Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng Chạp?

Bài: Thiên Yết Thiết kế: Hà Mĩ,
Chia sẻ

Tháng Chạp đến như một lẽ tự nhiên, như hết chủ nhật là đến thứ hai vậy. Nhưng tháng này đặc biệt bởi nó sẽ gắn liền với thời điểm được chờ đón mà cũng gây sợ hãi nhất năm: Giáp Tết.

Cuối cùng thì sau bao trì hoãn, nơm nớp lo lắng, thì thào bàn tán, tháng Chạp đã ập đến thật rồi. Tháng Chạp đến, nghĩa là chỉ còn 1 tháng, rồi hơn hai mươi ngày, hơn mười ngày, rồi ngay sát đây, Tết đến thật rồi!

Mà Tết, nghĩa là một kỳ nghỉ xả hơi, nhưng cũng thật nhiều nỗi lo. Tết năm nào cũng đến, năm nào cũng ngần ấy công đoạn, ngần ấy thứ phải sắm sửa, nào quà cáp hai bên nội ngoại, nào lì xì sắp nhỏ họ gần họ xa, nào mứt bánh nào cỗ bàn… nhưng lần nào tháng Chạp về, người ta cũng thấy vội, cũng thấy ngỡ ngàng như mới và đua nhau đếm ngược: "x ngày nữa là Tết rồi à?".

Câu chuyện buôn dưa lê của mọi người những ngày tháng Chạp bỗng dưng chuyển chủ đề hẳn. Tất cả chuyện tiền nong, chuyện ăn chuyện chơi bỗng đều được đính thêm chữ "Tết". Bao nhiêu tâm trạng mênh mang ngày thường cũng nghe, mà sao đến tháng "củ mật", nó bỗng trở nên cấp bách đến lạ.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 1.

Hà Thanh, 34 tuổi, đi làm 12 năm, Tết này là Tết thứ 12 trong cuộc đời cô trở thành người-kiếm-ra-tiền rồi, mà năm nay vẫn hệt năm xưa, Tết thì cứ đến mà chưa có tiền. Hà Thanh bảo, nghĩ đến Tết là cô nàng như bị "dí dao vào cổ" vì đủ thứ phải chi dùng. Nào là biếu bố mẹ, lo sắm sanh, trang hoàng nhà cửa, mua đồ ăn Tết. Đặc biệt là khoản lì xì. 

Hà Thanh họ hàng đông đúc, cháu con thân thuộc, cả năm mới có dịp gặp gỡ một lần, không thể không mừng tuổi. Nhà người ta còn có con để "hồi vốn", như Hà Thanh vẫn một mình một bóng thì tiền lì xì ra khỏi ví là thôi khỏi nghĩ đến đường về.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 2.

Nhiều khoản thế, lại chỉ là dân văn phòng thuần tuý, không khoản thu thêm nên mọi chi tiêu của Hà Thanh cũng như hàng triệu nhân viên văn phòng khác đều chỉ trông vào lương và thưởng. 

Câu chuyện tháng Chạp nơi công sở vì thế tự nhiên cũng "sặc mùi tiền". Người ta tự hỏi nhau, dò hỏi "chị kết toán" xem hôm nào có lương bao giờ có thưởng, không biết lương có kịp trả trước Tết không. Và nhất là không biết công ty có thưởng đậm hơn năm ngoái không?

Thôi thì, hãy an ủi nhau là cứ đến tháng Chạp, từ đâu đâu cũng chỉ nói chủ đề tiền thôi. Và hãy coi nó như là một phần tất yếu của cuộc sống và một phần màu sắc của dịp sát Tết.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 3.

Rôm rả không kém chuyện lương thưởng chính là sắm Tết. Bởi suy cho cùng, chúng ta cần tiền, phần lớn cũng chỉ là để đổi chúng thành vật chất cho mấy ngày Tết mà thôi. 

Tết có nhiều thứ phải lo, nhưng lo nhất vẫn là khoản… ăn. Dù ngày này, xã hội đã muôn phần phát triển, đủ để bữa ăn hàng ngày đã ngon lành, đầy đủ lắm rồi. Nhưng lệ xưa để lại, cứ Tết đến là phải mâm cao, cỗ đầy, ngày thường sao cũng được, nhưng ngày Tết món ăn phải kén nguyên liệu ngon nhất mới ưng ý.

