Dân công sở tranh thủ đi lễ chùa ngày Rằm tháng 7
Trong dịp Rằm tháng 7, từ sáng tới chiều nhiều cơ quan, công sở khá vắng vẻ bởi nhiều người tranh thủ "trốn việc" đi chùa cầu xin may mắn, bình an, mong sức khỏe cho cha mẹ và gia đình.
Lễ Vu Lan- Rằm tháng 7 là một trong những ngày rằm quan trọng nhất trong năm. Theo quan niệm của nhiều người, ngày rằm tháng 7 được coi là ngày quan trọng. Việc đi chùa thắp hương khấn Phật, cầu siêu là điều mà ai cũng nên làm. Điều đó sẽ mang lại may mắn, an lành cho những người thân trong gia đình. Ngày rằm tháng 7 từ lâu đã được người Việt ta chọn là ngày lễ Vu Lan. Đây là thời điểm để con cái nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Ngày này, rất nhiều người đến chùa thành tâm cầu an sức khỏe cho đấng sinh thành.
Với lý do này, từ đầu tháng 7 Âm lịch, mọi người đã rục rịch rủ nhau tới chùa để lễ bái, thành tâm hiếu lễ nhưng phải tới đúng ngày Rằm này mới thấy các chùa, đền như Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Hà... (Hà Nội) hay chùa Vĩnh Nghiêm (Q.Phú Nhuận), chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) ở TP.HCM luôn trong tình trạng chật cứng người.
Chị Tuyết Mai (nhân viên một công ty bất động sản ở Bà Triệu) cho biết, dịp Rằm tháng 7 này nhiều nhân viên làm cùng cơ quan chị tranh thủ trong ngày này được sếp "châm chước" cùng nhau đi thăm thú, lễ bái mấy ngôi chùa để cầu bình an.
Khắp các lối vào trong chùa, người dân chen chúc xếp đồ lễ vái vọng. Ai ai cũng mong muốn một tháng 7 hạnh phúc, an lành.
Tương tự vậy, tại chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ... buổi trưa ngày 27/8, dân công sở đi chiêm bái, cầu cúng rất đông đúc.
Anh Văn Phương (Định Công, Hà Nội – một nhân viên chuyển phát) cho biết, từ đầu năm tới nay công việc làm ăn của anh không mấy thuận lợi, lại thêm tháng cô hồn nên anh mong lần tới chùa này, anh cầu xin phước lành, may mắn.
Còn theo chị Phương Nhung, nhân viên một công ty xây dựng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, từ mấy ngày trước đồng nghiệp của chị đã rủ đi chùa vào đúng ngày Rằm: “Biết là đi vào ngày này sẽ đông đúc nhưng đến xin vận may, cầu bình an đúng ngày được là tốt nhất”.
Một số hình ảnh được nhóm phóng viên ghi nhận được:
Ngay từ sáng sớm, chị em dân văn phòng đã tới phủ Tây Hồ thành tâm lễ bái
Chị Bích Phương (nhân viên 1 công ty về truyền thông) chia sẻ: "Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay như hương, hoa tươi, quả chín, oản… Không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh"
Ngày Vu Lan là ngày báo hiếu cha mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng.
Trong dịp lễ này, ai ai tới chùa cũng tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên
Không chỉ chị em, mà nhiều đấng mày râu cũng dành thời gian đến chùa thắp nén hương trong ngày Rằm tháng 7 này
Chị Thảo Nhiên (nhân viên văn phòng) cho biết, chị cùng đồng nghiệp đến chùa thành tâm thắp nén hương mong an lành cho cả gia đình
Nhiều chị em chuẩn bị hoa quả - đồ chay thành tâm kính lễ
Dù nắng nóng nhưng khuôn viên nơi trang nghiêm này vẫn rất đông người đến
Ai đến đây cũng đều thành kính mong cha mẹ mình khỏe mạnh
Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh không khí dân văn phòng tới chùa lễ bái cũng tấp nập không kém.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.Phú Nhuận) từ sáng đã có đông người dân đến viếng chùa ngày Rằm tháng 7
Đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Sài Gòn, thu hút nhiều khách thập phương. Trưa 28/8, nhiều chị em cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa, rời công sở đi viếng, lễ chùa.
Chị Quách Tú Anh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, đã xin phép sếp nghỉ trưa sớm hơn để vào chùa niệm kinh vu lan.
Tương tự, chị Lưu Thanh Thảo (32 tuổi) cũng phải xin nghỉ thêm giờ trưa. Chị mang theo bộ áo dài lên công ty để mặc lúc vào chùa.
Chùa luôn trong tình trạng đông nghịt người
Chị Ngọc My (28 tuổi) đã xin nghỉ giờ trưa để làm công quả trong chùa. Chị đang hứng hoa sa la rụng với hy vọng sẽ nhận được nhiều phúc lành.
Tại chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) cũng nhiều người đi lễ chùa, trong đó có nhiều chị em từ công sở ghé qua.
Dù khá bận rộn với công việc, nhưng các cô gái công sở cũng năng đến chùa ngày vu lan, thành kính lễ Phật.