Xôn xao 'K', 'Q', 'C' đều đọc là 'cờ': Bộ GD&ĐT nói gì?
Bộ GD&ĐT vừa lên tiếng trước việc, nhiều phụ huynh hoang mang, cho rằng phản giáo dục khi xem một clip giáo viên hướng dẫn phụ huynh cách đọc các chữ “K”, “Q”, “C” đều đọc là “cờ”.
Bất ngờ với cách đánh vần "C", "K", "Q" của cô giáo.
Áp dụng 5 năm, phụ huynh không biết
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, có con chuẩn bị vào học lớp 1 nên có dự định tìm hiểu SGK để dạy học chữ trước, tuy nhiên khi thấy clip giáo viên hướng dẫn cách đọc mới đã ngớ người. Chị Hương chia sẻ: “Không hiểu, cải cách giáo dục kiểu gì mà cách học khác xa với thời chị còn ngồi trên ghế nhà trường như vậy”. Theo chị Hương cách đọc trong sách công nghệ giáo dục là phức tạp, khó hiểu.
Một giáo viên ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh chia sẻ, cô dạy lớp 4 nhưng năm trước có con chuẩn bị vào lớp 1. Vì thế, cứ sau mỗi buổi dạy học trên lớp, cô lại xin học nhờ lớp của đồng nghiệp lớp 1 để biết phương pháp mới về nhà còn dạy con. Giáo viên này ví dụ, trong chương trình của sách Công nghệ giáo dục, ví dụ từ “bố”, ngày trước sẽ dạy trẻ đánh vần là “bờ/ô/ sắc/bố thì nay phải đọc là “bô” sắc “bố”…
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đang gây xôn xao dư luận
Theo bộ sách Công nghệ giáo dục, khi đánh vần sẽ đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ ghép như phương pháp truyền thống. Khi đánh vần theo âm nên viết cũng phải theo Luật chính tả cụ thể như: âm/cờ/ đứng trước các âm: e/ ê/I thì phải viết bằng chữ k (ca).
Âm “cờ” đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u. Do đó, cơ chế đánh vần theo hai bước là đánh vần theo thanh ngang và đánh vần tiếng có thanh thì tách ra, để lại thanh ngang. Và học sinh chỉ học tiếng có thanh khi đã đọc trơn được tiếng thanh ngang.
Theo giáo viên này, điều đáng nói nhất là Sách công nghệ giáo dục chỉ áp dụng lớp 1 cho nên khi học hết lớp 1, có nhiều từ con bị nhầm lẫn lại phải hướng dẫn cách đọc như cũ.
Địa phương tự lựa chọn chương trình
Như vậy, hiện nay đang có hai bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đang được lưu hành, giảng dạy trong trường học. Sách đều do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành và được thông qua bởi Bộ GD&ĐT. Trong đó, Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng.
Chương trình đã được khiển khai tại Trường Thực nghiệm Hà Nội sau đó được phát hành mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. Theo Ban soạn thảo chương trình, tính đến thời điểm này, đã có gần 50 tỉnh, thành phố với hơn 800.000 học sinh theo học chương trình Công nghệ giáo dục. Việc lựa chọn chương trình này hay sách tiếng Việt thông thường là do sự lựa chọn của các địa phương.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây không phải là chương trình giáo dục phổ thông mới mà là chương trình giáo dục Công nghệ giáo dục theo hướng ngữ âm học. Trên thực tế, chương trình đã được thí điểm và triển khai rộng rãi nhiều năm nay.
Cũng theo ông Hữu, như trong clip cô giáo hướng dẫn đánh vần phụ huynh thấy lạ là vì phụ huynh quen với cách đánh vần như chương trình đại trà hiện hành.
Ông Hữu cũng giải thích thêm, tài liệu Tiếng việt 1 theo chương trình của GS Hồ Ngọc Đại đi theo hướng ngữ âm học và đã tổ chức dạy học bao nhiêu năm nay rồi. Giáo viên trước khi dạy chương trình này cũng được tập huấn và khi hiểu ra thì cũng thấy bình thường.
Để chương trình được lưu hành song song với chương trình đại trà, sách Công nghệ giáo dục Tiếng việt 1 đã được Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới.
Khi có hai chương trình song song, địa phương nào muốn tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình nào thì được quyền quyết định. Bộ GD&ĐT không yêu cầu các địa phương phải học theo tài liệu nào cụ thể.
Trả lời trên Báo điện tử Lao động, một nhà ngôn ngữ học cho hay, “Cách đánh vần Tiếng Việt trong sách Công nghệ giáo dục được người xây dựng chương trình dạy các cháu lớp 1 những khái niệm ngữ âm học như tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối.
Những khái niệm này trước đây các bậc phụ huynh chưa được học (chỉ những ai học khoa Ngôn ngữ Đại học Hà Nội mới học kỹ. Do vậy, các bậc phụ huynh dù là giáo sư các ngành khác cũng không hiểu các khái niệm này thì làm sao dạy con cháu họ được.
Nhà ngôn ngữ học này cũng kiến nghị, đây là dịp để ngành giáo dục, nhóm soạn thảo sách cần nghiên cứu, lấy ý kiến và công khai kết quả của đợt thực nghiệm; đánh giá nên hay không tiếp tục mở rộng sách “Công nghệ giáo dục” ra nhiều tỉnh thành.
Không nên song hành cả hai chương trình
Cũng trên Báo điện tử Lao động, Bà Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: “Tiếng Việt vốn đã rất ổn định nên việc thay đổi sẽ làm cho đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là các bậc phụ huynh hoang mang. Tiếng Việt trước nay vẫn thế thì nên giữ sự trong sáng ấy. Vì vậy, bà Loan cho rằng, Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT) không nên cho phép song hành 2 cách phát âm như vậy, cần có sự thống nhất trong cả nước và phải có một hội đồng để thống nhất.
Còn PGS.TS Phạm Ngọc Trung giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, có sự thiếu thống nhất, thậm chí có thể nói là bất cập khi lớp 1 học theo sách CNGD, lớp 2 lại học theo sách đại trà với những phương pháp tiếp cận và cách dạy khác nhau.
“Trong giáo dục, phải có tính thống nhất, tính đồng bộ và hệ thống. Không thể lớp 1 học một kiểu, lên lớp 2 lại học kiểu khác, cải cách như vậy là loạn. Cải cách phải đảm bảo ngắn gọn, dễ sử dụng và đặc biệt là tính thống nhất, tính hệ thống thì mới được xem là cải cách thành công” – ông Trung nói.