Dấu hiệu cảnh báo rối loạn hormone kéo theo tăng mỡ bụng
Rối loạn hormone cũng làm ảnh hưởng tới cân nặng, khiến cơ thể tích trữ mỡ bụng.
Tăng kích thước vòng eo là nỗi ám ảnh của không ít chị em phụ nữ. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều thói quen xấu như lười vận động, tiêu thụ nhiều thức ăn đã qua chế biến. Tuy nhiên, trên thực tế, rối loạn hormone cũng làm ảnh hưởng tới cân nặng, khiến cơ thể tích trữ mỡ bụng.
Theo một nghiên cứu mới đây, phụ nữ tiền mãn kinh từng áp dụng liệu pháp thay thế hormone sở hữu lượng mỡ bụng thấp hơn so với những người khác. Trước khi cân nhắc đến gặp bác sĩ, mọi người có thể cân bằng hormone thông qua thuốc nội tiết tố. Đồng thời, hãy giảm tiêu thụ đường, loại bỏ thực phẩm qua chế biến ra khỏi chế độ ăn uống và tránh những đồ uống như sữa, rượu và cafein nhằm giúp cân bằng lượng đường và insulin trong máu.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy rối loạn hormone là nguyên nhân gây tăng cân:
Kích cỡ vòng eo tăng dù áp dụng chế độ ăn hợp lý
Nếu kích cỡ vòng hai đột nhiên tăng mạnh chỉ sau một giấc ngủ, đó có thể là dấu hiệu tăng cân do hormone. Sara Gottfried, chuyên gia y khoa kiêm tác giả của cuốn The Hormone Cure and The Hormone Reset Die giải thích, khi đến độ tuổi nhất định, cơ thể trở nên kháng insulin hơn, tạo điều kiện cho chất béo được lưu trữ thay vì đốt cháy. Nồng độ estrogen cũng có xu hướng sản sinh nhiều hơn ở phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Tình trạng mất cân bằng hormone này gây kháng insulin, khiến mỡ bụng tích tụ.
Thèm đồ ngọt
Theo chuyên gia Gottfried, tình trạng kháng insulin có thể ảnh hưởng tới các hormone quan trọng khác, trong đó có leptin. Đây là loại hormone làm nhiệm vụ ức chế cơn đói và tạo cảm giác no. Nồng độ insulin tăng cao cũng khiến leptin tăng theo.
Dư thừa leptin lâu dài có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng của các thụ thể leptin. Những thụ thể này sẽ ngừng gửi tín hiệu đến não để trì hoãn cơn đói. Do đó, khi hormone leptin mất cân bằng, bạn sẽ ở trong tình trạng thèm ăn.
Stress
Hormone cortisol cũng có thể là nguyên nhân khác gây tăng mỡ bụng. Khi dư thừa hormone này, cơ thể sẽ cảm thấy căng thẳng, lo lắng, từ đó khiến bạn mất khả năng kiểm soát cân nặng.
Theo Jacqueline Montoya, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ cấp cứu tại GreenMed MD, cơ thể chuyển sang "chế độ sinh tồn" khi gặp phải căng thẳng quá mức. Hormone cortisol tăng cao là dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần dự trữ nhiều chất béo hơn để "sống sót".
Thay đổi tâm trạng thất thường
Khi phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, nồng độ estrogen có xu hướng mất ổn định, kéo theo hiện tượng thay đổi tâm trạng thất thường. Một nghiên cứu tại Đại học Wisconsin đã chỉ ra, đây là lý do khiến phụ nữ có nguy cơ mắc chứng rối loạn cảm xúc hơn nam giới. Nghiên cứu cho thấy, nồng độ estrogen ở phụ nữ thay đổi thất thường nhất tại thời điểm mang thai và bước sang thời kỳ mãn kinh. Đây cũng là thời gian chị em phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao nhất.
Nồng độ estrogen dao động tự nhiên khi chuyển tiếp sang thời kỳ mãn kinh có thể gây thay đổi tâm trạng và dẫn đến tăng cân. Do đó, thay đổi trọng lượng ở thời kỳ này là hiện tượng bình thường.
Mệt mỏi và mất ngủ
Mất ngủ và kiệt sức có thể bắt nguồn từ tình trạng rối loạn hormone. Thiếu ngủ kéo theo căng thẳng và mệt mỏi cả ngày, từ đó tạo điều kiện cho nồng độ cortisol tăng cao. Hơn nữa, bác sĩ Montoya giải thích, dư thừa hormone cortisol có thể dẫn đến giảm nồng độ hormone tuyến giáp, gây mất kiểm soát cân nặng, ảnh hưởng tới quá trình tái tạo mô, tăng trưởng cơ bắp và sức khỏe tổng thể.
Làm cách nào để cân bằng hormone?
Nguyên nhân chính dẫn tới mất cân bằng hormone, gây tăng cân là tuổi tác. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc, bạn có thể thay đổi lối sống, thực hiện những thói quen sinh hoạt lành mạnh nhằm giảm thiểu tác động không thể tránh khỏi này
Tập thể dục, ngủ đủ và ăn uống lành mạnh là chìa khóa quan trọng trong việc ngăn ngừa mất cân bằng hormone. Chuyên gia Gottfried khuyến cáo, mọi người nên giảm tiêu thụ đường, gluten, bơ sữa, rượu và cafein.
Đồng thời, bổ sung thêm nhiều loại rau củ như rau họ cải và các thực phẩm chứa protein chống viêm. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, nếu có điều kiện, bạn nên tiến hành nhịn ăn gián đoạn, thực hiện giảm cân theo phương pháp 16:8. Một ngày chia thành 8 tiếng ăn và 16 tiếng nhịn ăn. Đồng thời, tập HIIT và ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm cũng vừa giúp giảm cân vừa bảo vệ sức khỏe tổng thể.
(Nguồn: Pre)