Đạo diễn Khải Anh của "Ngày ấy mình đã yêu": Ban đầu tôi không định mời Nhã Phương, dùng Phương là đánh cược, làm với Phương rất mệt!
"Làm với Phương thì cả hai bên đều mệt" - đạo diễn Khải Anh tiết lộ.
1 tiếng kể hết - Talkshow đặc biệt của Trí Thức Trẻ. Đây sẽ là nơi lần đầu những người nổi tiếng được trút bỏ chiếc áo khoác mĩ miều của hào quang sân khấu để chia sẻ về những vấp váp trong cuộc sống, công việc... Với phong cách trẻ trung, tươi mới nhưng cũng không kém phần sâu sắc, 1 tiếng kể hết sẽ giúp độc giả hiểu và gần gũi hơn với các nghệ sĩ.
Cùng với "Gạo nếp, gạo tẻ", "Ngày ấy mình đã yêu" là hiện tượng phim truyền hình của năm 2018. Bộ phim remake của đạo diễn Khải Anh đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ, thu hút lượng tương tác khổng lồ trên mạng xã hội để can thiệp vào cái kết của phim, điều mà hầu như chưa bộ phim truyền hình Việt nào từng làm được trước đó.
Cuộc trò chuyện với đạo diễn Khải Anh trong chương trình "1 tiếng kể hết" đã cho thấy phần nào công việc bếp núc hậu trường thú vị để tạo ra một câu chuyện điện ảnh đầy sinh động, hấp dẫn trên màn ảnh nhỏ dù khai thác mảng đề tài kinh điển và xưa cũ: Tình tay ba.
"Ngày ấy mình đã yêu là bộ phim tôi tự tin nhất"
"Ngày ấy mình đã yêu" đã gây ngạc nhiên với không chỉ những khán giả quan tâm tới dòng remake mà còn với những ai yêu thích phim của đạo diễn Khải Anh. Bộ phim này có phải là một sự đột phá của anh hay không?
Thực ra khi làm remake thì tất cả những người làm nghề như tôi đều kì vọng làm thế nào để tốt hơn bản gốc, làm thế nào để xóa đi dấu ấn của bản gốc trong lòng khán giả. Đây là một thử thách rất lớn với không chỉ riêng tôi, với ê-kip mà còn với tất cả các diễn viên. Làm thế nào để đưa tính chất Việt Nam, bối cảnh Việt Nam và cuộc sống gần gũi của người Việt vào phim. Có thể nói đây là bộ phim tôi tự tin nhất khi mình được thỏa sức bay, thỏa sức sáng tạo.
Một trong những điều khiến bộ phim được đánh giá hấp dẫn hơn hẳn phiên bản gốc của Hàn chính là tuyến nhân vật phụ hết sức sống động. Từ cặp thứ chính Đô - Sol đến những vai "phụ của phụ" như Mr Cần Trô, Long, "mẫu hậu", chú Hoàng và cả Na Na của Đan Lê. Ngoài yếu tố biên kịch, bàn tay dàn dựng của đạo diễn có thể thấy rất rõ. Trước khi phim ra mắt, anh có nghĩ dàn phụ lại hot không kém gì tuyến chính như thế này không?
Khi xây dựng những nhân vật này, tôi không nghĩ mình tạo độ nóng mà là tạo độ mềm cho bộ phim. Nhân vật phụ không có tính cách điển hình như nhân vật chính. Vì thế, nếu muốn khán giả chú ý thì phải làm cho họ bất thường một chút, đặc biệt một chút, khác người một chút, hơi over lên một chút. Như thế người xem sẽ nhớ lâu hơn. Đó là phong cách làm phim của tôi.
Nhân vật nào được anh đầu tư chăm chút kĩ nhất trong bộ phim này?
Nhân vật nào tôi cũng cố gắng chăm chút cả. Tất nhiên quan trọng nhất vẫn phải là cô Hạ - nhân vật chính của phim. Diễn biến tâm lý của Hạ phải không bị gãy, phải mềm mại chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác một cách chân thật nhất. Nếu làm không khéo thì cô Hạ rất dễ chông chênh giữa hai việc yêu người cũ và yêu người mới. Khán giả rất thông minh, làm thế nào để thuyết phục họ tin được Hạ có thật ngoài đời và chạm được vào những cảm xúc của họ là điều không dễ dàng.
Việc lựa chọn Nhã Phương - người đã quá quen mặt với các bộ phim truyền hình phía Bắc gần đây và quen mặt với phim của Khải Anh - có phải là sự an toàn của anh hay không?
Thực ra ngay từ đầu tôi không định lấy Nhã Phương. Tuy nhiên khi làm việc với một số diễn viên thì họ không đảm bảo được lịch làm việc với mình. Phương là người nhà rồi. Tôi làm với Phương rất nhiều và cũng rất thông thuộc "tem" diễn của Phương. Nhưng dùng Phương là đánh cược với bộ phim.
