Talkshow chống xâm hại tình dục trẻ em: Hãy thay đổi từ nhận thức
Các khách mời là nhà báo Hoàng Anh Tú, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Luật sư Phan Thị Lam Hồng mong muốn có thể mang đến những lời khuyên thực tế nhất, giúp bố mẹ chuẩn bị sẵn sàng những kiến thức CẦN PHẢI BIẾT cũng như hướng dẫn cách bảo vệ trẻ nhằm chống lại tình trạng trẻ bị lạm dụng tình dục.
Thời gian qua, trên cả nước liên tục xuất hiện các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, liên tiếp 3 vụ: bé gái 8 tuổi ở Hà Nội nghi bị hàng xóm hiếp dâm trong lúc chơi với bạn bè; em bé 6 tuổi nghi bị ông lão 76 tuổi dâm ô ở Vũng Tàu và gần đây nhất là bé gái học sinh lớp 1 nghi bị xâm hại ngay trại trường học tại Thủ Đức, TP.HCM... đã khiến dư luận phẫn nộ và lo lắng.
Một số vụ án trong đó đã được khởi tố để cơ quan điều tra tìm ra kẻ xâm hại trẻ em nhưng câu hỏi: làm cách nào để bảo vệ con em trước nạn ấu dâm luôn làm các bậc phụ huynh trăn trở. Bởi vì kẻ xâm hại tình dục có thể là bất cứ ai, xảy ra ở bất cứ đâu và những vết thương về thể xác lẫn tâm hồn đều không thể chữa lành.
Mời độc giả xem Livestream và đặt câu hỏi tại đây .
Luật sư Phan Thị Lam Hồng (ảnh: Kiên Trần)
"Họ đã khóc khi biết tỷ lệ trẻ bị xâm hại"
Tại buổi talkshow, nhà báo Hoàng Anh Tú và TS Vũ Thu Hương đều đồng ý rằng số vụ xâm hại tình dục đang gia tăng, dân trí ngày càng cao nên có sự đánh giá các biểu hiện về xâm hại tình dục rõ ràng hơn. Nếu trước đây có những hành động ôm ấp được xem là thân tình thì bây giờ cần phải nhìn nhận lại ở góc độ trẻ có thể bị xâm hại.
TS Hương cũng chia sẻ rằng trước kia bố mẹ hay che giấu vì coi đó là chuyện xấu hổ, con cái bị xâm hại cũng không dám nói ra. Nhưng cần phải thay đổi nhận thức về vấn đề này.
Tiến sĩ Thu Hương cho biết đã nỗ lực rất nhiều thì đến năm 2013 các phụ huynh mới quan tâm đến vấn đề xâm hại. "Họ đã khóc khi tôi công bố con số của một tổ chức quốc tế cho biết có 78,1% trẻ em Hà Nội trả lời từng bị dâm ô", TS cho biết thêm.
Nhà báo Hoàng Anh Tú (ảnh: Kiên Trần)
Nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng chính sự lo lắng bảo mật thông tin khi đi khám, đi tố cáo, thủ tục pháp lí rườm rà là rào cản khiến phụ huynh ngại chia sẻ con mình bị xâm hại. Tuy nhiên, luật sư Phan Thị Lam Hồng nếu ý kiến: "Việc này là sai lầm trong nhận thức của chúng ta. Cơ quan chuyên môn, điều tra sẽ giữ bí mật cho bé. Thậm chí tại nhiều phiên tòa, bị hại cũng không cần thiết phải có mặt, vì vậy cha mẹ không cần lo lắng, hãy đấu tranh và lên tiếng để bảo vệ con mình và con của người khác nữa".
Nhà báo Hoàng Hồng (báo điện tử Trí thức trẻ) thì cho rằng cha mẹ đang thụ động và hời hợt về vấn đề này trong khi nguy cơ đầy rẫy xung quanh.
TS Vũ Thu Hương (ảnh: Kiên Trần)
Cả Hoàng Anh Tú và nhà báo Hoàng Hồng rất thắc mắc khi ngay cả ở nhà trường học, giáo dục giới tính vẫn chỉ được dạy ngoại khóa. TS Thu Hương chia sẻ chị rất buồn vì vấn đề này, nó xuất phát từ văn hóa Việt nam, khi mọi người đều muốn con em mình đạt thành tích nào đó mà khoe chứ không chú trọng đến các kĩ năng sống, kỹ năng bảo vệ mình.
Quy trình tố cáo con bị xâm hại ra sao?
Một độc giả phát hiện con có dấu hiệu bị xâm hại cách đây 1 thời gian. Luật sư Lam Hồng hướng dẫn:
Trường hợp 1, khi bé mới bị xâm hại, cha mẹ vượt qua được mặc cảm tâm lý, đưa con đến cơ sở y tế để khám và lưu giữ lại hồ sơ chứng minh bé bị xâm hại, các chứng cứ (như vết máu ở áo quần) cần được giữ lại để giao nộp cho cơ quan điều tra, đồng thời gửi ngay đơn tố cáo đến cơ quan điều tra. Song song với đó, cha mẹ tự thu thập chứng cứ, trao đổi và ghi âm lại quá trình trao đổi với con, động viên, an ủi con. Tiếp tục trao đổi với các nhân chứng, hàng xóm, bạn bè của con... và ghi âm các thông tin này phục vụ điều tra.
