Đám cưới “rước dâu bằng xe đạp, nửa đường bị thủng lốp” vẫn cười phớ lớ và hạnh phúc tới già như ai!

Giang Phạm (ghi),
Chia sẻ

Đang vi vu trong niềm hạnh phúc lâng lâng thì “bép”, một tiếng nổ khá to vang lên, và bàn đạp dưới chân ông Vấn thì nặng dần nặng dần. Ông ngó xuống đường, thôi, lốp xe xẹp lép rồi còn đâu!

Ông bà Vấn (Đại Từ, Thái Nguyên) năm nay đều đã ngoài 80 tuổi, con cháu đầy nhà, nhưng cứ mỗi dịp tâm sự lại chuyện ngày xửa ngày xưa là thể nào ông bà cũng phải vui miệng kể lại vụ đám cưới của đôi già từ hơn nửa thế kỉ trước. Mỗi lúc ấy, ông bà lại nắm chặt tay nhau, nhìn nhau trìu mến, khiến đám con cháu cứ gọi là được phen ghen tị đỏ cả mắt.
 
Ông Vấn bảo, thời bây giờ nhiều đám cưới rình rang, tiền tỉ, siêu xe, vàng đeo đầy người khiến ông bà hoa hết cả mắt. Chẳng bù cho thời ông bà - cái thời đáng nhớ mang tên “thời bao cấp” ấy, cuộc sống của người dân còn khó khăn vô cùng. Đám cưới ở quê đều cưới theo lối “đời sống mới”, cỗ chỉ có bánh kẹo, nước chè. Kẹo thì là kẹo vừng, kẹo bột, cùng nhâm nhi với nước chè xanh, nghe văn nghệ kiểu “cây nhà lá vườn”. Khách đến mừng cưới tặng đôi vỏ gối thêu 2 chú chim bồ câu mớm mỏ vào nhau, thêm 2 chữ hạnh phúc, thế mà cũng vui và rộn ràng đáo để.
 
Ảnh minh họa
 
Hồi ấy bà Vấn có tiếng là xinh đẹp, được một anh chàng phó tiến sĩ ở Nga về theo đuổi ráo riết lắm. Nhưng bà bảo, bà thôn nữ chân lấm tay bùn, không hợp với người trí thức ngời ngời như anh chàng ấy, nên nhất quyết cự tuyệt. Bà lại thấy ưng mắt ông Vấn ở làng bên hơn, dù nhà nghèo và ông cũng chẳng có tài cán gì nổi bật.
 
Gia tài của ông Vấn chỉ có con xe đạp cũ. Mỗi bận 2 người hẹn hò, ông lại còng lưng đạp gần hai chục cây số từ đầu làng mình sang cuối làng kia đến nhà bà Vấn. Ông Vấn cũng làm gì có tiền, vì thế đôi trẻ chỉ đèo nhau đạp xe đi mấy vòng hóng gió, có lúc cũng tấp vào gốc đa, triền đê chuyện phiếm rồi lại dẫn về.
 
Xe đạp của ông Vấn lại hỏng hóc như cơm bữa, xịt lốp, tuột xích là chuyện thường, nên mới ra cơ sự nhiều bữa đi hẹn hò về mà ông bà tả tơi như đánh trận, mồ hôi đầm đìa, mặt mũi, áo quần đều nhem nhuốc vì dầu mỡ ở xích xe.
 
Nghèo khó, thiếu thốn là thế, nhưng 2 người vẫn vui vẻ bước qua những ngày tháng ấy để đi đến đám cưới, danh chính ngôn thuận nên vợ nên chồng. Ngày cưới, nhà ông bà Vấn đều nghèo, vì thế làm gì có áo dài xúng xính như người ta, lại càng chẳng được váy cô dâu cài khăn voan, chỉ dám may một bộ quần áo tươm tươm với áo trắng, quần đen. Ngày cưới bà chỉ xõa tóc ra cho thêm phần điệu đà, chứ cũng không trang điểm, phục sức gì khác. Ông Vấn đến đón bà với bộ sơ mi - quần vải đóng thùng, dắt chiếc xe đạp quen thuộc, tay ôm thêm một bó hoa lay-ơn. Thế mà 2 người cứ nhìn nhau đắm đuối, thấy người kia đúng là chưa bao giờ đẹp hơn thế.
 
