Dân công sở “vật vã” với xe buýt

Mây Trinh,
Chia sẻ

Trong thời buổi giá cả tăng đến chóng mặt , để cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm phần nào chi phí cho gia đình nhiều chị em đã chọn xe buýt làm phương tiện đi làm hàng ngày của mình.

Đi làm muộn vì xe buýt

“Chỗ làm cách nơi ở gần 30 cây, nhà thì lại chỉ có một chiếc xe máy nên sáng nào tôi cũng phải đi từ 6h30 để bắt xe buýt cho kịp đến công ty lúc 8h. Có hôm ngủ dậy muộn, 7h mới ra bến xe buýt, đứng “chôn chân” hơn 30 phút mà vẫn không bắt được xe vì xe buýt hết chỗ nên bỏ bến". Chị Thư, nhân viên một công ty ở Hoàng Mai chia sẻ.

Cùng chung nỗi bức xúc với loại hình phương tiện công cộng này, anh Tâm, đồng nghiệp của chị Thư cho hay: “Rõ ràng ghi trên biển ghi là 15 phút một tuyến nhưng lắm lúc chờ cả tiếng đồng hồ được đúng một chuyến xe. Phải nhọc công lắm mới len vào được một “tập đoàn người” cùng đang cố gắng leo lên chiếc xe buýt 34 này.”


Phải nhọc công lắm mới len vào được một “tập đoàn người” như thế này!

Việc bị xe buýt bỏ bến khiến không ít người lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Đi làm muộn, bị sếp nhắc nhở như chị Thư không phải là chuyện hiếm. Thậm chí, có những khi xe buýt không đông, vắng người nhưng tài xế vẫn “vô tư” phóng quá bến dù hành khách sốt ruột đứng chờ. Chị Linh nhân viên làm ở một công ty trên Đống Đa ấm ức “Dù lúc đó không phải giờ tan tầm và trên xe chỉ có lác đác mấy hành khách nhưng 2 chiếc 26 đi liền vẫn thản nhiên bỏ qua bến.”

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội về thực trạng xe buýt hiện nay, thì xe buýt ở Hà Nội chỉ đáp ứng được chưa đến 15% nhu cầu đi lại của người dân. Với con số “khiêm tốn” như thế thì thử hỏi sao người dân không kêu trời với phương tiện công cộng này!

Dân công sở khổ sở trên xe buýt

Một tháng đi xe buýt đã trở thành nỗi ám ảnh với chị Hà (Từ Liêm, Hà Nội). Chị Hà vì chạy theo để cố leo lên xe 32 đến chỗ làm ở Giáp Bát mà bị hụt chân, ngã ra đường, xây xát cả tay chân. Sau lần ấy, chị đâm ra “sợ” phương tiện công cộng này. “Dù chi phí có đắt hơn nhưng mỗi khi đi làm mà khổ hơn ra trận như thế thì mình thà sử dụng xe máy để di chuyển.”
 

Xe máy leo lên cả điểm đứng chờ xe buýt

Theo quan sát của phóng viên tại một số điểm đón trả khách, xe buýt thường đỗ cách xa lề đường, nếu không để ý nhiều người có thể bị vấp ngã. Có không ít chị em vì mang giầy cao nên đã bị bước hụt chân, ngã ra đường. Còn trên xe buýt, đi giày cao đứng chênh vênh thì mỗi lần bác tài phanh xe hành khách như đứng tim. Nếu vô tình dẫm phải người đứng sau thì cũng không ít “phiền toái”. “Có lần, mình vô ý dẫm giày cao gót lên một hành khách đứng bên cạnh. Mặc dù mình đã xin lỗi nhưng bạn ấy vẫn làm um lên và nói những câu thiếu văn hóa. Kể từ lần ấy, mình chẳng bao giờ dám đi giày cao quá 3 phân bước lên xe buýt.”, chị Hà kể.

 
Nhiều chị em không dám đi giày quá 3 phân khi đi xe buýt

Với những xe luôn trong tình trạng “chật ních” như 34, 32… thì để có ghế ngồi, không phải đứng là việc không hề dễ dàng. Đứng cả một chặng đường dài từ Gia Lâm về Cầu Giấy, chị Mai Trang chán nản nói: “Lên xe từ đầu bến mà vẫn không có ghế. Gần 1 tiếng đồng hồ “đu” mình trên xe buýt mới về tới nhà. Chưa kể, mỗi lần tài xế phanh xe, người mình lại “lắc lư, nghiêng ngả” theo như lượn sóng. Nhiều hành khách đi cùng trên xe thì ở nơi công cộng mà cứ xem như nhà của mình. Vô tư cười nói, bật nhạc loa ngoài, hay nói chuyện điện thoại thoải mái mà không thèm bận tâm tới những người xung quanh rất mất trật tự”.

