Đăng tải clip có nội dung nhảm nhí, độc hại nhưng lại thu được số tiền quảng cáo kếch xù?

Phong Nguyên,
Chia sẻ

Theo ước tính, cứ khoảng 10 đồng quảng cáo trên YouTube ở Việt Nam thì có 5 đồng chi cho quảng cáo trên các nội dung xấu độc, nội dung nhảm nhí.

Trào lưu làm clip đăng YouTube

Không thể phủ nhận YouTube đăng tải nhiều clip có nội dung giải trí lành mạnh, hấp dẫn; cung cấp những kinh nghiệm, kiến thức hữu ích cho người xem mọi lứa tuổi như cách chế biến món ăn, trang điểm, các thủ thuật máy tính, các bài giảng… Đặc biệt là trong những năm gần đây, việc kiếm tiền trên YouTube đang được nhiều người quan tâm và thực hiện, không ít người kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng bằng việc đăng tải các clip, video lên YouTube.

Khi lượng người xem nhiều và hiển thị quảng cáo, người đăng tải clip, video kiếm được tiền từ các nhãn hiệu quảng cáo, thông qua YouTube.

Lượng người xem càng nhiều, đồng nghĩa với việc tiền quảng cáo càng nhiều. Vì thế, không ít người làm nội dung bất chấp các giá trị về văn hóa, giáo dục, làm các clip phản cảm hay với nội dung nhảm nhí nhưng gây tò mò, kích thích, dung tục để thu hút người xem và kiếm tiền.

89fcbfd8-dd91-444e-805b-a0fd98b262e6

Không khó để tìm ra những kênh YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực. Ảnh minh họa.

Không khó để tìm ra những kênh cá nhân có lượng người theo dõi khủng trên YouTube. Tuy nhiên, kênh có nhiều người theo dõi không có nghĩa là kênh hay, hấp dẫn, mà trong nhiều trường hợp lại là nơi tập trung những clip vô bổ, không lành mạnh.

Những pha thực hiện thử thách không giống ai như nhảy dù bằng ô, ngâm mình trong bể nước đá, đổ 100 quả trứng từ trên cao vào một ai đó, đổ nước mắm vào người mẹ, thách thức nhau ăn chất bẩn, thậm chí là sút bóng để phá hủy tất cả mọi vật dụng trong nhà… cũng thu hút hàng triệu người theo dõi.

Hiện tượng của Khánh "sky", của Khá Bảnh, "thánh chửi" Dương Minh Tuyền có một lượng fan vài triệu người với những clip sặc mùi giang hồ và bạo lực, ăn nói tục tĩu, những hành động dị hợm như đốt xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc những ngày vừa qua đang khiến dư luận xôn xao. Trên YouTube cá nhân, rất nhiều lần Khá Bảnh còn quảng cáo cho các trang web cá cược bóng đá, lô đề, xóc đĩa.

1

Kênh Youtube Khá "Bảnh" trước khi bị xóa sổ.

2

Thống kê của SocialBlade cho thấy Dương Minh Tuyền đã từng có thành tích tối đa 80.000 USD/tháng.

Điều đáng báo động là những nhân vật bất hảo này thay vì bị lên án, tố cáo thì lại được giới trẻ ngưỡng mộ, tung hô vì những "thành tích" phá phách, chửi tục, tạo thành làn sóng thần tượng người vô văn hóa. Những clip càng phản cảm, càng nhảm nhí lại càng được nhiều người xem và số tiền mà chủ kênh kiếm được càng nhiều.

Một nửa số tiền quảng cáo trên YouTube rơi vào các clip nội dung xấu độc

Trả lời trên báo chí, bà Hà Thị Tú Phượng, CEO METUB cho biết, các nhà quảng cáo chỉ thích chạy theo view, do đó đặt nặng việc quảng cáo trên những nội dung có view cao mà không quan tâm tới chất lượng của video. Hệ quả là với một MV của Sơn Tùng chi phí sản xuất lên đến 1 triệu USD thì tiền quảng cáo thu về chỉ tương đương với video của mấy bạn ngồi nhà làm clip đơn giản cũng đạt hàng triệu view.

Không chỉ xuất hiện những kênh YouTube bạo lực, phản cảm mà trên YouTube còn đang tồn tại bạt ngàn các kênh làm nội dung có chất lượng thấp, các kênh này thường sản xuất video theo cách rất đơn giản nhất, đó là: Hàng ngày lấy ảnh và thông tin từ những sự kiện nóng trên các báo, rồi làm clip chạy chữ theo kiểu text kèm ảnh, có kèm lời đọc nội dung rồi đăng lên YouTube.

banned-youtube

Điều đáng nói là một nửa số tiền quảng cáo trên YouTube rơi vào các clip nội dung xấu độc, nhảm nhí.

