Đào Chi Anh: “Thật bất hạnh nếu phụ nữ bị tước đi đôi cánh đam mê của riêng mình”
"Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, sống vì đam mê, và có chồng con làm nơi chắp cánh cho mọi điều tôi mơ ước".
Đào Chi Anh
CEO - người sáng lập Kitchen Art, tạp chí Nếp, T-Pot...
Mẹ bé Oli 15 tháng
Đào Chi Anh - hành trình từ một cô gái bản lĩnh thành một người mẹ, người vợ sống hết mình vì đam mê.
Cô hơi ngượng nghịu khi bắt đầu câu chuyện của mình với We Are Family - WAF, khiến tôi cảm thấy Đào Chi Anh của hiện tại - 33 tuổi, 1 chồng 1 con - khác hẳn so với Đào Chi Anh độc thân mạnh mẽ vài năm trước, từng khiến giới kinh doanh phải thán phục khi có thể gọi vốn đầu tư lên tới 5,5 triệu đô la để mở một chuỗi nhà hàng ẩm thực hiện đại.
Rời khỏi The Kafe, bà mẹ một con lại tiếp tục hành trình mới với niềm đam mê ẩm thực chưa bao giờ ngưng.
Nhiều người dõi theo bước đi của cô đều thắc mắc là lâu không thấy Chi Anh "khuấy đảo thiên hạ", tưởng cô chọn lui về ở ẩn. Nhưng thực ra nửa năm nay, Chi Anh dồn hết tâm huyết cho một dự án mới khá xinh xắn, tên gọi cũng rất dễ thương: Nếp. Đó là một tạp chí ẩm thực dành cho những người chung đam mê bếp núc, thích chăm sóc gia đình và yêu lối sống lành mạnh, hiện đại như Chi Anh. Nếp - vừa là gạo nếp, vừa có nghĩa là "nếp sống", "nếp nhà", "nề nếp" - một lựa chọn rất thuần Việt, ngắn gọn, trong veo.
Tôi hỏi cô có tiếc nuối khi chia tay The Kafe không, Chi Anh nhăn mũi, cười nhẹ: "The Kafe là một doanh nghiệp, dự án lớn đầu tay của mình, còn Nếp hiện tại thì khác hẳn, nó là dự án của đam mê. Khi còn điều hành The Kafe, nó là một bộ máy khổng lồ với quy mô nhân sự, chuỗi nhà hàng, khối lượng công việc… lớn hơn rất nhiều so với Nếp. Khi kết thúc The Kafe, Chi Anh vẫn muốn quay lại tiếp nối đam mê của mình với đồ ăn, nhưng là mình trực tiếp chạm tay vào, tham gia mọi công đoạn, chứ không phải là ở tít trên cao để rồi chẳng thể biết rõ phía dưới mình là những gì.
Căn phòng này là nơi mình thỏa sức sáng tạo mọi thứ về ẩm thực, thể hiện những triết lí cốt lõi, phong cách sống lành mạnh, gửi gắm ước mong phục vụ cho tất cả chị em phụ nữ Việt, giúp họ chăm sóc gia đình mà không phải lo lắng quá nhiều về công thức nấu món ăn truyền thống nào đó, hay là hoang mang về sự an toàn của đồ ăn với sức khỏe…".
"Tôi không tiếc nuối những gì đã qua".
Rời khỏi The Kafe cũng có thể coi là một thất bại, một bài học sâu sắc với Chi Anh, thế nhưng, cô không quá bận tâm về chuyện làm sao để tránh "vết xe đổ". Bởi với người phụ nữ bản lĩnh này, dự án cũ và mới là hai "món ăn" hoàn toàn khác nhau. Chỉ có một điều Chi Anh chắc chắn, đó là cô có thể kiểm soát Nếp tốt hơn gấp nhiều lần, và mỗi ngày làm việc bây giờ với cô là sự "thưởng thức". Có thể đấy là lý do khiến tôi cảm thấy cô trẻ trung hơn trước rất nhiều, gương mặt toát lên vẻ thư thái, dễ chịu của một người phụ nữ được tô đúng màu giấc mơ.
Chi Anh chống cằm nhìn ra phía sau lưng tôi, nơi team của cô vẫn đang miệt mài ngồi làm việc. Ánh mắt cô lay động hơi khẽ, bừng sáng lên khi tôi nhắc đến thói quen "tin tưởng" của cô với mọi người xung quanh.
"Đúng là mình luôn tin tưởng người khác rất nhiều, kể cả bạn bè lẫn đối tác, nhân viên… Có người bảo mình dại dột khi làm vậy, vì niềm tin rất dễ trở thành nhược điểm của người kinh doanh, không phải đặt đâu cũng đúng. Nhưng mình khẳng định sẽ không thay đổi quan niệm đó, mình tin vào sự tử tế của mọi người, kể cả vấp ngã hay khó khăn thì nó cũng trở thành kinh nghiệm để mình mạnh mẽ hơn.
Sai lầm vì tin một ai đó không đồng nghĩa với việc biến mình thành người đa nghi hay bi quan với cuộc sống. Thời gian mà mình trao cho ai đó niềm tin, quyền hạn sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn là ngồi đó giữ khư khư sự hoài nghi".
Một Đào Chi Anh làm vợ - làm mẹ thật sự rất khác biệt so với Chi Anh thời còn độc thân. Chính bản thân cô cũng ngỡ ngàng khi nhìn lại, mới cách đây chưa đầy 1 năm, cô luôn ngập đầu ngập cổ với công việc, mở mắt ra là chỉ nghĩ đến công việc mà thôi. Nhưng bây giờ, mỗi sáng chị đều có thời gian dành cho con, nấu một bữa sáng đủ dinh dưỡng cho mình, tạm biệt chồng trước khi anh đi làm, tập thể thao, vừa làm việc vừa trông con, rồi buổi chiều mới đến văn phòng.