Nếu là một diễn viên khác thì tôi chỉ phải bỏ 50% công sức. Còn làm với Phương thì mệt hơn rất nhiều. Cả hai bên đều mệt. Bởi chúng tôi phải nỗ lực làm thế nào từ ngoại hình cho đến diễn xuất phải khiến khán giả quên đi Phương trong "Tuổi thanh xuân" và "Zippo, mù tạt và em". Có thể nói, đây là một sự mạo hiểm.
Anh đã hài lòng với sự mạo hiểm này của mình hay chưa?
Có rất nhiều trường đoạn mà khi xem lại, anh em tôi nói với nhau rằng, nếu như làm lại có thể hay hơn.
Thế mà nhiều khán giả cho rằng việc anh chọn làm việc với ê-kip gồm 99% diễn viên phía Nam mới là sự mạo hiểm. Bởi đây là lần đầu tiên VFC "Nam tiến" và thoát ra khỏi cách sử dụng dàn diễn viên "người quen" có phần lười biếng của mình.
Thực ra đây là một ưu ái của VFC dành cho tôi. Để di chuyển toàn bộ ê kíp sản xuất từ Bắc vào Nam làm phim đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn. Trong miền Nam, nhịp làm phim rất nhanh. Trung bình từ một đến một ngày rưỡi là quay xong 1 tập. Trong khi mình quay 4-5 ngày mới xong một tập, chi phí sẽ đội lên rất nhiều. Anh Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC - đã rất tâm huyết với bộ kịch bản này nên quyết định đầu tư cho ê kíp vào Nam sản xuất. Và rất may là bộ phim đã được khán giả đón nhận.
Trước khi Nam tiến, trong khâu biên kịch, anh và ê kíp có hình dung ra việc sẽ mời ai vào vai nào để viết kịch bản đo ni đóng giày cho họ hay không?
Tôi không nghĩ tới ai và không viết đo ni đóng giày cho ai. Khi làm việc với diễn viên, tôi sẽ tính đến việc sử dụng "tem" diễn nào cho họ, giống như là bốc thuốc vậy. Chúng tôi sẽ lấy chất xám của diễn viên, đồng thời hướng dẫn họ vào phong cách của mình, dựa vào chất diễn của họ để "búng" thêm, làm thế nào cho tốt nhất. May mắn là dàn diễn viên của phim đều là những người có kinh nghiệm làm nghề dày dặn.
Khi xem "Ngày ấy mình đã yêu", khán giả nào cũng rất ấn tượng với lời thoại và không gian của phim. Có cảm giác anh chăm sóc từ những chi tiết rất nhỏ, như việc cho Hạ cứ mở lời là "xuất khẩu thành chương", căn nhà xinh xắn của Hạ Sol Đô, những bài hát Indie rất đương thời như "Em dạo này" của Ngọt hay "Con điên" của Tam ca PKL... Nó mang đến cảm giác như thể câu chuyện trong phim đang diễn ra đâu đó ngay ngoài kia thôi.
Mỗi đạo diễn khi làm phim thì đều có cảm nhận về chất thơ, chất nhạc trong phim của mình để làm nhạc sao cho thích hợp. Tôi thích nghe Jazz Blue nên trong phim tôi cũng "búng" chất nhạc đó vào và nó cũng khá hợp tính chất vừa trẻ trung lại vừa hoài niệm của phim cũng như hợp với tâm lý của nhân vật. Bình thường khán giả xem phim sẽ không để ý đến những chi tiết này đâu nên khi bạn nói tôi cũng có chút bất ngờ.
Cũng phải nói thêm là chúng tôi chăm chút cho bối cảnh rất kĩ. Ngoài đời thực không thể tìm đâu được một căn nhà như thế. Chúng tôi phải thuê lại 1 ngôi nhà cũ và "set up" lại toàn bộ. Từ chi tiết trên tường là gì, sàn nhà màu gì, cửa sổ sơn màu gì, bên ngoài màu gì... Làm sao để ngôi nhà của Hạ và xưởng của Hạ phải lột tả được con người của cô ấy. Toàn bộ phần bối cảnh này chúng tôi mất tới gần 1 tháng mới hoàn thành.
Về lời thoại thì đó là nhờ biên kịch Nguyễn Thu Thủy. Thủy là một người rất sắc về lời thoại và tôi hầu như không phải thay đổi gì nhiều.
Một chi tiết vừa đặc biệt vừa gây tranh cãi của "Ngày ấy mình đã yêu" là phần generic với giọng đọc thơ của Nhã Phương, thể hiện bài thơ "Gọi" của nhà thơ Trần Hữu Việt. Việc đọc thơ ở phần generic là điều chưa có tiền lệ với phim truyền hình Việt. Tại sao lại là thơ và tại sao lại là Nhã Phương đọc thơ?
