Đại biểu Quốc hội: Bữa ăn bán trú kém chất lượng là vô nhân tính với học sinh
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc để suất ăn bán trú không an toàn cho học sinh là đáng lên án và cần xử lý nghiêm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ lo ngại khi liên tiếp xảy ra các vụ học sinh ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn bán trú tại trường. Vấn đề đảm bảo suất ăn bán trú an toàn ở trường học cần được quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt ở thành phố lớn tập trung nhiều dân cư, khu công nghiệp.
Vì lợi nhuận mà giảm chất lượng là vô nhân tính
Tại cơ sở giáo dục hiện có hai hình thức tổ chức ăn bán trú là bếp nấu tại trường và ký hợp đồng với các đơn vị nấu ở ngoài rồi vận chuyển tới trường.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn nhà trường cần quy trách nhiệm cao nhất cho hiệu trưởng, tiếp đến là người phụ trách bếp và bên cung cấp phực phẩm, suất ăn cho trường học.
Hiệu trưởng không trực tiếp thực hiện các khâu nhập thực phẩm và kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào nhưng vẫn là người quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp. Vì vậy, cần quy trách nhiệm để hiệu trưởng tự giác làm việc nghiêm túc, trách nhiệm hơn với học sinh, phụ huynh.
Nhà trường đóng vai trò là người tiêu dùng, cần thường xuyên có ý kiến để giám sát, kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn hoặc nơi nấu ăn… Điều này sẽ bớt đi nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Đại biểu Việt Nga cũng lo lắng khi nhiều đơn vị cung cấp suất ăn/nhà bếp trong trường học vì lợi nhuận mà giảm chất lượng nguyên liệu thực phẩm đầu vào, nhập hàng tồn, hàng kém chất lượng để chế biến.
“Việc làm này được coi là vô nhân tính, bất chấp sức khoẻ trẻ nhỏ để đổi lấy lợi nhuận. Dù là bất kể lý do nào cũng không thể chấp nhận bởi hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Thực tế tình trạng này đã và đang diễn ra ở hầu khắp các nơi, nên rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của đơn vị về an toàn vệ sinh thực phẩm”, nữ đại biểu nói.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho biết, tất cả quy định, quy trình, chế tài xử phạt về an toàn thực phẩm, bữa ăn học đường đều rất chi tiết, cụ thể. Vấn đề ở đây là khâu tổ chức thực hiện ở các trường. Nếu hiệu trưởng và nhân viên phục vụ bếp ăn các đơn vị thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, sẽ không để xảy ra trường hợp đáng tiếc.
“Đây là vấn đề liên quan tính mạng con người, đặc biệt là trẻ em. Do vậy cần chế tài xử lý mạnh hơn nữa, nhất là hình sự hóa các hành vi cố tình sử dụng ngộ độc thực phẩm và gây ngộ độc cho học sinh”, bà Nga nói.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nga, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nêu, khó khăn nhất trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là kiểm soát chất lượng nguyên liệu. Dù đã thành lập, kiểm tra rất nhiều cơ sở, đơn vị nhưng vẫn để lọt nhiều lô hàng đông lạnh kém chất lượng nhập từ nước ngoài về.
“Cốt lõi nằm ở đạo đức của doanh nghiệp và người phục vụ bếp ăn bán trú. Họ bất chấp pháp luật, đạo đức, nhân tính để sử dụng thực phẩm giá thành rẻ vào trường học, nấu cho học sinh ăn”, đại biểu lo ngại.
Nghị định 115 của Chính phủ quy định rõ các mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo tính răn đe trong xã hội. Những vi phạm có thể bị xử phạt như nơi chế biến, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn;
Trong đó, mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng/cá nhân và 200 triệu đồng/tổ chức. Ngoài ra còn có mức phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chế biến, sản xuất, cung cấp thực phẩm,... tuỳ mức độ vi phạm.
Mức độ xử phạt này còn hơi nhẹ so với lợi nhuận bất chính mà các doanh nghiệp, bếp ăn thu được. “Đau đớn nhất là nhiều đối tượng chấp nhận nộp phạt để kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Do đó, cần biện pháp mạnh hơn như tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, hình sự hoá và tăng mức xử phạt” bà nói.
Có tình trạng bớt xén suất ăn?
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, mô hình tổ chức lớp học bán trú xuất hiện từ cách đây hơn 30 năm nhưng vài năm trở lại đâ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các vụ việc học sinh ngộ độc thực phẩm.
Trong số đó, hầu hết xuất phát ở các trường thuê đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp từ ngoài. Như vậy, vấn đề đang nằm ở các doanh nghiệp cung cấp suất ăn.
Bên cạnh việc suất ăn bán trú kém chất lượng về thực phẩm, ông Hoà cũng nhận thấy có "tình trạng bớt xén suất ăn và “đi đêm” giữa lãnh đạo doanh nghiệp với hiệu trưởng trường học".
Ông ví dụ, một suất ăn tính giá 35.000 đồng/học sinh, nhưng doanh nghiệp chỉ phục vụ 32.000 đồng/học sinh, số tiền còn lại được tính là tiền hoa hồng cho lãnh đạo trường. Cấp số nhân 3.000 với hàng nghìn học sinh, đó là khoản tiền không nhỏ. Đây cũng được coi là hành vi tham nhũng và cần xử phạt nặng khi phát hiện.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần tăng cường hơn công tác thanh kiểm tra các đơn vị cung cấp suất ăn và trường học để tìm ra kẽ hở, ngăn các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra như trường liên cấp Ischool Nha Trang - Khánh Hoà.
Khi xảy ra sự cố, nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn có trách nhiệm liên đới nhau, nên phải chịu xử phạt ngang nhau. Mặt khác, ông cũng chỉ ra trách nhiệm của chính quyền địa phương, không kịp thời phát hiện cơ sở nấu ăn kém vệ sinh an toàn thực phẩm, để xảy ra ngộ độc.
Số liệu thống kê năm học 2020 - 2021 cho thấy, cấp mầm non có 26.392 bếp ăn trên 55.335 cơ sở (chiếm 47,7%, gồm: 15.461 trường, 23.960 điểm trường và 15.914 nhóm lớp độc lập). Với cấp tiểu học, khoảng 5.000/15.000 trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, trong đó hơn 3.300 trường học có bếp ăn, hơn 700 trường dùng suất ăn công nghiệp. Các trường sử dụng suất ăn công nghiệp do đơn vị ngoài trường cung cấp chủ yếu ở các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM. Đà Nẵng…
Qua kiểm tra, Bộ GD&ĐT thống kê gần 40% số trường có bếp ăn bán trú chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, việc quản lý và giám sát bữa ăn học đường còn nhiều hạn chế.