"Ngoài việc làm sếp trong ngày thì buổi chiều tối trở về nhà, mình còn vai trò khác là làm mẹ của bé Oli 15 tháng, vợ của một người chồng đảm đang. Người ta có vợ làm hậu phương, mình thì ngược lại, có chồng làm hậu phương giúp đỡ mọi việc nhà, nhất là nấu nướng. Cả hai cùng chung đam mê nên giây phút ở trong bếp luôn gần gũi và đồng điệu hơn cả.
Mình thật sự hạnh phúc khi ngày nào cũng trôi qua ý nghĩa, với những cái đích nho nhỏ để hướng đến, chẳng hạn như chuẩn bị cho số Nếp sắp ra lò vào tuần sau, sản phẩm mới mà mình chuẩn bị bán… Chẳng cần hoành tráng, chỉ vậy thôi nhưng đủ khiến mình vui vẻ cả ngày, tươi tắn đến văn phòng và trở về trong tâm thế thoải mái".
Đối với Chi Anh, sự nghiệp của người phụ nữ hay người đàn ông trong cuộc sống hiện đại không quá khác biệt, tuy nhiên có lẽ người phụ nữ sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn sự khác biệt trong hai hành trình song song của bản thân: hành trình làm việc và hành trình làm vợ, làm mẹ. Mục tiêu cô hướng đến là cân bằng giữa đam mê công việc và tình yêu dành cho gia đình.
"Mình không hẳn là mẫu phụ nữ truyền thống đâu, vì mình thích làm việc nên không thể chu toàn mọi thứ trong nhà được. Cống hiến sức lực cho công việc rồi nên về nhà năng lượng cũng có hạn thôi.
Mình rất may mắn khi có một người chồng như anh. Chồng gánh vác có khi quá nửa việc nhà, sẵn sàng đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, tắm cho con… dù anh ấy cũng bận rộn. Anh ấy còn đóng vai trò người tư vấn đáng tin cậy, hỗ trợ chuyên môn cho mình trong hoạt động kinh doanh. Thử hỏi xem còn gì tuyệt vời hơn khi chồng luôn đồng hành với mình trong nhiều khía cạnh như thế?
Sinh con được 2 tháng thì mình tất bật quay lại với công việc, chồng không phàn nàn gì, còn giúp đỡ rất nhiều bằng cách trò chuyện buổi tối khi con đã ngủ, dặn mình giữ sức khỏe. Mình luôn cảm thấy biết ơn anh vì không bắt mình đóng sập cánh cửa đam mê và còn tạo mọi điều kiện để mình có thể theo đuổi giấc mơ riêng".
Phụ nữ dù có cứng rắn đến đâu cũng sẽ có những khoảng mềm mại dịu êm trong tâm hồn, và nó chỉ hé lộ ra khi họ gặp được thứ khiến họ bằng lòng trút bỏ lớp vỏ ngoài ấy. Chi Anh từng đứng ở vị trí quản lý, nó không cho phép cô tỏ ra yếu đuối, dễ thỏa hiệp. Nhưng sau khi bước lên xe hoa, cô không hẳn là "nữ chiến binh" trên thương trường nữa, thứ tự ưu tiên của những việc cô thường làm mỗi ngày đã thay đổi rất nhiều, tuy nhiên, cô không hy sinh tất cả cho công việc, mà vẫn cố gắng cân bằng cả hai.
"Mình nghĩ rằng phụ nữ sau khi lập gia đình thì càng phải giữ mối liên hệ giữa bản thân với cái tôi, với đam mê, cá tính riêng. Vì nếu ngày nào cũng để chuyện chăm con, dọn nhà lấn át hết tư duy, sẽ dễ dẫn đến trầm cảm, cảm thấy chán nản, bị bỏ rơi, không còn cái gì dành cho mình hết, thậm chí là oán hận những người xung quanh. Phải biết giới hạn mình dành cho chồng con, gia đình đến đâu, trừ phi cực kỳ cần thiết thì hãy nghỉ việc sau sinh, còn đâu nên duy trì cuộc sống như cũ.
Lắm hôm về nhà, đặt lưng xuống là mình cứ lịm đi, vì quá mệt. Lâu lắm rồi không xem TV buổi tối, dù trước đây hay ôm chồng ở sofa để cùng nhau vừa tâm sự vừa nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khác với suy nghĩ của mọi người, sự thật là mình không thích làm nô lệ của công việc. Cân bằng giữa hai vai trò ở văn phòng và ở nhà thì tốt hơn. Cứ mải mê chạy theo cái danh xưng người mẹ tốt hoặc người sếp giỏi sẽ khiến mình chỉ biết đến cái đó, và không chu toàn được cuộc sống".
1 tiếng trôi qua, thay vì thao thao bất tuyệt về dự án mới, hay là chuyện kinh nghiệm, bài học sau vấp ngã, Chi Anh nhắc đến mọi thứ vừa phải, như cách cô nêm gia vị khi nấu món yêu thích vậy, không thừa không thiếu. Những con số chứng minh sự thành công ban đầu của tạp chí Nếp không khiến cô hạnh phúc bằng việc thổ lộ: "Có bé Oli xuất hiện trong cuộc đời là điều kỳ diệu thiêng liêng nhất".
Thế đấy, một người phụ nữ dù đã từng khiến bao người ngưỡng mộ thán phục vì cả nhan sắc lẫn trí tuệ, giờ đây cũng bộc lộ vẻ dịu dàng đầy thiên tính nữ như bao bà mẹ khác.
Theo dõi và tham gia chiến dịch "Ngày thứ 8 của mẹ" tại http://waf.afamily.vn.