Đau bụng, tiêu chảy phải nhập viện vì sữa tăng cân giảm giá 50%
Trên vỏ hộp sữa Yarmy có dòng chữ "Được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Viện công nghệ thực phẩm- Đại học Bách Khoa Hà Nội".
Tuy nhiên, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tại đây không có viện công nghệ thực phẩm, mà chỉ có Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Và trường cũng không có hợp tác gì với nhãn sữa này.
TS Phạm Ngọc Hưng, Trưởng Văn phòng Trường hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: "Từ trước đến nay, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội không có hoạt động nghiên cứu, hợp tác với hãng sữa Yarmy".
Tại nhiều trang mạng xã hội, hãng sữa Yarmy cũng liên tục dùng hình ảnh của 1 bác sĩ giới thiệu là nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình để quảng cáo sữa. Đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình cho biết: Vị bác sĩ này đã nghỉ làm tại đây gần 20 năm. Theo quy định của của Luật An toàn thực phẩm thì không được phép sử dụng tên bác sĩ, dược sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm.
Ông Sầm Hưũ Hào, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình cho biết: "Trường hợp một bác sĩ nguyên là phó giám đốc đã chuyển khỏi đơn vị mà sử dụng tên của Bệnh viện Y học cổ truyền là không được phép theo quy định của Bộ Y tế".
Một phiên livestream bán sữa.
Hãng sữa này còn in hẳn logo của FDA trên vỏ hộp.
Trong các buổi livestream bán hàng, tiktoker bán sữa Yarmy liên tục đưa ra giấy chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, FDA. Cẩn thận hơn, hãng sữa này còn in hẳn logo của FDA trên vỏ hộp.
Và đây là hình ảnh về dây chuyền sản xuất sữa được quảng cáo là được FDA chứng nhận. Trong khâu sản xuất, khách ra vào không cần bảo hộ lao động, không khẩu trang.
Trang thiết bị hiện đại cần tới cả giẻ lau… thậm chí nhân viên mặc cả quần đùi nhảy nhót trong khu vực sản xuất.
Đại diện Hiệp hội Sữa cũng cho biết: Các thành viên trong Hiệp hội mới chỉ có 2 doanh nghiệp sữa lớn có chứng nhận FDA để xuất khẩu sữa sang Hoa Kỳ. FDA cũng không cho phép doanh nghiệp in logo của họ trên nhãn hàng hóa.
Dù có nhiều bất thường, nhưng trên mạng xã hội, sữa tăng cân Yarmy vẫn được livestream bán hàng 1 cách rầm rộ. Giá niêm yết là 495 nghìn đồng 1 hộp, nhưng Hot tiktoker sẵn sàng giảm giá tới hơn 50%.
Sữa tăng cân quảng cáo là được FDA chứng nhận, lại giảm giá hơn 50%, hàng nghìn người tiêu dùng đã nhanh tay đặt mua. Nhưng tăng cân chưa thấy đâu, thì chỉ thấy nhiều người đã sụt cân vì bị đau bụng, tiêu chảy phải nhập viện.
Công nghệ sản xuất sữa hiện đại kèm giẻ lau của Công ty Huyền Chi Ngọc đã khiến nhiều người tiêu dùng phải bất ngờ. Điều đáng bàn là sau khi nhận được phản hồi tiêu cực từ khách hàng, công ty vẫn không có động thái thu hồi sản phẩm, mà vẫn tiếp tục bán sản phẩm qua mạng xã hội.