Đắng cay người mẹ nghèo mang mớ rau miếng thịt lên thành phố, bị con gái xua đuổi
Muốn đẹp hơn, sang chảnh hơn, điều đó không sai. Thế nhưng, vì chạy theo ước muốn ấy mà đạp đổ tình thân gia đình, từ chối bố mẹ, gốc gác của mình, và cư xử xấu xí giữa đám đông khiến người ta đánh giá nhân cách, thì kẻ đó xứng đáng nhận quả báo.
Bạn đã bao
giờ chứng kiến, hoặc trông thấy cảnh bố mẹ già nua bị con cái xua đuổi chưa? Dù
đó là điều chẳng ai mong muốn, đáng tiếc là có quá nhiều chuyện đau lòng như
thế xảy ra hàng ngày xung quanh ta, giống như trong câu chuyện dưới đây:
“Hôm qua trên đường đi làm về trong lúc đứng chờ đèn đỏ nhìn thấy 1 bác cũng già rồi người gầy gò, đen nhẻm cầm cái điện thoại nói chuyện. Bên cạnh là cái xe máy cũ rích chở rất nhiều rau. Nghĩ bụng chắc bác ý bán rau nên em cũng chả để tâm. Đến khi nghe bác ý nói chuyện điện thoại chắc gọi cho con gái "Con ơi! Con đang ở đâu... Con không ở chỗ làm à! Đâu bác chủ bảo con ở trên tầng mà... Xuống nhà đi mẹ mang cho ít rau với thịt ở quê cho con này...". Bác ý nói to như kiểu sợ bên kia không nghe rõ ý, chắc người trong điện thoại nói bé.
Em thấy bác ý vẻ mặt đau khổ lắm. Cứ bảo con gái xuống lấy
rau. Đến khi đứa con gái xuống lấy thì hậm hực: "Mẹ đến đây làm gì! Con
không cần rau của mẹ đâu. Lần sau mẹ đừng đến đây nữa nhớ! Ai nhìn thấy mẹ thì
sao?". Bác đấy nhìn đứa đấy 1 lúc rồi bảo: "Mẹ chỉ muốn mang đồ ăn
cho con sợ con thiếu thốn với lại rau mẹ trồng mà con".
Đứa con gái đấy ngúng nguẩy rồi bảo "Mẹ về đi !"
rồi nó chạy tót vào nhà chỗ nó làm. Nhìn nó với bác ý trái ngược nhau hoàn
toàn. Nó thì son phấn lòe loẹt, ăn mặc thời trang còn bác ý quần áo rách hết
gấu, bẩn bẩn nhàu nhĩ nhìn mà thương.
Nhìn cảnh đó xong mà chả biết nên nghĩ gì trong lúc đó.... Chỉ
vì tò mò đứng lại xem mà nhìn cái cảnh đấy. Vừa buồn vừa thương...”.
Câu chuyện xúc động về người mẹ già từ quê lên thăm con bị xua đuổi đang khiến cư dân mạng tranh cãi.
Dù câu
chuyện này không thu hút hàng nghìn hàng triệu like, thế nhưng nó lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tao ra cuộc tranh luận sôi nổi trên một diễn đàn dành
cho chị em phụ nữ. Nhiều người cho rằng status trên là sản phẩm câu like của
một người có trí tưởng tượng phong phú, hư cấu, nhiều chi tiết vô lý không
logic. Số khác thì khẳng định đó là câu chuyện copy mà họ từng đọc rồi, thậm
chí được ghi lại ngoài đời thực, chắc tác giả lại “đào mộ” từ đâu đó lên mà
thôi. Tuy nhiên cũng có người bày tỏ sự bức xúc sau khi đọc hết status, phẫn nộ
vì hành động bất hiếu thờ ơ của cô gái đối với người mẹ nghèo. Dù nhiều luồng ý
kiến tranh luận xoay quanh sự thật – giả của câu chuyện, song nó vẫn mang thông
điệp triết lý cuộc sống vô cùng ý nghĩa, đáng để dành 5 phút ra đọc.
Bạn Ngọc
Ánh chia sẻ: “Con với cái. Để công nuôi nó mà nuôi lợn có khi bác ấy giàu lâu
rồi”. Nickname Hoon Yoon Kim thì lắc đầu ngán ngẩm: “Đời mà bạn. Những đứa như
thế sợ ngại, sợ xấu hổ. Nhiều đứa hỏi ở đâu còn chả dám bảo ở quê”.
Thành viên
Nhạt Toẹt thì tỏ vẻ giận dữ, để lại bình luận khá sâu sắc: “Xấu hổ vì mẹ đẻ mình cơ đấy. Cô ta không biết rằng cô ta có
ngày hôm nay là nhờ bố mẹ vất vả thế nào. Nghĩ mà thương, bố mẹ.lúc nào
cũng chỉ lo con cái thiếu thốn, còn con cái thì vô tâm. Chỉ khi nào làm
cha mẹ rồi mới hiểu được tình cảm cha mẹ dành cho mình như thế nào”.