Với cách làm clip đơn giản như thế hầu như chủ kênh không phải đầu tư nhiều công sức, chỉ cần ngồi nhà mỗi ngày có thể sản xuất hàng chục clip nhưng vẫn được bật quảng cáo và tính năng kiếm tiền.

Liên quan đến vấn đề này, một nhà làm nội dung trên YouTube cho biết: "Các kênh này có không chỉ có chất lượng nội dung hình ảnh thấp mà còn vi phạm bản quyền hình ảnh và nội dung của các báo, thế nhưng YouTube vẫn bật tính năng kiếm tiền khiến cho nhiều người đua nhau làm các dạng video này. Có lúc mở YouTube ra xem người dùng được đề xuất một loạt nội dung nhảm kiểu đó".

Không những thế, tình trạng YouTube tại Việt Nam xuất hiện video đưa tin giả mạo (fake news), điển hình là những kênh mạo danh Đài Truyền hình Việt Nam VTV, phát sóng những clip phản ánh các vấn đề dư luận quan tâm để thu hút nhiều người xem thiếu hiểu biết, từ đó dẫn dắt họ hiểu sai các vấn đề xã hội. 

Những nội dung này thường khơi gợi trí tò mò từ người xem bằng cách đặt tiêu đề, hình ảnh đại diện và dùng từ ngữ giật gân, câu khách, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và gây bức xúc cho những người làm nội dung chân chính.

2

Các web này từng phát trực tiếp các trận đấu trong giải World Cup 2018 xâm phạm bản quyền của VTV.

heineken-gia

Video được quay ở Trung Quốc nhưng được giả mạo là ở Việt Nam đã khiến Heineken Việt Nam điêu đứng.

Rất nhiều những đoạn phim hoạt hình có nhân vật công chúa Elsa, Spider-Man, Peppa Pig dành cho trẻ em được chế lại và thêm thắt vào những hình ảnh dung tục, bạo lực, kì dị nhưng vẫn gắn tag hướng đến trẻ em. Và khi những đứa trẻ chưa ý thức được xem hay không xem cái gì, thì cái bẫy giăng ra hết sức nguy hiểm.

2

Giả mạo kênh YouTube trẻ em nổi tiếng để đăng video người lớn. Theo xác minh, kênh Thơ Nguyễn này là giả mạo. Kênh được tạo từ cuối năm 2018 chuyên đăng tải những video về săn bắn và triệt lông vùng kín. Video cao nhất của kênh có 5,5 triệu lượt xem.

3

Kênh YouTube giả được ngụy trang không khác mấy kênh thật. Cuối những video trên là phần quay lại cảnh chơi game MU.

Theo một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, số lượng các nội dung độc hại, nội dung rác vẫn được YouTube cho kiếm tiền quảng cáo không đếm xuể. Ước tính cứ 10 đồng quảng cáo trên YouTube ở Việt Nam thì có 5 đồng rơi vào quảng cáo trên các nội dung xấu độc, nội dung nhảm nhí. 

Trong khi đó, báo cáo với Bộ TT&TT, YouTube lại đổ lỗi cho chính các nhà làm nội dung ở Việt Nam là người tạo ra nội dung rác, nội dung xấu, độc. Việt Nam trở thành một trong số những nơi phát tán nội dung xấu độc, nội dung rác cao nhất trên toàn cầu.

Giải pháp nào cho vấn nạn này?

Theo bà Hà Thị Tú Phượng - CEO METUB, các nhà sáng tạo nội dung là vấn đề chính, do đó để giải quyết tận gốc thì phải nhắm đến đối tượng này. Theo bà Phượng, cần khuyến khích các bạn ấy tham gia vào đội ngũ làm nội dung tốt, được đầu tư ứng dụng kỹ thuật cao để tạo ra các nội dung hay, có tính giáo dục thay vì xử phạt.

photo-1-15637611995482034559702-crop-1563761210969871700557

Hãy là những người xem YouTube thông minh.

Bên cạnh đó, có thể thấy chắc chắn một điều rằng, những kênh nhảm nhí, độc hại trên YouTube sẽ không còn đất sống khi người xem chủ động tẩy chay không theo dõi, không like và share. Vì vậy những người thường xuyên xem clip trên YouTube, đặc biệt là người trẻ hãy là những người xem có văn hóa, không tiếp tay cho những trò kiếm tiền từ clip bẩn. Tự thân các thanh thiếu niên hãy chủ động phân biệt, tìm kiếm nội dung lành mạnh, phù hợp trên YouTube để tiếp cận.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần có cơ chế buộc những nhãn hiệu quảng cáo không cho phép nội dung quảng cáo của mình xuất hiện trên các video phản cảm, dung tục, thiếu lành mạnh.

Chia sẻ