Đại gia Nguyễn Thị Như Loan: Từ buôn gỗ phố núi gây dựng đế chế BĐS tiếng tăm, đến lùm xùm liên quan vụ án Trương Mỹ Lan, bị điều tra do sai phạm tại Bến Vân Đồn

Thảo Vân,
Chia sẻ

Trước khi dính lùm xùm liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan hay bị điều tra do sau phạm tại khu đất Bến Vân Đồn, bà Nguyễn Thị Như Loan là doanh nhân “số má” phố núi, tự gây dựng đế chế Quốc Cường Gia Lai.

Hơn 9h, trước cửa căn biệt thự màu trắng của gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, xuất hiện nhiều xe công vụ của Bộ Công an. Nội dung làm việc tại nhà bà Loan chưa được cơ quan điều tra công bố. 

Tuy nhiên, động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó, có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP HCM.

Đại gia Nguyễn Thị Như Loan: Tay buôn gỗ phố núi gây dựng đế chế bất động sản tiếng tăm, dính lùm xùm liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan, bị điều tra do sai phạm tại Bến Vân Đồn- Ảnh 1.


Trước khi bị điều tra, bà Loan từng là doanh nhân tiếng tăm tại phố núi. Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh năm 1960, quê gốc Phú Yên, vào Gia Lai để phát triển kinh tế mới. Những năm đầu thập niên 90, bà Loan hùn vốn cùng một người bạn mở xưởng sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. Đến năm 1994, nữ doanh nhân 6X sáng lập Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường Gia Lai – tiền thân của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG).

Ban đầu, doanh nghiệp này chuyên cung cấp các sản phẩm gỗ tròn, gỗ sẻ, gỗ chế biến… sau đó, mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác như trồng cà phê, điều, phân bón với hơn 500 lao động.

Đến năm 2005, bà Loan bắt đầu bén duyên với kinh doanh bất động sản. Hai năm sau, doanh nghiệp của bà Loan cổ phần hóa, tên gọi Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Từ đó, bà Loan đồng thời giữ chức Chủ tịch và Tổng giám đốc doanh nghiệp này trong 13 năm.

Trong giai đoạn đầu khi mới lên sàn, kết quả kinh doanh tích cực giúp cổ phiếu bay cao khiến bà Loan nhiều lần nằm trong nhóm những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh do bất động sản - ngành nghề kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn.

Năm ngoái, doanh nghiệp này ghi nhận cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều giảm. Lũy kế cả năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 432 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 3 lần so với năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Lợi nhuận gộp cũng lao dốc mạnh khi chỉ đạt 83 tỷ đồng, giảm 40% so với mức 137 tỷ của năm trước. Sau trừ đi tất cả chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Tới quý I/2024, tình hình doanh thu Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa đạt kỳ vọng. Doanh thu thuần chỉ đạt 39 tỉ đồng doanh thu, giảm 77% so với cùng kỳ và lãi ròng chỉ đạt gần 1,4 tỷ.

Theo giải trình, thị trường bất động sản khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo, vẫn đang trong quá trình sửa đổi hoàn thiện khiến doanh nghiệp này gặp khó, doanh thu lợi nhuận đều giảm.

Đại gia Nguyễn Thị Như Loan: Tay buôn gỗ phố núi gây dựng đế chế bất động sản tiếng tăm, dính lùm xùm liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan, bị điều tra do sai phạm tại Bến Vân Đồn- Ảnh 2.

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai rơi vào trạng thái "trắng bảng bên mua". Ảnh: Thảo Vân

Ngoài thách thức về tình hình tài chính, trước đó, hồi tháng 4, TAND TP HCM đã có bản án sơ thẩm liên quan đến vụ bà Trương Mỹ Lan. Theo bản án sơ thẩm này, QGC buộc phải trả cho bà Lan 2.882 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án; tiếp tục kê biên 475 bất động sản liên quan đến Công ty Quốc Cường Gia Lai để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Đến sáng nay, hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên của Bộ Công an và đại diện VKS đến nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai. Sau thông tin này, chốt phiên sáng 19/7, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai rơi vào trạng thái "trắng bảng bên mua", giảm kịch sàn về dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Chia sẻ