Trường hợp sự việc đã xảy ra lâu, khó để thu thập chứng cứ. Phụ huynh vẫn nên cho con đi khám vì tổn thương có thể được lưu lại. Liên hệ với thầy cô, bạn bè để tìm hiểu, thu thập thêm chứng cứ thuyết phục và nhờ sự hỗ trợ của cơ quan điều tra.
- Với những hành động ôm ấp, sờ soạng bên ngoài thì có cách nào tố cáo được hành vi dâm ô?
LS Lam Hồng: Không có chứng cứ vật chất thì rất khó nhưng cơ quan điều tra sẽ có biện pháp nghiệp vụ để kẻ phạm tội thừa nhận hành vi của mình. Với hành vị sờ soạng, tuy chưa giao cấu với trẻ em nhưng đây là ấu dâm, hình phạt có thể lên đến 12 năm tù, đã được quy định trong bộ luật hình sự. Điều quan trọng là những chứng cứ để xác định rất khó vì khi đối tượng dâm ô với trẻ em thì thường xảy ra kín đáo, ít để lại dấu vết. Bố mẹ cần biết cách thu thập chứng cứ để giao nộp cho công an.
Về các nghi án xâm hại đang "nóng" thời gian qua
Bàn về ba vụ án nghi xâm hại tình dục trẻ em đang gây xôn xao thời gian qua, nhà báo Hoàng Anh Tú đặt câu hỏi tại sao những vụ này đã được chủ tịch nước chỉ đạo làm rõ hoặc đã khởi tố vụ án nhưng đến nay vẫn chưa được xử lí, chưa có kết quả rõ ràng.
Luật sư Lam Hồng giải thích kĩ trên góc độ pháp lí: Khi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, dư luận sẽ quan tâm và bức xúc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không đi đúng pháp luật. Ở đây cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án vì đã có những dấu hiệu xâm hại. Nhưng để khởi tố bị can thì cần thêm chứng cứ chứng minh người đó phạm tội. Việc thu thập chứng cứ cần quá trình để điều tra, theo luật. Tôi nghĩ chúng ta cần bình tĩnh, để không bỏ lột tội nhưng không gây oan sai.
Ở góc độ truyền thông, báo chí, nhà báo Hoàng Hồng cho rằng báo chí cần bình tĩnh, khách quan, không nên làm vụ việc thêm phức tạp. Những thông tin quá đà từ cộng đồng mạng nên được kiểm chứng, kiểm soát. Những hình ảnh của những người cho rằng là nghi phạm, facebook của người thân họ đang được người ta share ầm ĩ. Đó là hành động không văn minh.
Kỳ vọng về sự #thay_đổi_nhận_thức
Chia sẻ về cách nói chuyện giáo dục giới tính cho trẻ em như thế nào, TS Thu Hương cho biết: "Chúng ta thường truyền đạt những kiến thức khiến con sợ hãi, nghiêm trọng hóa mọi việc. Tuy nhiên trẻ con không cần những thứ đó, đừng nặng nề khi truyền đạt. Đơn giản, hãy đặt ra các tình huống và cách xử lý cụ thể". Về việc dạy con tự bảo vệ mình, nhà báo Hoàng Hồng chia sẻ: không nên để bé ăn mặc hở hang, không thay đồ trước mặt con, dạy con biết tôn trọng và bảo vệ cơ thể con cũng như tôn trọng cơ thể người khác.
Để giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lí khi bị xâm hại, TS Thu Hương tư vấn: Bố mẹ đưa con đi khám ngay, chữa trị theo hướng dẫn bác sĩ. Khẳng định với bé con không có gì sai, kẻ xâm hại mới là kẻ xấu. Dũng cảm tố cáo tên tội phạm phải bị trừng trị để con giải tỏa được những ức chế. Bố mẹ nên tham vấn chuyên gia, nhà tâm lí để có được hỗ trợ tốt nhất. Bố mẹ gần gũi với con là điều quan trọng nhất khi trẻ chẳng may bị xâm hại.
LS Lam Hồng thì cho rằng phụ huynh đưa hình ảnh con mình lên facebook, thậm chí hình khỏa thân của con thì đó là hình ảnh rất phản cảm với đứa trẻ và là nguy cơ rất lớn. Mạng xã hội là nơi không an toàn và cũng tiềm ẩn nguy cơ xâm hại trẻ. Nhiều người thân thuộc đến ở nhà một thời gian dài đã nảy sinh những ham muốn xâm hại đến các cháu.
Nói về các chương trình giúp phụ huynh bảo vệ con em mình, TS Thu Hương cho rằng để bố mẹ có sự thay đổi bên vững, vấn đề này cần sự tuyên truyền mạnh mẽ, dài hơi. Nhà báo Hoàng Hồng cũng kì vọng rất nhiều ở nhà trường trong việc giáo dục giới tính, cung cấp kiến thức kỹ năng sống cho học sinh. Luật sư Lam Hồng chia sẻ rằng phụ huynh đừng lo ngại, hãy bình tĩnh thu thập chứng cứ và lên tiếng, vừa để bảo vệ con em mình, tố cáo tội ác của kẻ xâm hại, đó cũng là hành động giúp bảo vệ những đứa trẻ vô tội khác.