Dân công sở học được điều gì từ tôn chỉ "kiếm tìm sự hoàn hảo" của Sơn Tùng M-TP?
Hoá ra, sự hoàn hảo mà ca sĩ Sơn Tùng M-TP nhắc đến không đơn giản như cách chúng ta vẫn nghĩ đâu nhé!
Sáng 18/12, tại TP.HCM, buổi họp báo của Sơn Tùng M-TP nhằm giới thiệu hoạt động, tầm nhìn và hành động của nam ca sĩ cùng công ty của anh đã diễn ra thành công, thu hút sự chú ý của truyền thông lẫn đông đảo khán giả. Không chỉ là một cuộc họp báo thông thường, Sơn Tùng đã chia sẻ nhiều chiến lược và quan điểm, dưới góc nhìn của một Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng - người đứng đầu Tập đoàn M-TP Entertainment.
Khép lại buổi họp báo, Sơn Tùng đã đưa ra tuyên ngôn của mình: "Mọi người hãy xem Tùng sẽ thay đổi như thế nào! Tôi chả bao giờ có suy nghĩ mình bắt buộc phải thắng. Nhưng tôi luôn tìm kiếm sự hoàn hảo. Tôi luôn khuyên mọi người hãy "uyên thâm" tất cả những việc mà bạn làm!".
Hoàn hảo là tôn chỉ hoạt động của chàng nghệ sĩ tài hoa. Nhưng đằng sau sự hoàn hảo, thành công là gì? Xuất phát từ một chàng trai 18 tuổi, chạy theo đam mê âm nhạc dù bị tất cả mọi người phản đối, Sơn Tùng M-TP đã không ngừng nỗ lực bằng mô hôi, nước mắt để có được “sự hoàn hảo” ngày hôm nay.
Bởi vậy, đừng quá ám ảnh với chủ nghĩa hoàn hảo mà bỏ qua những điều phía sau kể trên. Hãy nhớ rằng, hoàn hảo sẽ chỉ có được khi chúng ta đã làm đủ, dám thất bại để tiến xa hơn.
Đáng buồn là căn bệnh của chủ nghĩa hoàn hảo vẫn còn đó và khiến người trẻ, đặc biệt dân công sở mắc kẹt trong những dằn vặt, mặc cảm về bản thân!
Từ việc luôn đặt câu hỏi: “Tại sao mình không được như họ?”...
Trong sự nghiệp hay đời sống, chúng ta luôn tự xây dựng cho mình mục tiêu lấy cảm hứng từ những người thành công nhất: “Nếu họ làm được thì mình cũng vậy!”
Tham vọng của chúng ta có thể hình thành từ sự ngưỡng mộ dành cho người kiến trúc sư đã dựng nên một sân bay mới tuyệt đẹp cho thành phố, mê tài chính vì muốn được “ngầu” như những nhà đầu tư mạo hiểm tại phố Wall, theo nghiệp hát vì thần tượng một nữ ca sỹ nổi danh. Mộng tưởng, hi vọng càng lớn thì khi thất bại, nỗi tuyệt vọng sẽ càng nhiều. Chị em chỉ còn biết thở dài "Tại sao mình không được như họ?"
... cho đến sự thật không như mơ: Cái bẫy của chủ nghĩa hoàn hảo!
Chúng ta bị mắc kẹt trong một nghịch lý khó chịu: Dù những tham vọng của chúng ta được đốt lên bởi sự vĩ đại, ưu tú, thì tất cả những điều chúng ta nhận thức về bản thân lại thể hiện một sự kém cỏi. Để rồi chúng ta hoặc chấp nhận số phận, sống trong dằn vặt về cuộc đời hèn kém, hay nhiều khi nảy sinh tâm lý phản nghịch, trả thù đời, ghen tị với sự hoàn hảo của người khác...
Chúng ta đã rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa hoàn hảo, là sự khao khát cầu toàn đến mãnh liệt, mà không có hiểu biết đầy đủ hay chín chắn về những điều kiện cần thiết để đạt được điều đó.
Truyền thông có đang định nghĩa sai về khái niệm "hoàn hảo"?
Điều này cơ bản không phải lỗi của chúng ta. Truyền thông không tiết lộ, hay thậm chí là bỏ qua rất nhiều câu chuyện về cuộc đời tầm thường không nổi bật, năm tháng thất bại, bị từ chối và chán nản vốn có thể xảy đến với cả những người thành công nhất. Truyền thông đôi khi chỉ cho chúng ta biết về mặt tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất của một cá nhân những thời điểm đỉnh cao trong nghề nghiệp của họ.
Dần dần, có vẻ như là “ai nấy” cũng đều thành đạt, đơn giản vì tất cả những chuyện chúng ta được nghe kể thật sự là những câu chuyện thành công – và chúng ta đã quên mất không nghĩ tới rất nhiều giọt nước mắt cũng như tuyệt vọng phía sau.
Vai trò của sự thất bại trong cuộc sống
Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn về sự hoàn hảo. Ví dụ, chúng ta không nên chỉ nhìn vào những tuyệt phẩm nghệ thuật tại bảo tàng mà cần bước vào studio để xem những bản nháp thê thảm đầu tiên được vẽ trên giấy và đã bị người nghệ sĩ phá nát đi trong buồn bã.
Ca sĩ Sơn Tùng MTP khẳng định luôn kiếm tìm sự hoàn hảo, quả thực điều này không ai phủ nhận. Nhưng khái niệm hoàn hảo mà anh hướng đến, là sau khi đã nỗ lực hết mình, phấn đấu không ngừng, nếm trải cả thất bại để làm đủ, rồi mới làm hay. Chẳng vậy mà người ta có câu "Done is better than perfect." (Hoàn thành tốt hơn hoàn hảo).
Bạn cứ làm xong việc đi đã, rồi hẵng tính đến hoàn hảo. Hoàn hảo sẽ chỉ được xây dựng vững chắc dựa trên sự hoàn thành mà thôi.
(Tổng hợp)