Đắk Lắk: Bệnh tay chân miệng bùng phát, ngành y tế thiếu thuốc
Số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục gia tăng, không có dấu hiệu thuyên giảm. Trong khi đó, tại các bệnh viện tuyến dưới thiếu thuốc, khiến người điều trị gặp khó khăn.
Gia tăng số ca mắc, tử vong
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 14/9, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 1.200 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng với 21 ổ dịch, trong đó đã có 3 ca tử vong.
Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên đang điều trị cho khoảng 50 bệnh nhi. Theo lãnh đạo bệnh viện, so với năm ngoái, số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng từ 300 - 400% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số ca nặng và rất nặng nhập viện gia tăng 50%.
Thạc sỹ, bác sĩ Mai Ngọc Vũ, Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, năm nay, tình trạng bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh này đa số ca nặng. Bệnh nhi có các biểu hiện như sốt cao liên tục, giật mình nhiều, run tay chân… Bệnh nhi chuyển độ nặng rất nhanh, diễn tiến khó lường nên các bác sĩ phải dõi sát sao sức khỏe để xử lý kịp thời.
“Để điều trị các ca bệnh chân tay miệng mức độ nặng cần phải sử dụng thuốc Gamma Globulin. Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến huyện đều không có loại thuốc này. Hiện nay, do số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nên thuốc Gamma Blobulin đang hết , Bệnh viện đang sử dụng một số thuốc thay thế”, bác sĩ Mai Ngọc Vũ cho biết thêm.
Nguy cơ bùng dịch ở trường học
Ngày 8/9 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhi Y.C.M. (nam, 4 tuổi, trú tại xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) nhập viện theo dõi bệnh tay chân miệng độ IV. Dù được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng bệnh nhi đã tử vong cùng ngày.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó, gia đình phát hiện bé có các triệu chứng như sốt, kèm theo ho, khó thở, mọc mụn nước ở tay và chân. Gia đình đã cho bé uống thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm, sau đó đưa đến bệnh viện để chữa trị.
Bác sĩ Mai Ngọc Vũ khuyến cáo, hiện nay, đang mùa tựu trường nên các gia đình tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Vào năm học mới, trẻ chơi đùa, tiếp xúc với nhau nhiều hơn, tạo điều kiện cho dịch bệnh tay chân miệng lây lan, nguy cơ dịch bùng phát rất cao. Khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã tham mưu Sở Y tế có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế trong công tác truyền thông, điều tra, giám sát và thực hiện vệ sinh tại các lớp học... Với các ca mắc mới sau khi phát hiện, các đơn vị cần điều tra, khoanh vùng, khử khuẩn tại gia đình và trường học; đồng thời, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh và giáo viên tăng cường công tác vệ sinh.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC Đắk Lắk cho rằng, để bảo vệ trẻ trước dịch tay chân miệng trong mùa tựu trường, phụ huynh và nhà trường trường nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi cho trẻ. Đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ mắc bệnh cần cho nghỉ ở nhà để tránh tiếp xúc lây lan sang các bạn khác.