Cả thời gian yêu nhau, đèo nhau không ít lần nhưng chẳng lần nào bà Vấn ngồi sau dám ôm eo ông Vấn. Ngày đón dâu, bà mới đánh bạo đưa tay vịn nhẹ lên eo ông mà thôi, thế cũng đủ 2 người hồi hộp, tim đập thình thịch rồi. Bà Vấn biết, nhiều cô gái xinh đẹp khác lấy chồng giàu, được rước bằng xe Cup oách lắm, còn có cô hoa khôi xinh nhất làng lấy một chàng công tử trên phố huyện ngày cưới rước đi bằng xe hoa hãnh diện không để đâu cho hết. Nói ghét bỏ những vật chất giàu sang là nói dối, nhưng bà luôn tâm niệm “chồng em áo rách em thương”, vì thế dù đám cưới của mình có đơn sơ, nghèo nàn thì bà cũng không mảy may tủi thân.
 
Lại nói về lúc đón dâu, chú rể phải đèo cô dâu cũng không nhẹ nhàng gì cho cam, nhưng trong lòng lúc ấy ngập tràn hạnh phúc thì có đèo 2,3 bà Vấn ông cũng vẫn đi băng băng ấy chứ, sợ chỉ mong quãng đường cứ dài nữa dài mãi không chừng. Đang vi vu trong niềm hạnh phúc lâng lâng thì “bép”, một tiếng nổ khá to vang lên, và bàn đạp dưới chân ông Vấn thì nặng dần nặng dần. Ông ngó xuống đường, thôi, lốp xe xẹp lép rồi còn đâu!
 
Cô dâu phải tạm thời xuống xe, chú rể thì ngổi xổm săm soi, ngắm nghía cái lốp xe một hồi, cuối cùng phát hiện ra là thủng lốp! Mặt ông Vấn méo xệch. Đúng là cái xe phản chủ! Hỏng hôm nào không hỏng, lại hỏng đúng ngày trọng đại của ông bà! Hai người chẳng biết làm gì khác là phải ngồi vạ vật ở bên đường đợi đoàn rước dâu đi sau tới nơi để đổi xe khác. Ai bảo vừa nãy ông hăng máu, đạp xe nhanh quá bỏ xa bầu đoàn đưa rước cơ!
 
Đợi một lúc, dưới cái nắng chang chang, khi ông bà đã đầm đìa mồ hôi thì cuối cùng cũng được giải cứu. Đổi xe xong, ông Vấn lại tiếp tục gồng chân hoàn thành nốt hành trình “đưa nàng về dinh” của mình. Dường như ông trời đang thử thách sự kiên trì của ông bà khi vừa đi được một đoạn ngắn, chiếc xe lại “xoạch xoạch”, à cũng may là tuột xích thôi! Dừng lại lắp xích ngon nghẻ xong, đôi vợ chồng trẻ lại phăm phăm lao về đích, cũng may không còn chướng ngại vật nào nữa, cuối cùng tới được nhà trai an toàn!
 
Kỉ niệm “đau thương” hôm rước dâu không hề khiến ông bà nản chí, khiến bà Vấn buồn bực cảnh nghèo túng của chồng, mà nó lại là động lực để ông bà cố gắng chăm chỉ vươn lên, và làm tình cảm vợ chồng của ông bà càng thêm thắm thiết, mặn nồng.

- Ghi theo lời kể của ông Hoàng Văn Vấn - Đại Từ, Thái Nguyên -
Chia sẻ