"Sữa cỏ", sữa giả, sữa kém chất lượng tràn lan: Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại sữa không rõ nguồn gốc, sữa giả, nhái được quảng cáo tràn lan khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

"Sữa cỏ" không phải là một tên gọi mang tính phân loại khoa học và cũng không có trong từ điển tiếng Việt. Đây là một "thuật ngữ" được khai sinh bởi chính đội ngũ bán hàng, ý nói tới các sản phẩm sữa không có hoặc có rất ít tính thương hiệu trên thị trường. Nguyên liệu tạo nên "sữa cỏ" được nhập từ nước ngoài, sau đó đơn vị nhập về sẽ tự gia công, đóng hộp.

Theo các chuyên gia, hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại kinh tế đối với người tiêu dùng, nguy hiểm hơn đó là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con em và người thân trong gia đình mỗi chúng ta. Đặc biệt, ma trận do các loại "sữa cỏ" giăng ra khiến cho người tiêu dùng rất khó nhận biết nếu không có hiểu biết căn bản.

Căn cứ pháp lý cao nhất đối với sản phẩm sữa?

Trao đổi với chúng tôi, Ths Lê Hồng Dũng, Trưởng khoa Hóa thực phẩm, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho hay, trước nguy cơ từ sữa bột kém chất lượng, Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sữa dạng bột với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và yêu cầu quản lý đối với sản phẩm sữa dạng bột, bao gồm sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật.

Theo Trưởng khoa Hóa thực phẩm Viện dinh dưỡng Quốc gia, căn cứ pháp lý cao nhất hiện nay với sữa bột là QCVN 5-2:2010/BYT quy định các chỉ tiêu lý hóa như độ ẩm, protein, hàm lượng chất béo... Đồng thời Bộ Y tế cũng quy định giới hạn chất nhiễm bẩn như kim loại nặng (chì, thiếc, stibi, arsen...) độc tố vi nấm, melamin, dư lượng thuốc thú ý... Các sản phẩm sữa dạng bột cũng phải đảm bảo không nhiễm 5 loại vi khuẩn có hại.

Chuyên gia chia sẻ về căn cứ pháp lý cao nhất đối với sữa bột tại Việt Nam - Ảnh 1.

Căn cứ pháp lý cao nhất hiện nay với sữa bột QCVN 5-2:2010/BYT.Các tiêu chí lý hóa của các sản phẩm sữa dạng bột. Cột ngoài cùng (phải) Chỉ tiêu loại A là bắt buộc phải thử nghiệm để đánh giá hợp quy.

Công nghệ làm sữa giả, sữa nhái ngày nay rất tinh vi. Cho nên, người tiêu dùng rất khó để phân biệt thật – giả, đặc biệt là các sản phẩm sữa "vỏ thật, ruột giả", hầu như người mua không thể nào phân biệt qua bề ngoài.

Chuyên gia  cho hay, các sản phẩm phải được ghi nhãn theo quy định, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất phải công bố hợp quy phù hợp các quy định kỹ thuật tại quy chuẩn này, đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố.

Ths Lê Hồng Dũng cho biết thêm, đối với các sản phẩm sữa bột dù được nhập khẩu chính hãng từ nước ngoài nhưng trước khi được lưu hành tại thị trường Việt Nam đều phải được kiểm nghiệm nghiêm ngặt, chứ chưa nói tới "sữa cỏ".

"Dù doanh nghiệp được tự công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố nhưng đều có hậu kiểm của các cơ quan chức năng, nếu chưa được xác nhận thì sản phẩm cũng chưa được lưu hành", chuyên gia nhấn mạnh.

Chuyên gia chỉ cách phân biệt thật - giả

Việc phân biệt sữa thật và giả khi có quá nhiều loại sữa được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay cũng rất khó khăn, Ths Lê Hồng Dũng đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng không nên lựa chọn sản phẩm quá rẻ tiền, bởi lẽ giá trị thật của sản phẩm luôn luôn song hành cùng chất lượng.

Chuyên gia chia sẻ về căn cứ pháp lý cao nhất đối với sữa bột tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ths Lê Hồng Dũng hướng dẫn cách nhận biết các thông tin về sữa

Phân biệt bên ngoài hộp sữa

Đối với sữa thật được đầu tư cả về chất lượng sản phẩm và hình ảnh thì hoạt tiết được in trên vỏ hộp sữa sẽ sắc nét và đẹp mắt, không bị nhòe. Tuy nhiên đối với sữa giả do chi phí sản xuất thấp nên họa tiết in nhợt nhạt, nhòe nhoẹt.

Một phương pháp nữa để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đấy là quét mã vạch. Khách hàng có thể cài các ứng dụng trên chợ ứng dụng của điện thoại và quét để ra thông tin sản phẩm.

Hạn sử dụng ghi trên vỏ hộp: Tất cả các sản phẩm phải có thông tin ngày sản xuất và hạn dùng in trên vỏ hộp, phải in rõ ràng và không bị nhòe đối với các sản phẩm thật và còn hạn sử dụng.

Tuy nhiên nếu các sản phẩm quá hạn sử dụng, hết date thì có thể cố tình bị tẩy xóa. Tốt nhất với các sản phẩm đã quá hạn sử dụng thì người tiêu dùng không nên sử dụng tiếp.

Ths Lê Hồng Dũng khuyến cáo, tương tự đối với các sản phẩm nhập khẩu phải có tem phụ trên đó thể hiện địa chỉ rõ ràng về nhà nhập khẩu, phân phối, thông tin kiểm nghiệm và được cấp phép lưu hành sản phẩm. Nếu các thông tin này mập mờ, không rõ ràng thì người tiêu dùng không nên mua về sử dụng.

Phân biệt sữa bên trong hộp

- Màu sắc của sữa bột: Đối với các sản phẩm sữa bột thật đảm bảo chất lượng thì thường có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ nhàng. Tuy nhiên đối với sữa giả lại thường có màu vàng cháy, xám, không đẹp mắt và có thể bị vón cục.

- Mùi vị sữa: Hàng giả thường có mùi thơm rất gắt hoặc có vị chua, ngái. Còn sữa thật thì có mùi thơm nhẹ dịu, ngửi rất dễ chịu.

- Độ mịn: Sữa thật được sản xuất bằng công nghệ hiện đại nên có độ mịn cao. Khi sờ tay vào sẽ thấy mềm mịn, không bị vón cục. Sữa giả hạt sữa thường to và độ mịn không cao.

- Kiểm tra bằng nước lạnh: Bạn cho mẫu sữa vào nước lạnh pha thử. Sữa bột thật tan rất chậm. Còn sữa giả tan nhanh và lắng xuống đáy.

- Kiểm tra bằng nước nóng: Bạn khuấy sữa vào một cốc nước nóng, nếu sữa thật thì sữa sẽ lơ lửng trong nước và phải khuấy mới tan, sau khi tan thì không có cặn. Với sữa giả không cần khuấy cũng tan và sẽ có cặn sau khi tan.

Chia sẻ