“Trên xe buýt, lúc đông hành khách thường rất bí bách. Với những người chưa quen như mình thì cảm giác rất khó thở và buồn nôn. Lần đầu tiên đi xe buýt, mình bị say xe, về nhà có cảm giác buồn nôn, đau đầu mãi đến tận ngày hôm sau. Đặc biệt những lúc đón khách lên hay xuống, nhà xe mở cửa, đóng cửa rất nhanh rồi chuyển bánh chạy vội vã khiến khách phải chen chân lên xe một cách chớp nhoáng nếu không bị kẹt vào cửa.” là cảm nhận của chị Nhi, nhân viên một công ty truyền thông sau hơn 2 tuần sử dụng phương tiện công cộng này. “Mình đang trong thời gian mang bầu, việc di chuyển còn chậm hơn, nên những lúc giờ cao điểm khó có thể chen lên xe buýt, nếu không cẩn thận có thể bị những hành khách cùng lên vô tình xô ngã. Vì thế việc chờ xe cả tiếng đồng hồ với mình là chuyện bình thường.”

Một thực trạng ở tại nhiều điểm chờ xe buýt hiện nay đó là thiếu trầm trọng nhà chờ xe buýt hoặc nếu có thì cũng trong tình trạng xuống cấp, nhếch nhác. Chị Thu An, đồng nghiệp của chị Nhi bày tỏ: “Ngày nắng chờ xe còn đỡ, vất vả nhất là những ngày mưa. Đường trơn và bẩn, mỗi lần xe chạy qua là nước bẩn bắn tung tóe. Có nhiều điểm chờ xe buýt nhưng chưa xây dựng nhà chờ có mái che, ghế ngồi cho khách nên trời mưa hành khách không biết trú vào đâu.”

Dù "vật vã", vẫn phải đi vì tiết kiệm

Bị xe buýt “hành” như chị Trang hay chị Nhi là còn may mắn. “Ác mộng” thực sự mang tên xe buýt đối với chị em chính là những tên yêu râu xanh. Nhân cơ hội xe buýt đông hành khách để sờ soạng, sàm sỡ không còn là chuyện mới ở trên xe buýt. Mai Lan (Đống Đa, Hà Nội) đã có câu chuyện nhớ đời khi gặp một tên biến thái trên xe buýt. Lợi dụng lúc xe đông, tên yêu râu xanh lén sờ soạng vào “chỗ hiểm”. Tuy nhiên, không biết làm gì hoặc cùng lắm chỉ dám la lên là phản ứng chung của nhiều người khi gặp phải những tình huống này. Trường hợp bị yêu râu xanh “mò mẫm” như chị Lan không phải là chuyện hiếm với nhiều chị em khi đi trên xe buýt.


"Gian nan" cảnh chen chân lên xe

“Thậm chí xe không đông nhưng nhiều kẻ vẫn cố tình đụng chạm vào người mình. Còn việc bị móc túi, mất cắp thì chẳng còn lại gì. Dù có thấy trước mặt mình vẫn phải giả vờ không biết.” Chị Trang, một hành khách thường xuyên của xe 34 than thở.

Trong thời buổi giá cả tăng đến chóng mặt , để cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm phần nào chi phí cho gia đình nhiều chị em đã chọn xe buýt làm phương tiện đi làm hàng ngày của mình. “Ngày trước mình vẫn đến công ty bằng xe máy. Tuy nhiên, từ ngày xăng tăng giá cộng với tiền sữa cho con, phí sinh hoạt như điện, nước …cũng đồng loạt tăng theo. Lại chuẩn bị thu phí xe cộ cá nhân thì mình chuyển sang đi xe buýt. Dù chất lượng xe buýt nước mình chưa thực sự đảm bảo nhưng đó cũng là 1 cách để mình giảm bớt chi tiêu trong thời kì bão giá như hiện nay. Đi nhiều rồi cũng thành quen. Xe buýt vẫn là lựa chọn của rất nhiều người. Hi vọng là chất lượng xe buýt sẽ ngày càng được cải thiện để chị em bớt “khổ” khi đi  xe buýt hơn.”.

Chia sẻ