Uber bị ghét, do đâu?
Hàng loạt rắc rối về hình ảnh, thương hiệu khi trót bộc lộ sự xấu xí và những phản ứng thái quá đã khiến khách hàng phải nhìn Uber theo cách khác.
Uber là một trong những doanh nghiệp mới có giá trị gia tăng nhanh nhất ở thung lũng Silicon. Không những vậy, nó còn tạo dựng được tiền đồ ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời tán dương về tốc độ phát triển chóng mặt thì tranh cãi xung quanh công ty này cũng không phải là ít. Hàng loạt rắc rối về hình ảnh, thương hiệu khi trót bộc lộ sự xấu xí và những phản ứng thái quá trong nhiều sự việc đã khiến khách hàng phải nhìn Uber một cách tiêu cực.
Rắc rối pháp lý
Cho đến nay, vấn đề pháp lý về cách thức hoạt động của Uber luôn nhận phải sự phản đối của nhiều nhà chức trách trên toàn cầu.
Uber gặp rắc rối pháp lý ở nhiều quốc gia
Theo giới chức các nước, Uber như một “dịch vụ đen” bởi mọi hoạt động đều diễn ra một cách tự phát giữa người lái xe và hệ thống của dịch vụ này. Các nguyên tắc về đăng ký kinh doanh vận tải, bảo hiểm, đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người sử dụng đều không được các tài xế Uber tuân theo.
Tính đến nay, Uber đã bị cấm liên tục trên 15 quốc gia bởi những cáo buộc về cách hoạt động sai luật, không tuân thủ các quy định về giấy phép tại quốc gia mà Uber hỗ trợ dịch vụ.
Cạnh tranh không công bằng
Có thể nói, một phần lý do khiến Uber bị cấm hoạt động tại nhiều quốc gia là bởi sự phản đối mạnh mẽ từ các hãng điều hành taxi và cơ quan vận tải.
Những cuộc biểu tình chống lại Uber
Nguyên nhân là bởi những hãng này cho rằng Uber đang cạnh tranh không công bằng với các hãng truyền thống, đe dọa đến "nồi cơm" của các công ty vận chuyển.
Uber thậm chí nhận phải sự tẩy chay của đông đảo các hãng taxi, hàng nghìn tài xế còn xuống đường biểu tình để phản đối dịch vụ này.
Gây hấn với giới truyền thông
Sự việc một nhà lãnh đạo của Uber đe dọa sẽ moi móc thông tin cá nhân của các phóng viên đưa tin tiêu cực về công ty khiến dịch vụ này thêm lần nữa đối mặt với những chỉ trích và tẩy chay từ giới truyền thông.
Cụ thể, Phó chủ tịch của Uber, ông Emil Michael, “lỡ lời” thông báo việc công ty này sẽ chi 1 triệu USD để thuê một nhóm nhà nghiên cứu phản biện các bài báo chỉ trích dịch vụ này. Và câu chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi ông Michael dọa tung thông tin cá nhân của một nhà báo nữ từng có bài chỉ trích Uber.
Emil Michael lỡ lời gây hấn với giới truyền thông
Điều này khiến cho những tin tức tiêu cực về Uber ngày một nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Mặc dù sau đó đã có lời xin lỗi công khai trên mạng xã hội Twitter từ Tổng giám đốc điều hành Uber - Travis Kalanick, nhưng ông lại không đề cập rõ ràng về tương lại của Emil ở Uber.
Chính sách giá và phí phát sinh kỳ lạ
Định giá nhảy cóc (Surge pricing) của Uber hiện đang khiến nhiều khách hàng phàn nàn.
Uber tăng giá trong giờ cao điểmTrong khi ở Việt Nam mọi người mới chỉ quan tâm đến chuyện, liệu Uber là công ty cung cấp dịch vụ vận tải hay là công ty cung cấp nền tảng công nghệ, thì ở các nước vấn đề nóng nhất liên quan đến Uber chính là chiến dịch tăng giá khi nhu cầu đi lại của người dân lên cao.
Không những vậy, những chi phí phát sinh khi sử dụng dịch vụ này cũng khiến nhiều khách hàng cảm thấy mất cảm tình với dịch vụ này.
Ví dụ như hành động Uber Việt Nam trừ 350.000 đồng vào tài khoản của một khách hàng vì cho rằng vị khách này đã có hành vi “nôn” ra xe và mức tiền trừ ấy được đặt tên là “phí dọn dẹp”.
Email của Uber gởi cho anh Tuấn thông báo về việc trừ phí vệ sinh.
Không những vậy, việc đại diện Uber tuyên bố sẽ ngừng cung cấp dịch vụ vĩnh viễn đối với tài khoản của khách hàng này đã gây nên một cuộc xung đột lớn giữa người dùng và Uber, cũng như thu hút sự quan tâm và chia sẻ của rất đông người dùng mạng xã hội.
Hay như việc tài xế của Uber tại California (Mỹ) cộng thêm 100 USD vào hóa đơn giá 7 USD của một vị khách hàng với lý do "dây chất bẩn cơ thể" ra xe chỉ vì người khách này bắt xe vào lúc trời đang mưa.