Ban đầu tôi cũng muốn tìm một ca khúc để ở cuối phim cho phần generic nhưng không có ca khúc nào tải được bộ phim này. Thêm nữa, nếu tôi mang một giọng ca nổi tiếng nào đó vào phim thì vô tình phá mất không gian phim. Bởi mỗi khi khán giả nghe bài hát quen hoặc giọng ca quen thì họ sẽ có kỉ niệm riêng của họ chứ không còn là kỉ niệm riêng với phim nữa. Tôi muốn kết thúc mỗi tập phim, khán giả nghe bài thơ đấy là mặc định đây là "Ngày ấy mình đã yêu". Cũng như sau này nghe bài thơ này là nhớ đến phim và vẫn mang theo âm hưởng day dứt của nó.
Còn về giọng đọc của Nhã Phương, giọng Nhã Phương không hay, không phải giọng đọc thơ. Bài thơ đó nhân vật Hạ của Nhã Phương đã đọc cho Nam nghe trong lúc say và nhớ về người yêu cũ. Lúc say, con người ta sống thật với mình nhất nên khi đọc cũng mang theo tâm trạng day dứt nhất.
"Hạ về với Tùng hay với Nam thì kiểu gì nhà tôi cũng bị đốt"
Hiện tại, cuộc chiến giữa hai phe Tùng-Hạ và Nam-Hạ đang diễn ra vô cùng gay cấn và khốc liệt. Phe Nam-Hạ thì sợ anh mang câu chuyện tình của chính anh vào phim. Còn phe Tùng-Hạ đã hỏi thăm địa chỉ nhà anh để chuẩn bị sẵn xăng đem tới đốt nếu anh để Nhã Phương về với Lương Thế Thành. Anh trả lời sao với những phe phái này?
Đó là chủ đích của tôi. Bộ phim thực ra khá đơn giản. Tình tay ba, và cuối cùng cô này về với ai. Nếu khán giả biết luôn từ tập 10 thì ai còn xem phim của tôi nữa. Vì thế khán giả càng có nhiều tranh cãi thì tôi càng mừng. Tôi thấy phim của tôi khá thành công khi phần nào phản ánh được tư duy và cuộc sống của họ. Với những người đã từng yêu và lập gia đình thì không ai là chưa từng đối mặt với việc chọn người này hay người kia. Hạ thì không thể không về với ai được nên dù về với Tùng hay về với Nam thì kiểu gì nhà tôi cũng bị đốt.
Với tôi tập 23 là đã hết phim. Tập 24 chỉ còn việc chọn con tim hay là nghe lí trí mà thôi. Và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khán giả. Dựa trên kết quả bình chọn, chúng tôi sẽ phát phần phim tương ứng.
Ngoài đời, trong câu chuyện tình của mình với bà xã Đan Lê, anh đã chọn con tim hay nghe lí trí?
Cái đó thì các bạn cũng biết rồi đấy.
Với những trải nghiệm của mình về cuộc sống, theo anh người ta nên chọn con tim hay nghe theo lí trí?
Nếu tôi trả lời thì tôi e rằng khán giả sẽ hiểu lầm về cách làm của tôi trong phim nên tôi xin phép không trả lời.
Một số diễn viên trong phim chia sẻ rằng khi quay "Ngày ấy mình đã yêu" họ có cảm giác đây là phim truyền hình điện ảnh, bởi có khi cả một ngày chỉ quay được một phân đoạn trong khi chừng đó thời gian nhiều nơi họ quay xong 1 tập phim. Làm kĩ như vậy hẳn là anh rất hài lòng về sản phẩm của mình?
Thực ra điện ảnh và truyền hình ngày càng đi gần với nhau. Ở nhiều nền điện ảnh phát triển, xu hướng bây giờ là làm phim truyền hình không khác gì điện ảnh. Một bộ phim sitcom có thể làm 1 tháng 1 tập. Nên nếu chúng ta làm phim với 1-2 ngày 1 tập thì không có cách nào khá lên được. Vì chỉ khi có thời gian làm kĩ thì chúng ta mới cho khán giả những bộ phim hay. "Ngày ấy mình đã yêu" quay xong và bắt đầu dựng từ trước Tết mà chúng tôi chỉ vừa dựng xong cách đây ít ngày. Trung bình 1 tuần mới dựng xong 1 tập. Tôi nghĩ chỉ những người thực sự yêu nghề thì mới trau chuốt được. Với cá nhân tôi, mỗi bộ phim đều làm tôi thấy mình trưởng thành hơn.
Đến thời điểm này, anh nghĩ mình đã vượt qua cái bóng của cha mình - đạo diễn, NSND Khải Hưng - chưa?
Tôi nghĩ là chưa.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!