Đại biểu Quốc hội bức xúc vì giá lợn 'nhảy múa'

KIÊN - DŨNG,
Chia sẻ

Đề cập đến câu chuyện giá thịt lợn trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 8/6, nhiều đại biểu cho rằng, đây là quy luật cung cầu, áp dụng hành chính là không hiệu quả nên người dân mới nói rằng “chỉ có lên tivi mới mua được thịt lợn giá rẻ”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dù bị ảnh hưởng của đại dịch, song lần này Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020. 

“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,8 - 7% năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách không thể thu được, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng theo các phương án”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Liên quan đến giá thịt lợn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận “vẫn căng thẳng”. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, khiến việc tái đàn gặp khó khăn.

“Dự kiến đến tháng 7, 8 sẽ đảm bảo cung ứng đủ thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hy vọng khi đó giá thịt sẽ hạ nhiệt”, ông Tiến cho biết.

ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, nền kinh tế hiện đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, nghĩa là chịu sự chi phối bởi cả bàn tay hữu hình và bàn tay vô hình. 

“Người dân nghe đài, đọc báo, xem truyền hình rồi cứ hy vọng giá thịt sớm giảm, song giá thực tế chỉ ngày càng tăng. Việc người dân thất vọng nói muốn mua thịt giá rẻ lên tivi mà mua hoặc là xuống Hà Nội mà mua cần phải được xem xét xem lỗi từ đâu, từ cơ quan điều hành hay từ người tiêu dùng”, ông Thưởng nêu câu hỏi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, chuyện giá thịt lợn mỗi lúc một “trên trời” bất chấp mọi biện pháp điều hành, tuyên bố để kéo giá thịt về mức 70.000 đồng/kg là một trong những vấn đề gây bức xúc, băn khoăn trong dư luận, cần phải xử lý. 

“Người dân bảo nhau, chỉ có thể lên tivi mới mua thịt lợn rẻ. Một số lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm là nguồn phân phối thịt lớn cũng phải chịu sự điều hành của nhà nước, phải bán giá thấp nhưng như vậy là chịu thiệt, chịu lỗ nhiều nhưng lúc lợn chết có ai hỗ trợ người ta đâu. Như vậy có phải là thị trường không”, ĐB Phong nói.

Chia sẻ