Dân mạng tranh cãi về hành xử của các “thượng đế” sau vụ Uber

Khánh Nguyễn,
Chia sẻ

Những lùm xùm của Uber và khách hàng gần đây khiến cư dân mạng lại xôn xao bàn tán, tranh cãi về quyền của “thượng đế” và văn hóa khi đi xe taxi.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, một facebooker đã đăng tải bài viết về dịch vụ vận chuyển khách của Uber và quan điểm cá nhân về chuyện “Thượng đế ở Việt Nam” quá khó tính.

uber
Bài viết được đăng tải khiến cư dân mạng tranh cãi.

Bài viết có nội dung như sau:

“Èo ơi, xe Uber thường là xe tư nhân, tỉ như bạn giao xe cho Uber khai thác rồi chia lợi nhuận, khách đi xe rồi ói mửa trên xe thì khách không chịu trách nhiệm chứ ai chịu ta??

Vừa muốn rẻ, muốn thơm, muốn lịch sự, muốn ói, muốn làm gì làm thì.. tự mua xe đi cho khoẻ. Thượng Đế ở Việt Nam mình khó tính quá, cứ như bỏ tiền ra là phải "húp troạn" vậy. Chỉ cần bước qua Singapore thử đi taxi mà ăn trong xe, nói cười sang sảng, động chân động tay tí thì gặp tài xế ngầu ngầu chút là đuổi xuống xe luôn, khỏi nói nhiều. Họ bán dịch vụ vận chuyển chứ họ không hầu hạ hay phải làm vui lòng nếu khách không giữ chừng mực trong xe.

Ở nước ngoài không có chuyện quắt (quát) taxi, không nói không rằng chui tọt vô xe, để hành lý cho tài xế tự cho vào cốp như ở Việt Nam mà tài xế có người phụ, có người để khách tự làm, thậm chí xách đồ lỉnh kỉnh họ không chở luôn”.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người ủng hộ, có người phản đối, tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt.

Một facebooker lên tiếng ủng hộ Uber và cho rằng người Việt đang thiếu lịch sự khi sử dụng dịch vụ: “Bởi kiểu suy nghĩ khách hàng bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ thì muốn làm gì thì làm như các bạn ở trên, thực sự đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt nên ở Việt Nam mới phổ biến trường hợp đi ăn buffet nhà hàng thì ăn ít mà phá thì nhiều, làm thủ tục ở sân bay mang hành lý quá kg thì bắt nhân viên cho qua, không được thì chửi bới, quăng đồ vào mặt nhân viên, đòi đánh... Họ không biết rằng sự ích kỷ, tham lam của họ đang kiềm hãm xã hội này phát triển!!!”

Một facebooker khác bày tỏ: “Mình thấy qua bài báo thì cách xử lý của Uber chuyên nghiệp và đẹp. Nhiều lúc phải đủ can đảm đuổi bớt vài khách củ chuối để dành thời gian, tâm trí và cả nụ cười để phục vụ khác khác”.

Nickname Ho Quang Man cũng đồng ý với quan điểm của người viết: “Trên quan điểm người tiêu dùng, tôi cho rằng Uber, Crabtaxi, Crab bike.. là dịch vụ vận chuyển tốt nhất, văn minh nhất hiện nay rồi. Không lo sợ bị tài xế chạy lòng vòng hay giả bộ ko biết đường để câu thêm phí (ai đi taxi mà không rành đường thử xem có tài xế nào không giả vờ không rành đường theo không), tài xế ko thèm trả tiền thối... Thậm chí bị lừa gạt, cấu kết với thành phần xấu để cướp tài sản khách.

Người VN cần học hỏi cư xử văn minh nơi công cộng. Phải biết xấu hổ mà gập mình xin lỗi tài xế khi vợ mình say xỉn trên xe taxi và chịu mọi chi phí giải quyết hậu quả. Có hay không có nôn mữa cũng vậy”.

uber
Một số lời tranh luận, ủng hộ hoặc phản pháo của cư dân mạng.

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng khác lại hoàn toàn không chấp nhận được quan điểm của tác giả, đặc biệt là chuyện ví von so sánh nước ngoài và Việt Nam. 

Một facebooker đã phản pháo: “Bạn này nói chuyện quá chối tai. Anh mang xe, kể cả tiền tỉ ra làm dịch vụ, làm phương tiện kinh doanh vận tải để thu lời, thì cùng với nó anh phải chấp nhận rủi ro. Họ bỏ tiền ra để được phục vụ thì phải được phục vụ tận tình, được tài xế mở cửa xe, giúp vận chuyển đồ, được giải đáp các thắc mắc về giá cước, về đường đi... (nếu có). 

Chuyện say xỉn nôn ra xe, chắc chẳng ai muốn. Việc tài xế phải vệ sinh xe khi khách làm bẩn xe, đó là chuyện đương nhiên. Vì anh đã thu phí dịch vụ, anh phải có trách nhiệm đảm bảo dịch vụ, và phải chi trả cho những rủi ro mà dịch vụ đó mang lại. Đã thu người ta tiền vệ sinh, người ta phản hồi thì cãi chày cãi cối rồi khóa luôn facebook. Cách hành xử như thế, bảo sao anh luôn bị coi là dịch vụ "đen" ở nhiều nước. 

Còn bạn đừng so sánh với nước ngoài. Chẳng hiểu "nước ngoài" ở đây là bạn muốn nói đến nước nào, vì dịch vụ ở nhiều nước rất chu đáo, đương nhiên, có tính phí tip, nhưng làm gì có chuyện tài xế taxi từ chối phục vụ vì khách mang đồ lỉnh kỉnh và không giúp khách xách đồ? 

