Đàn dê ở Ethiopia, 'rượu của người Ả Rập' và những điều ít biết về lịch sử cà phê
'Bạn không thể có một nền văn hóa ẩm thực tử tế mà thiếu đi một nền văn hóa cà phê tử tế - cả hai song hành phát triển', nhà văn Mỹ Adam Gopnik từng nói.
Nâu nhạt, cánh gián hay gần đen; dùng với kem hay sữa; nóng hay đá; ngào ngạt tỏa hương trong không khí, hương vị tổng hòa từ đất, hạt, khói và cây cỏ; cà phê đã trở thành một thức uống có tính biểu tượng với toàn nhân loại suốt vài thế kỷ qua.
Nó ăn sâu vào đời sống nhiều người trên thế giới. Một nghi thức phổ biến sau khi thức giấc là một bữa sáng đầy đủ cùng một ly cà phê nóng. Có một thứ gì đó đặc biệt trong hương vị đắng và hương thơm tràn sức sống của nó, và bạn không phải là người duy nhất đánh giá cao thức uống này.
Người ta ước tính rằng có khoảng 2,25 tỷ tách cà phê được tiêu thụ mỗi ngày trên toàn thế giới! Cà phê là một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng chính xác thì chất kích thích hợp pháp này đã trở thành hiện tượng toàn cầu như thế nào?
Câu chuyện bắt đầu từ những chú dê
Lịch sử của cà phê bắt đầu từ rất lâu trước đây, ở trung tâm châu Phi. Một truyền thuyết phổ biến của Ethiopia cho chúng ta biết về một khám phá đáng chú ý cuối cùng sẽ thay đổi thế giới.
Vào khoảng thế kỷ thứ 9, một người chăn dê tên là Kaldi đã điên cuồng tìm kiếm những vùng cao nguyên Ethiopia để tìm đàn dê thất lạc của mình. Anh tìm thấy chúng đang nô đùa trong bụi cây, nhảy loạn xạ và la hét. Không mất nhiều thời gian để anh nhận ra rằng đám dê đang ăn những quả mọng nhỏ màu đỏ.
Anh ta cầm một nắm quả đó và đến thăm tu viện gần đó để xin lời khuyên. Tuy nhiên, các tu sĩ không hiểu cho sự phấn khích của Kaldi. Thay vào đó, họ tuyên bố những quả mọng đỏ là sự sáng tạo của ma quỷ và ném chúng vào lửa. Câu chuyện có thể kết thúc ở đó, nhưng khi những hạt nọ được rang trong lửa, mùi thơm nồng nàn đã thu hút sự chú ý của các tu sĩ.
Họ gom những hạt đã rang từ đống tro, xay nhuyễn và thảy vào nước nóng. Họ nếm thử loại đồ uống đó, và phần còn lại là lịch sử.
Câu chuyện về Kaldi, những con dê cuồng loạn và các tu sĩ hoài nghi có lẽ là một truyền thuyết. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Ethiopia giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn minh nhân loại. Ethiopia là nơi lưu giữ những bằng chứng đầu tiên về loài người, một trong những nền văn hóa châu Phi cổ đại và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất trên thế giới.
Đây có lẽ cũng là một trong những nơi đầu tiên cà phê được tiêu thụ - không phải như đồ uống mà là thức ăn. Giống như những con dê yêu quý của Kaldi, người Ethiopia đã khám phá ra cà phê bằng cách nhai quả cà phê. Tuy nhiên, không mất bao lâu để cà phê trở thành một yếu tố quan trọng trong văn hóa và cuộc sống hàng ngày của người Ethiopia, nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Mocha vốn là tên một trung tâm hàng hải và mậu dịch cổ
Bước tiếp theo trong hành trình lịch sử cà phê đưa chúng ta đi về phía đông qua Biển Đỏ đến Yemen, nơi cà phê - được gọi là qahwa - lần đầu tiên được thưởng thức ở dạng lỏng. Cũng qua cảng biển cổ Mocha, cà phê đã du nhập vào đây. Thú vị là, sau này mocha được dùng đặt tên cho một loại cà phê espresso pha kèm sữa nóng và bột hoặc sốt socola.
Trong khi các bộ lạc Ả Rập có lẽ đã làm rượu bằng quả cà phê trước đây, bằng chứng lịch sử sớm nhất về cà phê như một loại đồ uống đến từ thế kỷ 15.
Các ẩn sĩ Sufi đã sử dụng thức uống này để giữ tỉnh táo cho các nghi lễ tôn giáo hàng đêm của họ. Yemen cũng là nơi đầu tiên cà phê được rang và dùng theo cách chúng ta làm ngày nay.
Từ "rượu của người Ả Rập" đến quán cà phê đầu tiên trong lịch sử
Mocha, thành phố cảng cổ của Yemen trên bờ Biển Đỏ, đã trở thành một trung tâm mà từ đó cà phê được đưa đi khắp thế giới Hồi giáo.
