Danh sách các loại hải sản, cá biển miền Trung quen thuộc nhưng hiện tại không nên ăn, theo khuyến cáo của Bộ Y tế
Sau thời gian phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản, cá biển tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng, Bộ Y tế đã đưa ra kết luận.
Ngày 20/9 vừa qua, liên bộ Tài nguyên, Y tế, Nông nghiệp đã công bố thông tin về việc sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế - 4 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển bắt nguồn từ Formosa Hà Tĩnh.
Theo đó, sau thời gian phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày ở tất cả cảng cá, gò cá, thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung, sau đó thực hiện kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế kết luận:
- Kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn.
Còn với các loại cá biển, hải sản:
- Về chỉ số xyanua - chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt: tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng (Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu), đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có xyanua;
- Về các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt: tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định;
- Về chỉ số phenol, tất cả các mẫu hải sản sống ở tầng nổi tại bốn tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có phenol;
- Tuy nhiên, phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của bốn tỉnh miền Trung có phenol - đây là những loài hải sản sống ở tầng đáy, nằm trong vùng từ 5 đến 25 km (tương đương với khoảng 2,7-13,5 hải lý) - với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô - Thừa Thiên Huế.
Giải thích về sự khác biệt khiến hải sản tầng nổi an toàn hơn, đại diện Tổng cục thủy sản cho biết hải sản tầng nổi có tập tính di cư nên không bị ảnh hưởng bởi vùng đáy biển chưa an toàn trong vùng biển 15 km trở vào; trong khi đó, hải sản tầng đáy ít di cư và chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng đáy biển chưa an toàn.
Như vậy:
- Tất cả các loại hải sản sống ở tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm.
- Các loại hải sản sống ở tầng đáy, trong vòng 20 hải lý, chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng, bao gồm:
- Bạch tuộc;
- Cá bơn;
- Cá chình;
- Cá đục;
- Cá đuối;
- Cá hồng;
- Cá khế;
- Cá mối;
- Cua đá;
- Ghẹ;
- Mực;
- Ốc;
- Tôm;
- Tôm tít;
- Và các hải sản khác (cá sơn, cá lè ké, cá bướm, cá móm, cá nhồng, cá chai, cá ngát, cá nhụ, bồ điệp, cá phèn, cá liệt…)
Về việc làm sao phân biệt cá tầng nổi và tầng đáy, cũng như hải sản, cá biển ở vùng biển nào, cũng tại cuộc họp ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết sẽ có các đơn vị giám sát ở các cảng cá, bến cá. Nếu phát hiện tàu đi không đúng hải trình và khai thác cá tầng đáy trong 20 hải lý, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu đi kiểm nghiệm, đồng thời có biện pháp xử lý với chủ tàu hoặc ngư dân.
Tổng hợp