Thế nên chẳng có gì làm ngạc nhiên khi tháng Chạp đến, câu chuyện của biết bao người đã đưa đẩy sang mua gì, ở đâu. Trong bất cứ một văn phòng nào, hay góc chợ nào, người ta cũng dễ dàng nghe thấy những câu hỏi "đặt mấy con gà rồi", "năm nay tự gói bánh chưng hay đặt mua", "giò chả đâu ngon", siêu thị nào nhiều ưu đãi hay rôm rả rủ nhau mua chung đặc sản gì đó.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 4.

Chưa kể vì có điều kiện, phú quý sinh lễ nghĩa, ngoài các món ăn cổ truyền, người ta còn nghĩ ra nhiều món mới, mang đủ đặc sản vùng miền, thậm chí đất nước khác về mâm cỗ Tết nhà mình cho thêm phần trịnh trọng.

Năm nay thịt lợn tăng giá phi mã kéo theo mọi thứ leo thang theo. Ngày nào lên văn phòng, bài ca chung của hội chị em đồng nghiệp là "em mua đồ mà cứ nghĩ mình vừa bị móc túi các chị ạ, nhoằng cái mất toi cả triệu". Tháng Chạp quả là thời điểm người ta cảm nhận rõ nhất cảnh đi chợ hết mình khi về hết tiền và vì thế câu chuyện mua gì, ở đâu lại càng xôm tụ hơn bao giờ hết.

Thôi thì, âu đó cũng là nét văn hóa riêng có của tháng Chạp. Và vỗ tay an ủi cho chúng ta, những người gom thóc để đãi gà rừng, tiết kiệm quanh năm để vung tay vào vài ngày Tết.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 5.

"Nhà bao việc lại còn Tết, cuối năm là quay cuồng với quyết toán sổ sách, kế hoạch, tổng kết năm, việc vất vả kinh mà bao năm rồi thu nhập chả tăng được mấy, sếp thì thiên vị, chắc tao nhảy việc, mày kiếm được mối thơm nào thì ới nhé" - Suốt 5 năm nay, cứ gần đến Tết, Mai Hoa lại xổ ra một tràng như thế, càu nhàu, bứt rứt như một bà dì vào mùa rớt dâu. 

Thực ra, đôi ba tháng sẽ một lần Hoa lên cơn chán việc, nhưng rồi sau rốt, đâu cũng sẽ lại vào đấy, cơn qua, Hoa sẽ lại lầm lũi ngồi ở công ty, lách cách gõ gõ nhập nhập, vẫn chơi với đồng nghiệp và làm việc với chị sếp khó tính. Nhưng cơn cuối năm bao giờ cũng nặng nhất. Tháng Chạp là thời điểm bận kinh hoàng, bao việc đổ xuống đầu cả việc nhà lẫn cơ quan khiến người ta dễ quạu. Vậy là hội văn phòng như Mai Hoa sinh chán nản đòi nhảy việc thôi. 

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 6.

Nhưng nói thế thôi, không phải ai cũng dám làm, dù đó là tâm sự rất thật của nhiều người. Đi làm cả năm bao gian khổ, phần cũng vì thưởng Tết. Chẳng thể nào chỉ còn đôi ba cái tuần mà bỏ giữa chừng. Thôi cố nốt lấy thưởng Tết. 

Thế đấy, dù cơn khủng hoảng công việc tháng Chạp rất nặng nề, nhưng thường thì, người ta sẽ tự dỗ mình bằng hai chữ "thưởng Tết" để cố gắng. Còn đâu ra Giêng sẽ thay đổi cuộc đời, sẽ tìm chỗ khác tươi sáng hơn, sẽ thoát ra khỏi "vũng lầy" của sự nghiệp.

Nhưng rồi ra Giêng ngày rộng tháng dài, không khí hội hè tưng bừng, ngày đi làm trở lại nhìn mặt sếp lại thấy không còn "hãm" nữa, khoác vai đồng nghiệp nói nói cười cười kể chuyện Tết qua, thế là thôi lại cố tiếp vài tháng, vài tháng nữa đến nghỉ hè, đi du lịch, kick off, rồi đến Tết năm sau vẫn ở đây cũng chưa chừng.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 7.

Tương tự như chuyện miếng ăn. Với tiêu chí ăn ngon, mặc đẹp, năm mới năm me, ngoài ăn ngon, người ta còn cố gắng để đẹp hoặc chí ít là tươm tất nhất có thể. Bởi vốn trong một ngôi nhà dọn tinh tươm, gia chủ úi xùi làm sao coi được. Chưa kể đây còn là dịp gặp gỡ họ hàng, anh em, bạn bè nữa.

