Dầu dừa không tốt cho sức khỏe: Các chuyên gia sức khỏe nói gì về điều này?
Hiệp hội tim mạch Mỹ khẳng định dầu dừa không tốt cho sức khỏe tim mạch như bạn vẫn nghĩ.
Health đưa tin, Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ mới đây đưa ra cảnh báo: Dầu dừa thực sự không phải là thực phẩm lành mạnh, là một loại chất béo tốt như bạn vẫn nghĩ, đồng thời đây cũng không phải là chất béo bão hòa.
Viết trên tạp chí Circulation, các tác giả thừa nhận rằng những nghiên cứu gần đây đã gây ra "nhầm lẫn" về nguy cơ tiềm ẩn sức khoẻ của chất béo bão hòa. Tuy nhiên, sau khi xem xét bằng chứng, nhóm nghiên cứu khẳng định đề xuất lâu dài của Hiệp hội về việc ăn ít hơn chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa vẫn là một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt, sữa nguyên chất và bơ, một số loại dầu nhiệt đới như dầu cọ và dầu dừa.
Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy việc chuyển đổi chất béo bão hòa bằng dầu thực vật không bão hòa có thể làm giảm 30% bệnh tim mạch. Điều này tương tự với việc sử dụng thuốc statin.
Chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt, sữa nguyên chất và bơ, một số loại dầu nhiệt đới như dầu cọ và dầu dừa. Các loại chất béo khác bao gồm chất béo không bão hòa đa (được tìm thấy trong các loại hạt, cá béo, dầu ngô và dầu đậu nành) và chất béo không bão hoà đơn (có trong hạt giống, quả bơ, dầu ôliu và dầu hạt cải).
Mặc dù báo cáo không có bất kỳ phát hiện khoa học mới nào, tác giả chính Frank Sacks, giáo sư chuyên phòng chống bệnh tim mạch tại Trường Y tế công cộng Chan, trực thuộc Đại học Harvard cho biết, điều quan trọng là Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã xem xét kỹ các dữ liệu sẵn có. Ông nói: "Chúng tôi muốn phản hồi lại những thông tin sai lệch được lan truyền bởi một số nhà khoa học và một số nhà báo - những người nghi ngờ về khoa học dinh dưỡng".
Báo cáo trích dẫn 7 nghiên cứu lâm sàng, trong đó dầu dừa làm tăng cholesterol xấu tương đương bơ thực vật, chất béo từ thịt bò và dầu cọ.
Kết luận của nhóm là gì? Chúng ta không nên tranh luận vấn đề chất béo bão hòa dẫn đến bệnh tim mạch và ngược lại, chất béo không bão hòa ngăn ngừa bệnh tim mạch. Lấy ví dụ về dầu dừa. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 72% người Mỹ (và 37% các nhà dinh dưỡng) coi dầu dừa là thực phẩm lành mạnh. Tiến sĩ Sacks nói: "Không có cơ sở nào và trên thực tế chúng tôi đã cố gắng tìm ra điều gì khiến dầu dừa là thực phẩm lành mạnh. Nhưng thực tế, dầu dừa là chất béo thuần khiết, chất béo bão hòa cao hơn các nguồn khác như dầu cọ hay bơ thực vật.
Báo cáo trích dẫn 7 nghiên cứu lâm sàng, trong đó dầu dừa làm tăng cholesterol xấu tương đương bơ thực vật, chất béo từ thịt bò và dầu cọ. Các nghiên cứu so sánh dầu dừa và các chất béo bão hòa khác có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ bệnh tim mạch vẫn chưa được báo cáo. Nhưng chúng ta đều biết cholesterol cao là nguyên nhân gây bệnh tim mạch và dầu dừa cũng nằm trong nhóm ấy.
Một số nghiên cứu cho rằng axit lauric, chiếm khoảng một nửa chất béo bão hòa của dầu dừa, có một số lợi ích sức khoẻ đặc biệt như kháng vi trùng, không bị phá vỡ ở nhiệt độ cao như các chất béo khác và có thể có tính chất tăng cường chuyển hóa . Nó cũng tăng cường mức cholesterol "tốt" trong cơ thể để phòng chống bệnh tim mạch.
Nhưng Tiến sĩ Sacks chỉ ra rằng tất cả các chất béo đều làm tăng cholesterol, đặc biệt là chất béo no và khoa học nhận định về cholesterol hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy nồng độ cholesterol cao không hẳn là tiêu chí để chúng ta nói về việc có lợi hay có hại cho tim mạch, là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch hay không.
TS Sacks nhấn mạnh, các nghiên cứu "áp đảo hỗ trợ hạn chế chất béo bão hòa" để ngăn ngừa bệnh tim và xơ vữa động mạch đang được tiến hành. Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại cho rằng chất béo bão hòa đã bị vô hiệu hóa một cách không cần thiết và nói rằng việc cắt giảm không nhất thiết sẽ cải thiện sức khỏe.
Ở góc độ dinh dưỡng, dầu dừa chứa nhiều axit béo no nên bình thường, người ta ít khi sử dụng loại chất béo này để nấu ăn hàng ngày.
Ví dụ, những người thay thế chất béo bão hòa với carbohydrate hoặc các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao không có nghĩa là sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đó là một trong những lý do mà các tác giả ủng hộ cho một mô hình ăn uống tổng thể, giống như chế độ ăn DASH hay chế độ ăn uống Địa Trung Hải.
TS Sacks cho biết thêm: "Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giới hạn các chất dinh dưỡng bất lợi mà nên tập trung vào các loại thực phẩm lành mạnh giàu chất dinh dưỡng, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh như dầu thực vật không bão hòa đơn, không bão hòa đa, quả hạch, trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá…".
Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định không nên sử dụng dầu dừa để ăn hàng ngày
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện 198, Viện Dinh Dưỡng Cận Lâm Sàng) khẳng định: "Ở góc độ dinh dưỡng, dầu dừa chứa nhiều axit béo no nên bình thường, người ta ít khi sử dụng loại chất béo này để nấu ăn hàng ngày vì sẽ dễ mắc các hiện tượng như chướng bụng, khó tiêu".
Dầu dừa có tỷ lệ chất béo bão hòa cao hơn các loại mỡ động vật.
Từ trước đến nay, dầu dừa được sử dụng trong công nghiệp nhiều hơn. Mặc dù vậy, hiện nay người ta đã tách được chuỗi các axit béo trung bình (MCFAs) trong dầu dừa bao gồm: Axit Caprylic, Axit lauric, Acid capric dùng trong chế biến thức ăn. Tuy nhiên, sử dụng trực tiếp dầu dừa chưa được tách thành các chuỗi để nấu nướng thì không tốt cho sức khỏe.
Dầu dừa có tỷ lệ chất béo bão hòa cao hơn các loại mỡ động vật. Ăn quá nhiều dầu dừa sẽ dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch. Đó chính là lý do các chuyên gia đều khuyến cáo không được sử dụng dầu dừa thường xuyên, ăn quá nhiều trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Chưa hết, dầu dừa cũng chỉ có một số tác dụng nhất định với cơ thể bạn, do đó, khi sử dụng cần hết sức cẩn trọng. Để sử dụng dầu dừa trong bất cứ lĩnh vực nào, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ và chuyên gia để có thể đạt được kết quả một cách tốt nhất.