Thêm nữa, Uber đang kinh doanh ở Việt Nam, thì họ phải chấp nhận cách sử dụng dịch vụ của Việt Nam, phải biết tìm cách “dĩ hòa vi quý” với khách của mình, chứ không phải ngồi đó mà so sánh nước ngoài thế này, nước ngoài thế nọ. Thích so sánh, anh cứ kinh doanh ở nước ngoài, đừng kinh doanh ở Việt Nam nhé! Kể cả hội nhập văn hóa toàn cầu, con người là công dân toàn cầu thì việc kinh doanh vẫn phải nương theo văn hóa bản địa, nhé!”

Cùng chung ý kiến, bạn Lê Trâm bình luận: “Chị này nói chuyện buồn cười ghê. Bán dịch vụ vận chuyển nhưng là vận chuyển người chứ pải vận chuyển động vật, hàng hoá đâu mà nói là không làm vui lòng. Vậy chị vào khách sạn nhà hàng, tui bán phòng ngủ và đồ ăn cho chị nhưng vì sao tôi vẫn phải hầu hạ, làm vừa lòng chị. Đã là ngành dịch vụ rồi thì đừng có nói câu vênh giọng với khách, đuổi khách hay gì gì...

Đồng ý là chở người ta thì bán dịch vụ vận chuyển đó nhưng mà chị cứ thử đi 2 hãng, 1 hãng nhân viên niềm nở, 1 hãng nhân viên nhăn nhó không muốn phục vụ chị sẽ biết ngay. 

Trong du lịch, từ phục vụ và dịch vụ được phân biệt rất rõ. Dịch vụ bao gồm tất cả những thứ liên quan và bao gồm cả việc phục vụ. Làm dịch vụ mà nói đuổi người ta xuống xe, nói chuyện buồn cười kinh. 

Chị nói chị qua Sing rồi, chị thấy vậy. Vậy bản thân chị thấy Sing làm du lịch như vậy có được không? Hay chị lấy hành động của bọn tài xế taxi bên Sing làm chuẩn mực cho ngành dịch vụ thế? Tôi thấy với cách phục vụ như tài xế bên Sing thì quả là khách du lịch chả bao giờ muốn đi taxi nữa., ít ra là không đi cái hãng mà chị đã đi. Nó chở mình mà như chở hàng hoá trâu bò ấy, đuổi khách xuống chỉ dùng cho du côn thôi. Có rất nhiều cách như: đề nghị im lặng, sao không dùng phải đuổi? Buồn cười cả ra!”

Thành viên tên Khổng Hà Quyên bình luận:  “Tôi không comment về bài báo. Tôi muốn comment về stt này. Tôi không đồng ý quan điểm của chị Diệp cho răng "...bán dịch vụ vận chuyển chứ không hầu hạ hay phải làm vui lòng khách nếu khách không giữ chừng mực trong xe". 

Ngành phục vụ ăn nhau ở chât lượng dịch vị lẫn thái độ với khách hàng. Chị không làm vừa lòng khách thì đừng bao giờ nghĩ tới chuyện họ vui lòng trở lại với chị. Chị làm tròn trách nhiệm và quyền hạn của nhà cung cấp với khách hàng là được, nhưng nếu khách có yêu cầu quá hơn, chị phải khéo léo ứng xử. 

Tôi khuyên chị đừng bao giờ ôm suy nghĩ là khách hàng trả tiền nên họ muốn “húp trọn” là một điều xấu xa. Thay vì nghĩ như thế, chị hãy giải thích để họ hiểu. Nếu chị ko cải thiện tư duy ấy, xin chị đừng làm trong ngành dịch vụ hay nghề gì phải tiếp xúc với khách hàng. Còn thái đôi của taxi Sing theo chị tả, tôi đánh giá là quá vớ vẩn”.

uber
Tác giả bài viết lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình.

Trước những lời bình luận tranh cãi trái chiều này, tác giả bài viết đã lên tiếng: “Hihi, lúc nào cũng vậy, đưa ra tình huống nào đó thì sẽ luôn có những ý kiến khác nhau, không sao hết, mỗi người mỗi quan điểm và đúng thật là phải là người trong cuộc mới biết chính xác thế nào. Mình chỉ biết và đọc bài báo này rồi nói theo kinh nghiệm mình biết. Kinh nghiệm cũng vậy, các bạn hỏi là đi hãng nào bên Sin? Quýnh chết cũng không nhớ. 

Mình chưa từng bị đuổi khỏi taxi do vi phạm quy định của xe như ăn trong xe, "thả bom" trong xe, cười giỡn ồn ào trong xe...v..v... thì người quen mình bị và họ kể lại. Mình đi nhiều, nói gọn là chỉ còn Châu Phi mình chưa có dịp đi thì thật là đi taxi bên Sing vừa khó đón xe (vì nhu cầu nhiều hơn lượng xe taxi trong những lúc cao điểm trong ngày), nhiều tài xế không thân thiện. Còn việc "dân chủ" thì những nước mình đi là vậy, taxi không niềm nở, không mang tính "phục vụ" tận tình như ở Việt Nam. 

Cũng cần nhắc là trong status mình không nói đến các cá nhân trong bài báo, chỉ nói ngắn gọn về sự việc, và sau đó là chia sẻ về điều mình biết khi đi taxi các nước khác. Vậy nên các trao đổi tốt nhất vẫn là nói sự việc chứ không đả kích con người, vậy mới hoà bình và dễ cùng nhau nhận biết vấn đề cho đúng”.

Chia sẻ