Đại dịch khiến số người di cư trên toàn cầu giảm khoảng 2 triệu trường hợp

Quỳnh Chi,
Chia sẻ

Theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc, đến giữa năm 2020, dịch COVID-19 đã làm giảm 2 triệu người di cư trên thế giới do lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại.

Con số 2 triệu người di cư trên thế giới giảm đi nói trên tương đương mức giảm 27%.

Clare Menozzi, tác giả chính của báo cáo, cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 15/1, số người di cư trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7 - 8 triệu người từ giữa năm 2019 đến giữa năm 2020. Tuy nhiên, do việc đóng cửa biên giới và các lệnh hạn chế đi lại được ban bố bắt đầu từ tháng 3, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên khắp thế giới, trong tháng 4/2020, việc di cư trên thế giới đã không diễn ra, số lượng người di cư quốc tế giảm 2 triệu người.

 - Ảnh 1.

Đến tháng 8/2020, hơn 80.000 lệnh hạn chế đi lại được áp đặt tại 219 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, ông John Wilmoth, Giám đốc Bộ phận Dân số của Liên Hợp Quốc, cho biết, vào tháng 8/2020, đã có hơn 80.000 lệnh hạn chế đi lại được áp đặt tại 219 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới. Trước đó, số lượng người di cư trên thế giới đã tăng mạnh trong hai thập kỷ qua. Ông Wilmoth cho biết, theo ước tính mới nhất, số lượng người di cư trên toàn thế giới đạt 281 triệu người vào năm 2020, tăng so với 173 triệu người vào năm 2000, chỉ chiếm 3,6% tổng dân số toàn cầu.

Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội tại Liên Hợp Quốc cho biết, báo cáo khẳng định rằng, di cư là một phần của thế giới toàn cầu hóa ngày nay và cho thấy, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến sinh kế của hàng triệu người di cư và gia đình của họ, làm suy yếu các kết quả hướng tới những mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

 - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến sinh kế của hàng triệu người di cư và gia đình của họ. (Ảnh: AP)

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch dự kiến sẽ làm giảm lượng kiều hối từ những người sống và làm việc ở nước ngoài gửi về các nước có thu nhập thấp và trung bình từ 548 tỷ USD trong năm 2019 xuống còn 470 tỷ USD vào năm 2021. Ông Wilmoth cho biết, dữ liệu thống kê cho thấy, gần 2/3 tổng số người di cư đang sống ở các nước có thu nhập cao.

Theo báo cáo, Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách điểm đến, thu hút 51 triệu người di cư quốc tế vào năm 2020, chiếm 18% tổng số người di cư trên toàn cầu. Đức đứng thứ hai, đón khoảng 16 triệu người di cư quốc tế, tiếp theo là Saudi Arabia với 13 triệu người, Nga 12 triệu người và Vương quốc Anh 9 triệu người.

Báo cáo cho biết, năm 2020, Ấn Độ đứng đầu danh sách các quốc gia có cộng đồng người di cư đông nhất với 18 triệu người Ấn Độ sinh sống ở nước ngoài, tiếp theo là Mexico và Nga, mỗi nước có 11 triệu người ở nước ngoài, Trung Quốc 10 triệu người và Syria 8 triệu người. Năm 2020, phụ nữ và trẻ em gái chiếm 48% tổng số người di cư, 12% tổng số người tị nạn trên thế giới, tăng so với mức 9,5% vào năm 2000.

Chia sẻ