Đang nói xấu, ngã ngửa vì sếp đến sau lưng
Đang thao thao trút cơn giận sếp với mấy chiến hữu trong "tổ buôn" ở công ty, Hà điếng người khi phát hiện ra sếp cũng đang ngồi ở bàn ngay sau lưng mình.
Giờ nghỉ trưa. Vẫn như mọi hôm, Hà cũng mấy chị em trong tổ buôn của công ty cùng nhau đi ăn trưa. Hôm nay, Hà có phần nóng nảy, vội vàng hơn một chút bởi cô muốn đi thật nhanh, để được hạ nhiệt với cách chiến hữ vì vụ bị sếp mắng sáng nay.
Mới sáng đến công ty, Hà điên người vì bị sếp quát chỉ vì lý do thật trời ơi đất hỡi. Theo kế hoạch, hôm nay, 2h chiều, sếp tham dự một cuộc họp với đối tác, tài liệu được giao do Hà chuẩn bị. Bàn bạc, thống nhất suốt mấy hôm, cuối cùng "chốt hạ" là 10h sáng nay Hà "giao hàng". Thế mà chẳng hiểu sao mới 8h, khi Hà vừa ló mặt vào công ty, sếp đã hỏi với giọng điều rất khó nghe: "Cô Hà, tài liệu cô chuẩn bị đến đâu rồi, gửi đi chứ. Dạo này cô làm việc chểnh mảng lắm đấy". Và khi Hà trình bày vụ deadline 10h, sếp không những không thôi mà còn nổi đóa, quát cho Hà một trận vì tội làm ăn chậm chạp "có tý việc mà cũng không làm xong, đợi nước đến chân mới nhảy. Tôi dễ dãi với các cô quen rồi". Thế là mất toi một buổi sáng vui vẻ, chỉ còn ấm ức, bực dọc cố hoàn thành nốt tài liệu gửi sếp. Hà mong lắm tới giờ ăn trưa để xả cơn tức.
Nói xấu sếp là chuyện không xa lạ nơi công sở - (Ảnh minh họa)
Vẫn như mọi khi, quán cũ, ngay gần công ty. Vừa ngồi xuống, mọi người còn chưa kịp gọi đồ ăn thì Hà đã bô bô: "Không hiểu hôm nay sếp đến ngày hay sao mà khó ở thể, hay buổi sáng ở nhà cãi nhau với vợ, cãi nhau với bồ không biết. Chỉ khổ thân em quá nhọ, vừa mò mặt đến văn phòng đã bị ăn mắng".
Biết Hà ấm ức, mấy chị em người được chứng kiến người không nhưng ai cũng tỏ ra chia sẻ, chịu khó ngồi nghe cô nàng dốc bầu tâm sự, miễn sao nàng cảm thấy thoải mái hơn. Vì thế, mọi người đã ăn xong, chuyển sang đồ uống mà đĩa cơm của Hà vẫn còn kha khá. Cô vẫn vừa ăn vừa xả nỗi bực tức trong lòng. "Sếp như dở hơi ý, hôm qua đã thống nhất em gửi file hoàn chỉnh trước 10h sáng, thế mà mới bảnh mắt ra đã hỏi, ai mà kịp xoay. Sáng ra mặt đã hằm hằm, kiểu đó, em chắc 100% là giận cá chém thớt, không biết trút vào đâu nên đến đổ lên đầu nhân viên. Đúng là càng ngày càng dở hơi, không hiểu ông ấy muốn gì nữa".
Đang thao thao bất tuyệt, Hà không để ý tới cú hích từ đồng nghiệp ngồi cạnh, cũng chẳng quan tâm đến vẻ mặt lúng túng của các chị em cùng bàn. Cho đến khi cô bạn bên cạnh nhắc nhỏ, vừa đủ Hà nghe "nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến kìa", Hà mới giật mình. Theo hướng ánh mắt của bạn, Hà chết điếng khi nhận ra sếp cũng đang ăn cơm ở chiếc bàn sau lưng mình, chỉ cách nhau vài ba mét. Chẳng hiểu sếp đã nghe được những lời Hà nói đến đâu, nhưng nhìn sếp vẫn ngồi ăn rất ung dung, bình thản. Những Hà và các chiến hữu đều hiểu, xác suất sếp nghe thấy lời Hà nói cao đến mức nào bởi một khi bực bội, giọng Hà oang oang, vang cả mấy dãy bàn.
Bây giờ Hà mới nghĩ, sao mình ngốc thế, quên béng mất thói quen của sếp, lần nào đầu giờ chiều có việc mà buổi trưa sếp không ở lại văn phòng đâu chứ, mà đã ở lại văn phòng, thì cũng chỉ có ra quán này ăn cơm thôi.
Bỏ dở đĩa cơm, Hà vội vàng đứng dậy gọi các "chiến hữu" trở về công ty, mặt ỉu xìu như chiếc bánh đa nhúng nước.
Sau sự cố này, tâm trạng của Hà vô cùng rối bời, không biết phải giải quyết tình huống vừa rồi sao cho vẹn cả đôi đường. Vì xấu hổ không dám đối diện với sếp nên Hà đã viết một email dài dằng dặc để xin lỗi và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình về môi trường làm việc cũng như các mối quan hệ trong cơ quan.
Vì là người từng trải qua các vị trí nên có sự cảm thông nhất định cộng với lòng sự độ lượng, sếp của Hà đã tha thứ cho cô nhân viên trẻ đồng thời chia sẻ cho cô những kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong công việc. Từ đó, mỗi lời nói và cử chỉ của Hà đều được cô kiểm soát trong mọi tình huống và giúp trưởng thành lên từng ngày. Trưởng thành trong giao tiếp cũng như cách đánh giá một con người.