Dâu “báu” nhà chồng!
Cái gốc “quê mùa” của nhà chồng khiến cho một cô nàng tân thời, thành phố “chính hãng” là Hoa càng thêm tự hào.
Nếu nói về độ ăn thua giữa các cô gái từng yêu Hoàng thì Hoa nổi trội về độ xinh đẹp, có học thức lại kiếm ra tiền.
Hoa luôn dương dương tự đắc với Hoàng rằng mình sẽ trở thành nàng dâu quý báu trong mắt gia đình anh: “Cưới được em về là một niềm tự hào, đáng hãnh diện của cả họ nhà anh đấy!”.
Dĩ nhiên điều đó đúng khi bố mẹ Hoàng thấy một cô hoa khôi, tài giỏi lại chịu làm dâu một gia đình có hai ông bà cụ “chân đất, mắt toét” thì mừng như mở cờ trong bụng.
Bà cụ khoe từ đầu làng đến cuối thôn khiến cho mỗi lần Hoa về thăm, bà con lối xóm cứ chỉ trỏ, nức nở khen ngợi, ca tụng. Đến những đứa trẻ con đầu còn để chỏm mỗi lần thấy Hoa cũng hào hứng: “Cô dâu, cô Hoa, dâu tốt”.
Những người hàng xóm thần tượng Hoa đến ngật ngưỡng thì họ hàng, gia tộc nhà Hoàng coi Hoa như là hiện tượng “xưa nay chưa từng có”. Tất cả dành cho Hoa một sự trọng vọng, ngưỡng mộ vô cùng.
Dù chồng có mang lời gang lời thép ra vừa “dọa” vừa “dụ” thì Hoa vẫn nhất quyết: “Anh giỏi thì đi mà đẻ! Em chưa thích đẻ” (Ảnh minh họa)
Đi đến nhà nào, “cô Hoa”, “chị Hoa”, “bà trẻ Hoa”... cũng được lấy ra làm tấm gương để giáo dục cháu con.
Càng được mọi người chiều, tôn thờ, trọng vọng, Hoa càng càng ý thức cao “vị thế” và “danh giá” của mình. Bởi vậy, sự tự đắc của Hoa cũng vì thế mà thêm phần... phức tạp.
Trở thành dâu con trong nhà rồi nhưng Hoa vẫn thường trực câu cửa miệng: “em là thần tượng của cả nhà anh...”, “họ hàng, gia tộc nhà anh... chỉ có trố mắt mỗi khi em nói”, “em chỉ cần hắng giọng thôi nhé...”.
Sống ở thành phố, cả năm về quê 4 - 5 lần, cũng là đứa con dâu biết điều, khéo chiều mẹ chồng nên Hoa được mẹ chồng cảm phục lắm.
Cô em chồng thấy cũng phải ghen tị ứa nước mắt bởi con gái cũng không được bà yêu quý bằng Hoa. Một câu bà “cái Hoa”, hai câu bà mang ví dụ “chị dâu mày”...
Được “chiều như chiều vong” nên dần dà Hoa quen thói mặc kệ xung quanh, nghiễm nhiên coi mình như ngôi sao trong nhà.
Điều gì không hài lòng, Hoa gạt phắt không cần để ý ai. Hoa coi ý kiến của mình là nhất vì đơn giản mỗi tiếng nói của Hoa cất lên là sự thấu đáo của người học cao, hiểu rộng, đi nhiều, biết nhiều!
Ngay cả chuyện “có con, có cháu để cho vui cửa vui nhà và khích lệ người già cả trong nhà” cũng bị cô mang “lý thuyết” khoa học và triết lý sống của riêng mình ra giảng, buộc ai cũng phải gật đầu để cho cô: “35 tuổi mới nghĩ đến chuyện đẻ”.
Chồng có mang lời gang lời thép ra vừa “dọa” vừa “dụ” thì Hoa chống cự một cách quyết liệt không thèm để ý đến tự ái của anh: “Anh giỏi thì đi mà đẻ! Em chưa thích đẻ”.
Chồng giận, Hoa cũng không bận tâm, bạn bè khuyên nên nhún nhường, Hoa gạt ngang: “Dâu này là dâu danh giá, có mà dám giận đến ngày thứ hai. Làm căng lên tao bỏ đi là hết sĩ diện với họ hàng, làng xóm... Chồng tao không dám đâu! Kệ đi”...
Nghe Hoa mách “anh ấy không nói chuyện với con”, bố mẹ chồng nóng ruột lên thành phố. Hai ngày trôi qua thấy vợ chồng Hoa không hỏi nhau một câu nào, ông bà thở dài não nuột, đi ra đi vào chồm chồm như thể nền nhà có lửa.
Thỏ thẻ khuyên bảo không được, mẹ chồng dỗi bỏ về quê trước, Hoa không buồn giữ lại. Bố chồng cố nán thêm vài ngày để thuyết phục nhưng nói chán, nói chê cũng không đả thông được gì nên cũng khệ nệ ba lô về vì con dâu quý báu quyết: “Không sinh là không sinh”.
Ngôi nhà 4 tầng giữa con phố sầm uất vì thế mà im ỉm cả ngày, không một tiếng động. Hai con người trong căn nhà ấy, không ai thèm nói với ai một tiếng nào.
Hoa thì hiên ngang, kiên quyết mình không sai và sẽ không nhượng bộ. Hoàng thì chán nản vì cô vợ được cả họ tôn sùng giờ cho mình cái quyền được “ngồi lên đầu” những người khác, ra vào thi thoảng Hoa nghe thấy chồng lẩm bẩm: “dâu quý, dâu báu thế đấy”!