Đằng sau tủ quần áo xa hoa đẳng cấp của giới siêu giàu là 1 sự thật dã man và đẫm máu
Những con vật bị giết hại dã man, thậm chí lột da khi còn sống để phục vụ thú chơi thời thượng của con người.
Lông và da động vật được coi là một trong những nguyên liệu đẳng cấp và quyền uy nhất của ngành công nghiệp thời trang. Những người giàu có sẵn sàng chi tới hàng trăm đến hàng triệu đô là để sở hữu những trang phục làm từ lông và da thú xa xỉ, mềm mượt như nhung.
Những loại lông thú được các tín đồ yêu thích nhất hiện nay là các loại lông của động vật có màu lông đẹp, mịn như lông thỏ, cáo, chồn, báo, sóc... Lông của động vật càng quý hiếm thì càng tỷ lệ thuận với giá trị của bộ trang phục và cũng tỷ lệ thuận với niềm kiêu hãnh của giới thượng lưu sành điệu.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ sang chảnh, đẳng cấp, chất liệu mềm mại hảo hạng và vẻ đẹp mê lòng người ấy lại là những cuộc thảm sát rất dã man những động vật quý hiếm.
Đằng sau chiếc áo lông thú đắt đỏ là tiếng kêu cứu thảm thiết của những loài động vật.
Tiếng kêu thảm thiết sau chiếc áo triệu đô
Theo một nghiên cứu được thực hiện gần đây bởi Tiến sĩ Etwaroo thì 80% số lượng lông thú sản xuất ngày nay được ra đời từ các trang trại nuôi thú công nghiệp. Hình thức săn bắt động vật hoang dã không còn phổ biến vì quá đắt đỏ.
Mỗi năm ước tính có khoảng 50 triệu động vật có lông bị giết hại để phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang. Nhiều nhất trong số này là chồn, cáo, hải cẩu, thỏ, sóc, gấu và cả chó sói. Trung Quốc chính là một trong những quốc gia sản xuất lượng lông thú lớn nhất thế giới. Ngay tại Canada, một đất nước được coi là tiến bộ văn minh, nạn thảm sát động vật để lấy lông, da cũng ở mức báo động.
Những loài động vật hoang dã được nuôi để lấy lông thường bị nhốt trong một chiếc cũi nhỏ, chật chội, ngột ngạt khiến chúng khó có thể di chuyển và không thể sở hữu bản năng vốn có của mình. Tất cả những con vật này đều bị đối xử tàn tệ, thậm chí chúng không có nước uống và thức ăn trong vài ngày trước khi bị lôi ra đập mạnh bằng gậy, bị dẫm mạnh vào đầu hoặc rạch để lấy lông, da ngay khi chúng còn sống.
Chỗ nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ, mất vệ sinh.
Những chú thỏ trắng muốt bị bắt nhốt để chờ ngày "hành xử".
Những con vật bị nhét vào trông một không gian chật chội, chúng không thể di chuyển.
Chỗ nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ, mất vệ sinh.
Những con thú chỉ còn cách chờ chết trong sự tuyệt vọng.
Những con vật đáng thương còn bị cách ly với mẹ.
Những chú thỏ trắng muốt bị bắt nhốt để chờ ngày "hành xử".
Nhiều con vật bị giết chết một cách tàn nhẫn.
Tại đây, chúng bị con người ngược đãi bằng cách đánh, đạp, xốc điện, bị ép thụ thai, thiến, cưa sừng, cắt đuôi hay bẻ răng… Đó là những cuộc hành xác đau đớn mà không hề có thuốc giảm đau. Thậm chí chúng bị cắt lưỡi để ngăn chặn tiếng kêu la, hay bị chọc mù mắt để không thể nhìn thấy đồng loại bị giết mà có thể gây lên bạo loạn.
Không chỉ chịu đựng nỗi đau về thể xác, mà những con vật đáng thương này cũng phải chịu cả những nỗi đau về tinh thần. Chúng bị sống cách ly khỏi mẹ ngay từ khi sinh ra và bị rối loạn thần kinh do những cuộc tra tấn dã man của con người. Khi đến một thời điểm thích hợp, chúng sẽ được đem ra thực hiện nghĩa vụ "tế thân" theo những cách thức tàn bạo và dã man nhất, sống không bằng chết.
Ở những nước như Trung Quốc, nơi không tồn tại luật bảo vệ động vật thì thậm chí chó, mèo cũng bị giết để lấy lông. Dã man hơn, để cắt giảm chi phí và để dễ lột da hơn, những động vật này thường bị lột lông khi còn sống.
Khi những bộ da lông được tróc ra, thân hình trơ trọi và đẫm máu của những con vật tội nghiệp sẽ được vứt vào một đống cùng những đồng loại khác. Cái chết tàn khốc của nó chỉ để đánh đổi cho những bộ trang phục lộng lẫy, kiêu sa thể hiện đẳng cấp mà hàng triệu người trên thế giới thèm thuồng có được.
Những con thỏ lần lượt bị giết để lột da.
Bên trong xưởng giết thú lấy lông.
Con thú bị giết chết một cách dã man.
Xương của chúng chất thành đống khiến ai xem cũng cảm thấy rùng mình kinh hãi.
Những chiếc lông đang trên đường đến nơi sản xuất ra những bộ trang phục đắt đỏ.
Cuộc tranh luận không hồi kết
Đứng trước nguy cơ nhiều loài bị tuyệt chủng và động vật bị đối xử tàn tệ để phục vụ cho các hãng thời trang, nhiều tổ chức phi chính phủ đã không thể ngồi yên. Đi đầu trong số này là tổ chức PETA – đây được coi là “kẻ thù” đáng sợ nhất đối với các nhà thiết kế yêu chuộng chất liệu lông, da, sừng của động vật.
PETA liên tục đưa ra những hình ảnh, các video, văn bản để gây sức ép với các hãng thời trang nhằm kêu gọi thay vì sử dụng da, lông động vật hãy dùng da, lông nhân tạo. Tuy nhiên, bản thân nhiều tín đồ thời trang cùng những cậu ấm cô chiêu sang chảnh vẫn ưa chuộng việc sử dụng nguyên liệu động vật để tạo nên những trang phục thời thượng, đẳng cấp.
Những bức hình châm biếm đầy mỉa mai về việc sử dụng lông và da động vật trong ngành công nghiệp thời trang.
Những chiếc áo lông thú đắt đỏ làm từ những cái chết đầy đau đớn của các loài động vật.
Mặc dù vậy, sau hàng loạt những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, bước đầu đã có hiệu quả truyền thông mạnh mẽ khi nhiều shopaholic (người mê shopping) văn minh đã đồng loạt tẩy chay sản phẩm được làm từ nỗi đau của các con vật đáng thương để để sử dụng lông, da nhân tạo có giá thành rẻ nhưng vẫn đẹp và nhân đạo hơn.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều tên tuổi lừng danh và có uy tín khác trong ngành thời trang ủng hộ nói không với việc tàn sát động vật để làm nguyên liệu sản xuất trang phục như Stella McCartney, Calvin Klein, Ralph Lauren, Tommy Hilfiger…
Tuy nhiên, trên tất cả, điều quan trọng nhất vẫn là tư duy sử dụng và lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Chừng nào chúng ta còn yêu chuộng áo lông thú tự nhiên đắt đỏ hay túi xách da thật… thì nỗi đau của động vật sẽ còn kéo dài mãi và chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều loài biến mất khỏi hệ sinh thái trên trái đất này.