Sự phổ biến của cà phê đối với những người theo đạo Hồi đã được thúc đẩy bởi việc nó không bị cấm trong kinh sách. Một chất kích thích khác, rượu, bị cấm rõ ràng trong thực hành đạo Hồi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ban đầu, cà phê được biết đến với tên gọi là Rượu của người Ả Rập.
Vào giữa thế kỷ 16, cà phê đã nhanh chóng lan rộng khắp Bán đảo Ả Rập, Đông Bắc Phi và Ai Cập. Một phần nhờ sự mở rộng của Ottoman, cà phê lan đến mọi ngóc ngách của Đế chế rộng lớn, bao gồm cả thủ đô Istanbul. Năm 1555, quán cà phê đầu tiên mở cửa tại nơi mà lúc đó là một trong những thành phố lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới.
Các quán cà phê là nơi mà những người khách quen sẽ gặp nhau để thảo luận, nghe thơ và chơi các trò chơi như cờ vua hay Backgammon và dần thịnh hành, là dấu ấn Hồi giáo giữa lòng Ottoman.
Sự phổ biến toàn cầu
Từ phương Đông, cà phê tiếp tục hành trình của nó suốt thế kỷ 16, 17 đến Venice theo các thuyền buôn. Năm 1615, người ta có thể bắt gặp những người bán cà phê dạo trên đường phố Venice (Ý).
Ban đầu, nó gặp sự phản đối nhưng sau khi nếm thử hương vị của thức uống tuyệt diệu này, Giáo hoàng Clement VIII tuyên bố ông muốn "rửa tội" cho nó và khiến cà phê phổ biến khắp nước Ý trong thế kỷ 17.
Sau đó, nhờ sự phổ biến của nhà Habsburg ở Áo, cà phê tiếp tục lan rộng khắp châu Âu và được sử dụng thường xuyên như một đặc sản từ phương Đông. Cũng từ đây khái niệm về các quán cà phê hiện đại hơn bắt đầu xuất hiện.
Không giống như quán rượu, quán cà phê là những nơi đầy đủ ánh sáng với thư viện và âm nhạc riêng. Nói cách khác, đó là những nơi mà các trí thức châu Âu thời đó thường lui tới. Một số ý tưởng sáng giá nhất thế giới nảy sinh từ các cuộc tranh luận bên một tách cà phê.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích văn hóa cà phê đang phát triển nhanh chóng. Năm 1675, Vua Anh Charles II đã cố gắng cấm các quán cà phê. Cùng thời điểm, một thức uống khác cũng từ phương Đông lan đến Anh và "thống trị" đảo quốc sương mù, là trà.
Tới thế kỷ 19, châu Âu đã thống trị hoàn toàn việc kinh doanh cà phê và mang chúng ra khắp thế giới.
Lịch sử chứng minh hóa ra những lo sợ của Charles II là có căn cứ, khi các cuộc cách mạng nhấn chìm châu Âu vào năm 1848 bắt đầu tại những cuộc họp được tổ chức tại quán cà phê, từ Budapest đến Berlin, từ Paris đến Palermo. Những cuộc cách mạng này và các cuộc xung đột khác, chẳng hạn như Nội chiến Hoa Kỳ, cũng giúp tăng lượng tiêu thụ cà phê, vì binh lính dựa vào caffeine để tăng sức chiến đấu.
Cà phê vươn ra không gian
Cà phê bắt đầu vượt khỏi biên giới hành tinh vào những thế kỷ sau đó và đánh dấu bằng sự kiện "bước ra vũ trụ".
Vào cuối những năm 1800, cà phê đã trở thành một mặt hàng trên toàn thế giới, không chỉ dành cho hoàng gia và giới thượng lưu, mà còn cho cả giới bình dân. Quán cà phê là một loại kinh doanh thiết yếu mọi thành phố, một nơi để thảo luận, chiêm nghiệm hoặc thưởng thức một thức uống nhàn nhã.
Cà phê cũng giúp thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp. Công nhân trong các nhà máy mới làm việc không ngừng nghỉ ngày đêm nhờ cà phê, hay chính xác hơn là chất caffeine trong đó.
Với việc cà phê có mặt ở khắp mọi nơi trên Trái đất, đi vào mọi khía cạnh của cuộc sống con người, chỉ có một nơi cuối cùng để đến. Biên giới cuối cùng. Mặc dù không được coi là một chất bổ sung bắt buộc cho các phi hành gia, nhưng thức uống thơm ngon đã tham gia vào "một bước tiến nhỏ cho con người, một bước nhảy vọt khổng lồ cho nhân loại".
Năm 1969, tất cả phi hành đoàn của Apollo 11 đã uống cà phê trước khi hạ cánh xuống Mặt Trăng. Ngày nay, các phi hành gia quay quanh Trái đất trên Trạm Vũ trụ Quốc tế đều có các túi kín chân không hiện đại và cốc không trọng lực để thưởng thức đồ uống nóng yêu thích của họ trong khi nghiên cứu không gian. Và từ năm 2015 trở đi cà phê không gian được pha chế trong một thiết bị độc đáo - máy pha cà phê ISSpresso đặt trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Nguồn: The Collector