"Đại gia tỉnh lẻ" chiều con kiểu chơi ngông

Theo VnMedia,
Chia sẻ

Giống như lớp “người Nga mới” một thời, ở Việt Nam, thời gian gần đây cũng xuất hiện những cách tiêu tiền kiểu bất chấp dư luận, đặc biệt là dùng tiền để thoả mãn “tình thương” đối với con cái của các đại gia tỉnh lẻ...

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về vụ “đại gia phố núi” tổ chức một đám cưới được cho là phô trương một cách thái quá. Theo những gì mà người chứng kiến mô tả cũng như lời thú nhận của chủ nhân đám cưới tai tiếng này, nhiều người cho rằng, đây là cách tiêu tiền của một lớp người giàu mới nổi ở Việt Nam.

Trường hợp khoa trương đến mức như vị "đại gia" này là rất hiếm và chính vì thế, dư luận mới xôn xao bàn tán. Tuy nhiên, trong thực thế hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh, do lúc nhỏ phải sống trong khổ sở nên khi có điều kiện, họ tìm cách đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất cho con cái, kể cả điều đó vô lý đến đâu, miễn là đem lại cho con niềm vui tức thời.

Anh Nguyễn Minh Huấn sinh ra ở một vùng quê nghèo Nghệ An. Tuổi thơ anh phải trải qua những tháng ngày đói khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Quyết tâm thoát khỏi cái nghèo, anh lao đầu vào học tập và thi đỗ vào đại học Bách Khoa. Ra trường, anh làm việc cật lực để kiếm tiền và đã thực sự thành đạt với số tài sản không nhỏ. Tuy nhiên, hàng đêm anh vẫn toát mồ hôi khi phải trở lại những giắc mơ của một thời đói khổ. Chính vì vậy, anh đã dồn mọi thứ có được cho 2 đứa con của mình. Là một kỹ sư công nghệ và cũng là người mê công nghệ, bất cứ khi nào có sản phẩm công nghệ mới nhất, hiện đại nhất là anh đều mua cho con. Từ máy chơi game, điện thoại, iPhone, iPad cho đến máy nghe nhạc… anh luôn mua loại xịn nhất bất kể nhiều lời khuyên của đồng nghiệp cho rằng, điều đó có thể có hại cho con trẻ vì chúng còn quá bé.
 
Ý thức được sự chiều chuộng con của bố, con gái anh đã thể hiện mình là một “đại gia” ở lớp, khi quy tụ quanh mình 4 “đệ tử”. Có điều, khi bố mua cho mình cái gì thì ngay lập tức, cô nàng đòi bố phải mua 4 cái y hệt cho nhóm đệ tử của mình. Anh Huấn không những không trách mắng hay khuyên bảo mà ngược lại còn “khoe” với bạn bè rằng, con gái mình là người hảo tâm, rộng rãi.
 
Ảnh minh họa

Trong khi đó, một cặp vợ chồng “đại gia” khác cũng ở miền quê mới ra định cư tại Hà Nội lại có cách “chơi trội” riêng. Cặp vợ chồng ngày có 1 đứa con còn ở tuổi mẫu giáo. Cứ vào buổi tối, họ lại đưa con ra vườn hoa nhỏ trong khu tập thể để chơi. Tuy nhiên, vì vườn hoa này điện không đủ sáng nên họ đã mang theo chiếc ô tô BMW để nổ máy, vừa bật đèn, vừa bật nhạc cho con chơi. Trung thu năm ngoái, trong khi các bạn ở lớp được nhà trường tổ chức cho đi xem xiếc tại rạp thì gia đình đã thuê cả một “rạp xiếc” với các chú hề đến biểu diễn tại nhà cho con xem riêng. Bất cứ thứ gì, bất cứ ý thích gì có thể chiều được bằng... tiền thì họ đều đáp ứng cho con.

Tương tự, một chủ cửa hàng bán túi xách trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho biết, chị đã quá quen với cảnh tượng nhiều gia đình là “đại gia tỉnh lẻ” đưa con ra mua sắm tại cửa hàng của chị. “Với những chiếc túi hàng hiệu có giá vài chục triệu đồng mà họ cứ mua mỗi lần vài chiếc, như mình mua cái áo Tàu vài trăm ngàn vậy. Mà là mua cho những đứa con mới đang học phổ thông, còn chưa biết khái niệm kiếm tiền là gì mới chết chứ. Còn bé tí, thế mà bọn trẻ thuộc làu làu các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Không hiểu tiền ở đâu mà họ tiêu khiếp thế!” - chị chủ cửa hàng thốt lên.

Chia sẻ với VnMedia, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, cách tổ chức đám cưới cho con như của bà đại gia nói trên là một kiểu thách thức dư luận. “Trong hoàn cảnh Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế, có rất nhiều người đói, đặc biệt là ở vùng quê nghèo, thì cách khoa trương như vậy không thể chấp nhận được mà còn là một sự xúc phạm đến người dân nơi đây” - TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.

“Không thể nói là tôi có nhiều tiền, tôi thích làm kiểu gì là việc của tôi. Đây là một kiểu thách thức dư luận, là kiểu ứng xử mà ở Nga người ta gọi là “người Nga mới”, là lớp người mới nổi, tiêu tiền bất chấp dư luận, bất chấp những chuẩn mực về đạo đức để thoả mãn thói ngông cuồng của mình. Nếu chuyện này diễn ra ở Nhật trong giai đoạn này, tôi chắc chắn họ sẽ mời gia đình đó đi nước khác mà sống vì người Nhật có tính cộng đồng rất cao, còn người Việt thì hiền quá” TS Thái nói thêm.

Đặc biệt, theo bà Thái, tất cả những gì người lớn, người già làm đều ảnh hưởng đến con cái của mình. "Trong trường hợp này, chúng sẽ suy nghĩ ngay rằng: “tôi sẽ chẳng bao giờ phải làm gì, vì vàng đấy tôi cứ tiêu, nhà đấy tôi cứ ở, tôi việc gì phải làm gì?”

“Khác hẳn với những người giàu văn minh trên thế giới, cho dù người ta kiếm rất nhiều tiền, nhưng họ vẫn để con cái họ tự lập chứ không để lại cho chúng nhiều tiền bạc. Tiền kiếm được, người ta làm từ thiện. Còn con cái, chúng cũng phải biết từ chối. Khi tôi đi ra khỏi nhà tôi, tôi đã trả hết những gì của bố mẹ cho tôi, bởi vì tôi còn 4 đứa em. Mình làm thế, bởi vì mình là người tử tế, và mình được giáo dục kiếm những đồng tiền sạch. Trên thế giới cũng vậy, nhiều đứa con sẵn sàng nói rằng, tôi sẽ tự tay kiếm tiền!” - TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ
Chia sẻ