Các cụ vẫn
nói “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể - Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”. Biết
ơn dưỡng dục và có hiếu với đấng sinh thành là đạo lý sống cơ bản nhất với mỗi
con người trên thế gian này, ấy vậy mà rất nhiều người lớn lên lại quên đi công
lao cha mẹ, sống vô tâm và chỉ nghĩ cho riêng mình. Bố mẹ sinh con, nuôi con
suốt bao ngày tháng với bao nỗi cực nhọc, lam lũ, điều gì tốt đẹp nhất cũng
dành cho con. Thế nhưng, đến khi trưởng thành, không phải đứa con nào cũng biết
yêu thương, suy nghĩ về bố mẹ mình.
"Rau mẹ trồng, mẹ sợ con thiếu thốn nên chỉ muốn mang lên cho con thôi"...
Có những
chàng trai cô gái rời quê nhà lên phố thị để học hành, làm việc, họ đã từng là
niềm tự hào to lớn của bố mẹ khi đỗ Đại học, trong làng ngoài xóm ai ai cũng
biết cũng khen. Nhưng ra khỏi luỹ tre làng, đến nơi phồn hoa đô hội, nhiều thứ
cám dỗ khiến họ thay đổi, người trẻ dễ bắt nhịp với cuộc sống mới hiện đại nên
nhanh chóng quên đi gốc gác của bản thân. Họ dần ý thức được sự phân biệt giữa “nhà
quê – thành phố”. Họ sợ bị chê bai, dè bỉu khi ai đó biết mình từ quê lên.
Những chàng trai cô gái cố gắng thay đổi mình trong ảo vọng để cố gắng hoà nhập
với thế giới hào nhoáng không phải của mình, để rồi thường xuyên cảm thấy sợ
hãi những thứ quen thuộc như chính gia đình mình.
Chẳng
thiếu chuyện thật về các cô cậu sinh viên, hay dân văn phòng quần là áo lượt
luôn tỏ ra sành điệu nhưng lại giấu giếm về cha mẹ ruột. Khi bố mẹ ở quê nhà
gọi điện nhắn tin hỏi thăm, ban đầu thì nhớ thương lắm, sau dần dần những đứa
con cảm thấy bố mẹ thật phiền phức, quê mùa, không muốn gặp gỡ, không muốn ai
trông thấy bố mẹ mình khắc khổ lam lũ thế nào. Giống như cô gái trong câu
chuyện trên, được người mẹ nghèo nuôi nấng, hi sinh suốt bao năm, đến khi cô đủ
lông đủ cánh, tìm được việc tự nuôi mình, sống thoải mái sành điệu, thì cô đã
quên mất bổn phận làm con, cư xử như một kẻ thiếu đạo đức, thiếu tình thương
với chính mẹ ruột mình.
Gánh rau của
người phụ nữ nghèo trong câu chuyện trên thật ám ảnh. Gánh rau ấy chở đầy tình yêu thương của một người mẹ, luôn lo lắng hi sinh cho con. Ấy vậy mà trong mắt
cô con gái, mẹ và gánh rau đó là nỗi xấu hổ nhục nhã cô không muốn ai trông
thấy. Cô sợ người ta chê mẹ rách rưới thô kệch, chẳng giống con gái son phấn
điệu đà, nên cô đã xua đuổi mẹ già mà không mảy may suy nghĩ. Cha mẹ chẳng bao giờ quan tâm việc bị chê cười, miễn là con mình được
no đủ, nhưng lắm kẻ bất hiếu lớn lên chẳng cho cha mẹ nổi 1 bữa ăn ngon hay bộ
quần áo mới. Cư dân mạng từng phẫn nộ với rất nhiều vụ việc con cái ngược đãi, đối xử tàn nhẫn bất hiếu với cha mẹ, như vụ clip ghi cảnh người đàn ông đuổi đánh không cho mẹ lấy cơm ăn ở gầm giường đã được chia sẻ rất nhiều trong thời gian trước.
Người đàn ông đánh chửi mẹ mình không cho lấy cơm ăn khiến dư luận phẫn nộ cách đây không lâu.
Tác giả kể ngắn thôi, nhưng vài dòng đó đủ khiến ta ngẫm nghĩ lại về bản thân mình. Giữa cuộc sống xô bồ ngày càng nặng gánh vật chất, người ta dễ bỏ quên tình cảm gia đình, quên đi gốc gác tỉnh lẻ, sợ hãi bị người khác chê là “đồ nhà quê”. Nhiều người chúng ta chắc hẳn cũng từng trải qua quãng đời sinh viên thiếu thốn, được bố mẹ chắt chiu gửi từng bao gạo, quả trứng, miếng bánh, mớ rau… Mỗi khi nhận được đồ từ quê ra, ai cũng háo hức mừng rỡ, không lo đói khổ. Thế nhưng tới lúc đi làm, thành đạt, nhiều người con cố tình bỏ quên cha mẹ già, xua đuổi họ khi họ vượt đường xa đến thăm mình. Sự đối lập giữa cha mẹ già khắc khổ quần áo nhàu nhĩ với những đứa con xinh đẹp cố - học – làm – sang phản chiếu đúng cái vô tâm của một lớp người trẻ bây giờ. Bạn muốn đẹp hơn, sang chảnh hơn, điều đó không sai. Thế nhưng, vì chạy theo ước muốn ấy mà đạp đổ tình thân gia đình, từ chối gốc gác của mình, và cư xử xấu xí giữa đám đông khiến người ta đánh giá nhân cách, thì bạn xứng đáng là kẻ tồi.
Đừng để đến lúc mất cha mẹ rồi mới hối hận không kịp."Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không"...