tra máu nhằm xác định rõ bản thân có thiếu hụt folate hay không.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng thiếu hụt folate là thiếu máu hồng cầu khổng lồ.
Nhóm người có nguy cơ cao bị thiếu hụt folate
Thiếu hụt folate là hiện tượng hiếm gặp, đặc biệt nếu mọi người tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính chưa đầy 1% dân số Mỹ gặp phải tình trạng này.
Tuy nhiên, một số người sở hữu nguy cơ bị thiếu hụt folate cao hơn bình thường. Nghiện rượu là thói quen xấu, khiến bạn có xu hướng không ăn đủ chất. Tình trạng này làm suy yếu các bộ phận trên cơ thể như gan và có thể gây rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Những người gặp phải một số vấn đề về đường tiêu hóa như bệnh celiac, bệnh viêm ruột (IBD) cũng sở hữu nguy cơ thiếu hụt folate cao do khả năng hấp thụ dưỡng chất kém.
Phụ nữ trong giai đoạn đầu mang thai cần bổ sung nhiều folate nhằm góp phần giúp em bé phát triển nhanh chóng.
Một số người sở hữu nguy cơ bị thiếu hụt folate cao hơn bình thường.
Biện pháp bổ sung folate
Trung bình người trưởng thành cần hấp thụ 400 microgram (mcg) folate một ngày. Hơn nữa, hầu hết mọi người không cần sử dụng thực phẩm bổ sung để tăng cường chất này. Thực phẩm và các chất dinh dưỡng có tương tác với nhau nên càng tiêu thụ nhiều rau lá xanh, bạn càng có thể bổ sung folate và chất xơ có lợi cho đường tiêu hóa.
Ngũ cốc ăn sáng và các sản phẩm làm từ bột như bánh mì, mì ống và gạo chứa một lượng lớn axit folic. Đây là một dạng folate tổng hợp có thể được tìm thấy trong thực phẩm bổ sung.
Nếu đang mang thai, bạn cần bổ sung 600 mcg folate mỗi ngày. Cơ thể người mẹ rất cần chất dinh dưỡng này trong những ngày đầu của thai kỳ. Thiếu hụt axit folic sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của phôi thai, khiến não và tủy sống của trẻ bị suy yếu.
Trung bình người trưởng thành cần hấp thụ 400 microgram (mcg) folate một ngày.
Hấp thụ 600 mcg folate mỗi ngày chỉ thông qua thực phẩm là nhiệm vụ không dễ dàng. Do đó, Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ khuyên, phụ nữ đang hoặc dự định mang thai nên sử dụng thực phẩm bổ sung dưới sự cho phép của bác sĩ.
Mặc dù Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người không nên hấp thụ quá 1.000 mcg folate mỗi ngày nhưng trên thực tế, tình trạng dư thừa chất này rất hiếm gặp. Đây là loại vitamin hòa tan trong nước nên cơ thể bạn có thể dễ dàng loại bỏ lượng dư thừa thông qua đường tiểu.
(Nguồn: Pre)