Dân Trung Quốc cố gắng "đi nhẹ nói khẽ" sau thảm kịch thang cuốn
Người Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn khi đi thang cuốn sau hai vụ tai nạn gần đây. Trong khi đó, một kết quả điều tra cho thấy: Có đến 5% thang cuốn tại Trung Quốc “có vấn đề”.
Cuối tuần trước, vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra tại Kinh Châu, Hồ Bắc, Trung Quốc khiến một người phụ nữ 30 tuổi tử vong vì mắc kẹt vào thang cuốn đã làm chấn động dư luận nước này. Nguyên nhân được xác định là do sàn nhà phía trên thang bị sập khiến người phụ nữ hụt chân. Cô chỉ kịp đẩy con trai đến nơi an toàn trước khi bị thang cuốn "nuốt chửng".
Ngay sau đó, một tai nạn khác cũng liên quan đến thang cuốn đã xảy ra ở Ngô Châu, Quảng Tây khi cậu bé 1 tuổi bị trượt ngã khiến cả bàn tay trái bị kẹt vào bên trong. Hậu quả là em bé đã bị gãy tay.
Sau hai vụ tai nạn, nhiều người Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn khi đến các trung tâm thương mại và cửa hàng có hệ thống thang cuốn. Có người dùng chân để kiểm tra xem sàn nhà có chắc chắn không. Có người đi sát vào tay vịn của thang hay thậm chí nhảy hẳn qua khu sàn thang cuốn.
Một người đàn ông nhảy qua bệ thang cuốn nhằm tránh vị trí có thể bị sập giống như người mẹ trong clip.
Nhiều phụ huynh có trẻ con cũng để bé nhảy qua khu vực đầu thang cuốn, không cho con bước lên.
Bên cạnh đó, trên mạng còn lan truyền “vị trí nguy hiểm” ở giữa tấm sàn ngay phía trên thang khiến nhiều người chỉ dám nhảy thẳng qua, không dám bước lên tấm sàn thang cuốn đó nữa. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng phân vị trí an toàn hay không an toàn là điều không đúng. Tuy nhiên, với nhiều người Trung Quốc, “có kiêng có lành”.
Một người mẹ bế con qua khu vực sàn trên thang cuốn.
Clip ghi lại cảnh "rón rén" của người Trung Quốc trên thang cuốn.
Trung Quốc có 5% thang cuốn không an toàn
Trung Quốc là quốc gia có số thang cuốn, thang máy nhiều nhất thế giới. Đến cuối năm 2014, cả Trung Quốc có 3,6 triệu thang máy và thang cuốn đang hoạt động. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, số thang máy, thang cuốn tăng 20% mỗi năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Năm ngoái, cả Trung Quốc có 49 vụ tai nạn thang máy, thang cuốn. Trong số đó có 8 vụ do lỗi thiết bị và có đến 21 vụ do lỗi bất cẩn từ người dùng. Sở dĩ xảy ra tình trạng như vậy là do việc cạnh tranh về giá cả trong dịch vụ bảo trì đã khiến các công ty thuê nhân công rẻ nhưng chuyên môn kém.
Khoảng 5% thang máy, thang cuốn tại Trung Quốc được phát hiện có vấn đề. Chủ yếu đều đã hoạt động thời gian dài hoặc đã hết hạn sử dụng. Trong số 111.000 thang máy bị lỗi, chỉ 79.000 thang đã từng được sửa chữa, bảo dưỡng.
Tuổi thọ trung bình của thang máy là 20 năm với điều kiện bảo trì tốt. Tại Hà Bắc, có đến 1000 thang máy đã sử dụng quá 15 năm. Ở Đông Quan, có 1700 thang máy đã quá cũ nhưng vẫn được sử dụng.
Cục Quản lý Tiêu chuẩn Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra quy định mới về an toàn thiết bị - máy móc trong thời gian tới. Theo quy định đó, thang cuốn, thang máy phải được vệ sinh, bôi trơn, kiểm tra sau mỗi 15 ngày hoạt động. Ngoài ra, các công ty phải cử nhân viên giám sát hệ thống thang máy, thang cuốn thường xuyên.
Khoảng 110.000 thang máy, thang cuốn tại Trung Quốc bị lỗi, có vấn đề gây mất an toàn khi sử dụng.
Bên cạnh đó, việc xác định nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm của các bên khi xảy ra tai nạn cũng được đề cao. Trong vụ tai nạn xảy ra tại Hồ Bắc, đến bây giờ vẫn chưa rõ đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân: Chủ sở hữu thang máy? Nhân viên vận hành? Nhân viên bảo trì?
Cục Quản lý Tiêu chuẩn Trung Quốc cũng yêu các công ty bảo trì thang máy phải cạnh tranh trong sạch, ưu tiên chất lượng. Ngoài ra, nhà sản xuất thang máy phải có chính sách bảo trì, bảo dưỡng sau bán hàng.
Trong lúc chờ vài trăm nghìn thang cuốn, thang máy bảo đảm an toàn, người Trung Quốc sẽ phải bình tĩnh “đi nhẹ nhàng” khi qua các thang cuốn, vì an toàn của chính mình.