Để chuẩn bị cho cái sự đẹp, mát mặt ấy, cứ tháng Chạp đến là người ta, đặc biệt là cánh phụ nữ lại kéo nhau đi… làm đẹp. Minh không ngoại lệ. Vừa đầu tháng Chạp, cô đã điên cuồng lên kế hoạch đẹp hơn. Những bữa trưa đủ cơm, rau, thịt nay cắt triệt để cơm để thân hình cân đối hòng Tết đến… ăn bánh chưng béo lên là vừa.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 8.

Chỗ Minh mỗi người một phách, người nhăm nhe làm tóc xoăn với kiểu xoăn lơi nhẹ nhàng nữ tính. Chị Bình cách cô vài bàn thì cho hay đã bỏ ra một cục tiền đi spa chăm sóc da dẻ. 

Đây là còn chưa kể đến quần áo, mỹ phẩm, nước hoa để mình thật đẹp, thật thơm trong vài ngày Tết. Phù phiếm không thì cũng xin thưa là có, nhưng có đáng không thì cũng xin thưa là đáng, vì đẹp chẳng phải là đặc quyền của phụ nữ hay sao. Chỉ xin các chị em vui làm đẹp không quên kiểm tra cẩn thận gốc gác hàng hoá cũng như địa chỉ sắm sanh để tránh tiền mất, tật mang mà thôi.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 9.

Những ngày tháng Chạp rất lạ. Chẳng biết có phải mùa đông lạnh hay cảm giác Tết - kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm, dịp để đoàn viên, để chăm chút yêu thương - sắp đến, mà cứ đến tầm này, người ta có nhu cầu quan tâm đến người khác hơn. 

Nếu chỉ là quan tâm kiểu "Ra đường nhớ mặc ấm, đừng phong phanh", "tháng củ mật nhiều trộm cắp, cẩn thận cửa nẻo", "đường đông, đi đứng cẩn thận" thì đã không ra chuyện. Sự quan tâm thái quá trong những buổi tụ tập cuối năm với vô số câu hỏi dồn dập: "Sao tuổi băm rồi mà vẫn ế"; "Lương làm bao nhiêu, thưởng đậm không, Tết này định biếu bố mẹ như nào"; "Lấy nhau mấy năm rồi mà chưa đẻ à, kế hoạch kỹ thế"; "Con nhà này còi thế nhỉ"... và vô số tình tiết "tăng nặng" khiến người ta chỉ muốn điên. 

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 10.

Ai trong chúng ta hẳn cũng từng bị làm phiền bởi những câu hỏi xưa như Tết đó, có người bực bội, cáu kỉnh vì sự riêng tư bị xúc phạm, có người cười xòa bỏ qua, có người gom những chuyện phiếm khắp thế gian thành "kho tàng" để chia sẻ những khi trà dư tửu hậu. Coi là chuyện nghiêm trọng đáng để ngẫm nghĩ cuối năm hay không, đó là lựa chọn của ta mà.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 11.

Nhưng nói gì thì nói, giáp Tết và cả Tết nữa là dịp để vui vẻ không quạu, là dịp để người ta rũ bỏ bụi bặm trên tấm áo năm cũ - thứ mà mang vác mãi trong năm, đôi khi chúng ta đã quên đi rằng nó đang đè nặng lên mình nhường nào. 

Những chuyện sắm sanh, ăn uống tuy cần quan tâm thật, nhưng điều chúng ta thật sự cần để trăn trở vào dịp cuối năm, ấy là mình đã đi đến đâu trong chặng đường này. 5 năm, 10 năm trôi qua, bạn có trăn trở gì thêm nữa không, ngoài những chuyện mớ rau con cá, than thở đồng nghiệp không nice, sếp không đủ giỏi? Tết là dịp tốn tiền, điều ấy chắc chắn rồi, nhưng Tết cũng là dịp để người ta nhìn lại xem mình đã làm được gì, có thành tựu gì, tạo ra những giá trị gì mới trong suốt (những) năm qua, hay chỉ đơn giản là già và cũ kỹ đi? 

Tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm âm lịch là thời điểm của những nỗi niềm và trăn trở, là tháng của lễ hội dọn nhà, và có lẽ, nên là tháng để chúng ta "dọn dẹp" cuộc sống của mình, sẵn sàng cho một thời kỳ mới, vì đã đến lúc để bắt đầu và tin tưởng vào những điều kỳ diệu sắp đến với bạn, để nguyên đán không chỉ là của đất trời mà còn là của mỗi chúng ta.

Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết, người ta nói gì trong những câu chuyện phiếm tháng chạp? - Ảnh 12.

 

Chia sẻ