Đằng sau sự ra đi của mẹ Tuệ Nhi phim “11 tháng 5 ngày” hé lộ quan niệm dẫn tới bi kịch gia đình
Quá khứ liên quan đến bà nội và sự ra đi của mẹ Tuệ Nhi phim “11 tháng 5 ngày” ở tập 14 đã hé lộ một quan niệm trong xã hội bấy lâu nay. Chính hệ lụy này đã dẫn tới bi kịch của không biết bao gia đình.
Bộ phim "11 Tháng 5 Ngày" xoay quanh Tuệ Nhi (Khả Ngân) vốn là tiểu thư nhà giàu quyết tâm từ bỏ đất Sài thành ra Bắc lập nghiệp. Mẹ mất sớm, Nhi là con một nên cô đã quen nhận được sự yêu thương và chiều chuộng của bố. Nhưng giữa Nhi và bà nội lại luôn có một rào cản vô hình. Và trong tập 14 mới đây, quá khứ đã được hé lộ liên quan tới bà nội và sự ra đi của mẹ Tuệ Nhi. Đây cũng là "nút thắt" của mối quan hệ không mấy tốt đẹp của hai người.
Bố Nhi là con một trong gia đình độc đinh nhiều đời nên khi cưới mẹ Nhi về, bà nội Nhi đã "giao hẹn" phải đẻ bằng được con trai. Bà nói với mẹ Nhi: "Hồi mới cưới chị về, mẹ đã nói rồi "nhà mình độc đinh mấy đời, bây giờ phải đẻ bằng được thằng con trai". Cho dù mẹ Nhi đã van nài rằng: "Mẹ ơi, con cũng muốn lắm chứ ạ nhưng có phải muốn là làm được đâu ạ?", nhưng bà nội vẫn cương quyết: "Đã muốn là phải làm, mà đã làm là phải làm bằng được mới thôi". Mẹ Nhi khi đó đang mang một khối u và bác sĩ khuyên không nên mang thai vì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Dưới áp lực phải có con trai, mẹ Nhi đã bất chấp nguy hiểm tính mạng. Và bi kịch đã xảy ra khi ngay trên bàn đẻ, mẹ Nhi đã qua đời và 10 tuổi Nhi trở thành trẻ mồ côi. Cũng kể từ đó với Nhi, bà nội là lý do khiến cô mất mẹ nên xa cách, hằn học với bà.
Tuệ Nhi (Khả Ngân) và bà nội (NSND Ngọc Lan) xa cách vì quan niệm đích tôn của bà. Ảnh TL
Quan niệm trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi tông đường cũng đã từng được nhà làm phim thể hiện trong bộ phim "Hướng dương ngược nắng". Theo dõi suốt bộ phim, chúng ta thấy bà Bạch Cúc – con dâu nhà họ Cao dù xinh đẹp, giỏi giang hết lòng với gia đình nhưng vẫn luôn bị ông Phan không coi trọng. Bởi từ trước đến nay ông chỉ chăm chăm mong có cháu trai nối dõi, thừa kế sự nghiệp nhà họ Cao.
Trong khi đó, bà Cúc lại chỉ sinh được 2 cô con gái là Minh Châu và Minh Ngọc. Chuyện sinh con trai hay gái không phải do bà quyết định nhưng mọi thứ đều dồn lên bà Cúc. Tư tưởng đó đã đẩy bà phải chịu nhiều tủi nhục, thiệt thòi. Nhưng cuối cùng, ông Phan cũng đã nhận ra sai lầm vì tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã khiến cho chính con trai, con dâu và các cháu của mình gặp nhiều tổn thương, bi kịch.
Tư tưởng "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" – tức dù có 10 người con gái cũng không bằng 1 đứa con trai đã khiến cho nhiều người rơi vào đau khổ. Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị của gia đình đang dần biến đổi, tư tưởng trọng nam khinh nữ không còn nặng nề. Nhưng không ít gia đình vẫn đau đáu với nghĩa vụ đích tôn, áp đặt chuyện sinh nở đối với con dâu như câu chuyện trong phim "11 Tháng 5 ngày". Họ cho rằng không có con trai nối dõi là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng.
Cũng bởi vậy mà dù muốn hay không, trước áp lực của gia đình, dòng họ, người phụ nữ phải tìm "mọi cách" có được con trai để yên ấm nhà cửa. Định kiến giới này đã đẩy nhiều phụ nữ vào bi kịch.
Chỉ vì cố sinh cho bằng được một đứa con trai để nối dõi tông đường, có những người vợ dù đã cao tuổi hoặc đã có một đàn con vẫn bị ép sinh thêm con chỉ vì chưa có con trai. Hay có những phụ nữ bị chồng thường xuyên bạo hành, rơi vào căng thẳng, trầm cảm, thậm chí mất mạng chỉ vì nỗi khổ mang tên "không biết đẻ". Và họ phải đau đớn khi rứt ruột buộc bỏ đi đứa con vì lựa chọn giới tính. Từ đây làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, kéo theo đó là nhiều hệ lụy đau lòng khác.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang có tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất. Ước tính, mỗi một năm ở Việt Nam có khoảng 40.800 trẻ em gái không được sinh ra chỉ vì lựa chọn giới tính khi sinh. Một khi tình trạng này không được kiểm soát tốt, tương lai dẫn tới nhiều thách thức, chẳng hạn như khó tìm vợ, mất cân đối về nhân sự trong các ngành nghề xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội…
Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, con nào cũng phải có trách nhiệm hiếu thảo với cha mẹ, làm cha mẹ tự hào vậy nên quan niệm đích tôn, trọng nam khinh nữ cần phải sớm được xóa bỏ, thay đổi. Thực tế không hiếm các gia đình dù có con 1 bề là con gái nhưng bố mẹ lại được hưởng nhiều phúc.