Đắp lá trị vết thương, chàng trai không ngờ có hàng trăm viên sỏi nhỏ màu trắng trong khớp khuỷu tay

MT,
Chia sẻ

Nghĩ chỉ là chấn thương nhẹ ở khuỷu tay, không đi khám và chụp phim mà đi đắp lá, bệnh nhân không ngờ khi có hàng trăm viên sỏi nhỏ màu trắng trong khớp khuỷu tay.

Chủ quan cho rằng chấn thương nhẹ

Theo thông tin từ Đơn nguyên Phẫu thuật Vai và Khuỷu khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đa khoa Xanh Pôn, tại đây vừa mổ nội soi, lấy ra hàng trăm viên sỏi nhỏ màu trắng trong khớp khuỷu của bệnh nhân.

Đó trường hợp anh Lê Quốc T, 18 tuổi (Hà Nội). Cách đây 6 tháng, anh T bị chấn thương ở khuỷu tay phải. Theo chia sẻ, anh T cho rằng chỉ là chấn thương nhẹ, không đi khám và chụp phim mà đi đắp lá (không rõ thành phần) theo lời khuyên của người nhà. Sau khi đắp lá, không những không đỡ đau, khuỷu tay phải của anh T ngày càng sưng to và đau hơn.

Sau hai tuần đắp lá, anh T bắt đầu cảm thấy việc đắp lá không mang lại hiệu quả như mong muốn nên đã đi khám ở một cơ sở y tế lớn tại Hà Nội. Anh được chẩn đoán là viêm màng hoạt dịch khớp khuỷu sau chấn thương và được điều trị bằng thuốc uống cũng như tiêm corticoid vào khớp khuỷu 2 lần. Tuy nhiên, các triệu chứng không thuyên giảm mà ngày càng nặng lên. Sau đó bệnh nhân đến khám tại BV Đa Khoa Xanh Pôn để khám lâm sàng.

Đắp lá trị vết thương, chàng trai không ngờ có hàng trăm viên sỏi nhỏ màu trắng trong khớp khuỷu tay - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh, trưởng đơn nguyên Phẫu thuật Vai và Khuỷu, thuộc khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cũng là trưởng êkip phẫu thuật cho biết sau khi khám nhận thấy khuỷu tay phải của bệnh nhân sưng đau bất thường và có biểu hiện kẹt khớp, các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp phim cộng hưởng từ để tìm nguyên nhân. Kết luận được chẩn đoán bệnh u sụn màng hoạt dịch. Đây là một dạng dị sản lành tính của bao hoạt dịch trong đó các tế bào liên kết có khả năng tự tạo sụn.

Trong ổ khớp, các khối sụn nhỏ mọc chồi lên bề mặt, sau đó phát triển cuống và trở thành các u, các u này xơ cứng lại và được gọi là u sụn, một số rơi vào trong ổ khớp và trở thành các dị vật khớp, sự xuất hiện các dị vật trong khớp sẽ ảnh hưởng đến sự vận động của khớp và gây ra các triệu chứng như đau, hạn chế vận động theo cơ chế cơ học, viêm màng hoạt dịch gây tràn dịch khớp và thường tiến triển từ từ tăng dần.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh ca phẫu thuật nội soi khớp khuỷu diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã lấy ra khỏi khớp khuỷu bệnh nhân khoảng trên dưới 200 hạt sụn với các kích thước khác nhau. Phẫu thuật nội soi khớp khuỷu là phẫu thuật ít xâm lấn, với việc bác sĩ sử dụng 3 đường rạch nhỏ chỉ khoảng 1cm, giúp cho bệnh nhân giảm được thời gian phục hồi sau mổ.

Hiện tại sau phẫu thuật, bệnh nhân hiện đang phục hồi rất tốt. Bệnh nhân đã gấp và duỗi khuỷu được hết tầm.

Đắp lá trị vết thương, chàng trai không ngờ có hàng trăm viên sỏi nhỏ màu trắng trong khớp khuỷu tay - Ảnh 2.

U sụn màng hoạt dịch - Cần phát hiện sớm để phẫu thuật kịp thời

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh Bệnh lý u sụn màng hoạt dịch thường gặp ở người có tiền sử bệnh khớp: như thoái hóa khớp, viêm khớp do lao, gãy xương phạm khớp, chấn thương vùng khớp… Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh lý này xuất hiện mà không có một nguyên nhân cụ thể nào.

Người dân cần tới cơ sở y tế khám để được chẩn đoán sớm và chính xác khi có các triệu chứng sau: Đau khớp, kẹt khớp, hạn chế vận động khớp, sờ thấy có khối u cục quanh khớp, cứng khớp, tràn dịch khớp hoặc sưng nóng đỏ đau ở khớp.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh khuyến cáo để phòng tránh u sụn màng hoạt dịch: Đảm bảo an toàn trong lao động và sinh hoạt tránh các chấn thương tại khớp. Cần chú ý những vi chấn thương tại khớp do vận động lặp lại một động tác quá nhiều hay thực hiện các động tác quá tầm vận động của khớp. Theo dõi và điều trị kịp thời các bệnh lý tại khớp. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao…

Trường hợp của anh T, nếu không được phẫu thuật kịp thời, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng lên và có thể dẫn đến thoái hoá khớp, mất chức năng khớp khuỷu hoàn toàn. Bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh, cho biết.

Chia sẻ