NSƯT Kim Xuân chia sẻ kinh nghiệm dạy con

Theo TGPN,
Chia sẻ

Chị Kim Xuân thừa nhận, chỉ vì quá thương con mà chị đã làm lỡ của con 4 năm dài. Chị hối hận: “Giá như tôi chịu lắng nghe con thì mọi việc sẽ không ra như vậy.

Khi học sinh THPT chuẩn bị nộp hồ sơ chọn ngành thi đại học cũng là lúc các bậc phụ huynh lo lắng cùng với con. Học trường nào, ngành gì là câu hỏi lớn với cả nhà. Không ít trường hợp cha mẹ buộc con chọn nghề theo ý mình và những mâu thuẫn, hậu quả vì thế mà kéo dài mãi.

Mải bắt con theo mình

NSƯT Kim Xuân kể lại câu chuyện chị đã ép con mình từ bỏ sở thích và đam mê. Chị tâm sự: “Là một nghệ sĩ, tôi hiểu nỗi khổ của những người theo nghiệp này. Có đứa con trai duy nhất, tôi không muốn con nối nghiệp mẹ. Tôi buộc con thi vào ĐH Bách khoa TPHCM. Con nghe lời tôi, cố gắng học hành, thi đậu vào ĐH rồi theo học. Con siêng năng và cần cù nhưng vui với ngành học thì không. Tôi cố lơ điều đó, miễn sao con có một nghề nghiệp và không làm nghệ sĩ. Thế rồi, đến năm thứ tư, con tôi tham gia đội văn nghệ của trường. Tôi như muốn điên lên vì việc đó. Tôi hoàn toàn không muốn cháu dính vào văn nghệ. Con tôi tốt nghiệp nhưng nói với tôi là con đã trả nợ cho mong muốn của mẹ, giờ xin phép mẹ cho con được làm theo những gì mình muốn. Ban đầu, tôi không hài lòng nhưng nghĩ đến sự buồn bã của con, về những gì con phải chịu nếu nó đi làm lĩnh vực không hề yêu thích, tôi cũng dần nguôi. Con tôi tự học hát, tự luyện thanh, từ chỗ hát rất bản năng, nghe không hay đến bây giờ con tôi đã hát được. Bên cạnh đó, cháu cũng học những khóa học về máy tính, phần mềm… Giờ đây, con tôi có nghề chính thứ nhất là sửa chữa máy tính cùng với nghề chính thứ 2 là làm ca sĩ”.

Chị Kim Xuân thừa nhận, chỉ vì quá thương con mà chị đã làm lỡ của con 4 năm dài. Chị hối hận: “Giá như tôi chịu lắng nghe con thì mọi việc sẽ không ra như vậy. Dù tôi rất may mắn khi có được đứa con ngoan và nghe lời cha mẹ nhưng nếu như tôi ít cố chấp hơn thì con tôi sẽ được sống với đam mê và năng khiếu của cháu sớm hơn”.
 


Gia đình nhỏ của NSƯT Kim Xuân

Tôn trọng và lắng nghe

Đôi khi vì thương con, phụ huynh dễ đưa ra những định hướng sai từ sự ngộ nhận của mình. Con cái vì không muốn bất hiếu nên nghe theo những gì cha mẹ sắp đặt mà không biết rằng chúng sẽ rất đau khổ và khó có một tương lai tốt nếu không thực sự đam mê nghề nghiệp ấy.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thư, Phó hiệu trưởng trường SaigonTech (phân hiệu duy nhất và chính thức của ĐH cộng đồng Houston, Texas, Mỹ tại Việt Nam) chia sẻ: “Tôi có 2 đứa con và tôi cũng mắc phải sai lầm như chị Kim Xuân với cô con gái đầu. Cháu không thích học tài chính ngân hàng nhưng tôi đã thuyết phục con. Cháu nghe theo đi học nhưng sau đó thì không hề thích thú gì với việc đi làm và thường bị stress. Cháu xin phép tôi cho đi học ngành truyền thông và cuối cùng, tôi đã đồng ý vì không thể làm khổ con mình mãi được. Sau khi mẹ chịu sửa sai thì con tôi cũng mất 3 năm học thạc sĩ và những đêm trắng học hành. Giờ, tôi rút kinh nghiệm với cô con gái thứ 2: Không ép con nữa mà lặng lẽ theo dõi để tư vấn cho con nghề nghiệp hợp với bản thân nhất”.
 

Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng: “Cha mẹ luôn có suy nghĩ mình cần làm những gì tốt đẹp nhất cho con và buộc con làm theo mình mà không nghĩ rằng việc làm ấy có thể gây tổn thương con. Con cái có đời sống của chúng và cha mẹ không thể sống thay cho con. Cha mẹ hãy làm điều tốt nhất cho con là giúp con định hướng nghề nghiệp: Cho con tham dự các cuộc trắc nghiệm khoa học, thử thách trong những môi trường khác nhau, thoải mái thể hiện năng khiếu rồi cùng con chọn lọc nghề nghiệp hợp. Phụ huynh nên nhớ rằng không thể nhân danh tình thương để bắt ép trẻ, vì có thể con sẽ miễn cưỡng nghe theo nhưng sự áp đặt đó có thể làm khổ con vì phải gắn bó với nghề nghiệp không yêu thích, không đam mê”.

 

Chia sẻ