Đặc sản kinh dị Sơn La: Cá nhảy tanh tách trong cổ họng
Gỏi cá nhảy Sơn La nghe tên thì kỳ thú vui tai nhưng khi chứng kiến tận mắt thì không ít thực khách “chào thua”. Nếu đủ can đảm vượt qua được cảm giác kinh hãi mà ăn thử một lần thì mới hiểu được vì sao dân nhậu Tây Bắc lại “mê” món gỏi cá này đến như vậy.
Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng có lẽ vậy mà các món ăn ở Sơn La mang những hương vị không trộn lẫn, đặc biệt là người Thái. Người dân nơi đây có văn hoá ẩm thực vô cùng phong phú và độc đáo. Từ các nguyên liệu quen như trâu nương, cá suối, người Sơn La sáng tạo ra các cách chế biến vô cùng lạ lùng cốt làm sao để giữ được hương vị tự nhiên của món ăn.
Nào trâu gác bếp, cơm lam, pa pỉnh tộp, mỗi món ăn đều ghi dấu trong lòng thực khách ghé chân nơi đây nhờ hương vị mới mẻ. Tuy nhiên có một món ít người biết đến mà lại đặc sắc vô cùng đó là gỏi cá nhảy.
Món cá nhảy tuy cách chế biến khá đơn giản nhưng lại kén người ăn nên không được phổ biến tại nhiều địa phương. Điểm khác biệt của món này chính là ở cách ăn rất lạ lùng. Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.
Theo người Thái ở Sơn La, loại cá ngon nhất để chế biến món cá nhảy là cá chép con. Chính vì vậy nên nhiều đến mùa lúa nước, khi bắt đầu là mùa cá chép đẻ trứng. Họ lấy trứng cá chép bám vào hoa lục bình thả vào ruộng, đến mùa lúa ra hoa, hoa gạo rụng xuống nước, và cá chỉ được ăn hoa gạo đó nên rất sạch. Đến khi lúa rộ bông, bà con bắt những con cá ở ruộng mang về chế biến món cá nhảy.
Muốn có món cá nhảy đúng chuẩn, người dân phải chọn loại cá được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá bắt về phải còn sống, thả vào chậu nước sạch thấy còn bơi khoẻ là đạt yêu cầu. Cầu kỳ hơn, có người đem cá rửa thật sạch xong ngâm vào chậu nước muối để cá tiết hết những thứ bẩn ở trong. Sau đó, họ mang ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần nữa.
Món gỏi ngon không thể thiếu gia vị ăn kèm. Gỏi cá nhảy phải ăn cùng lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng, ngọt và mùi thơm đặc trưng.
Chế biến thì đơn giản, nhưng khâu thưởng thức mới là thách thức với thực khách đến đây.
Để ăn gỏi cá, người ta bắt cá từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Mỗi người ăn dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức.
Chỉ nghe thôi nhiều người đã nhăn mặt kinh hãi, phải chứng kiến tận mắt thì còn sợ đến mức nào. Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó có thể tưởng tượng ra hương vị. Thêm nữa, cũng không nhiều người dám bỏ miếng cá sống vào miệng thưởng thức ngay lập tức.
Tuy nhiên với những thực khách sành ăn sẽ nhận ra ngay hương vị độc đáo nơi đầu lưỡi, đó là vị giòn, ngọt của thịt cá và vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Các gia vị sẽ làm át đi vị tanh của cá chỉ còn lại vị ngọt giòn, thơm và bùi của thịt cùng những loại rau đi kèm.
Món cá nhảy khá phổ biến trong những gia đình người Thái ở Sơn La, đặc biệt là những khi có khách quý. Đặc biệt người dân thường ăn gỏi cá nhảy vào buổi trưa với sự tham gia của đông người trong không khí ấm cúng, đoàn kết. Đây cũng chính là truyền thống văn hóa tốt đẹp luôn được đồng bào lưu giữ.
Nhiều người khi chứng kiến cách chế biến thì cho rằng đây là đây là món ăn thiếu an toàn vệ sinh. Tuy nhiên với đồng bào dân tộc Thái, đây lại là món ăn hiếm khi thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình, nó thể hiện bản sắc và văn hóa được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Vậy nên, nếu bạn là một thực khách sành ăn có đủ can đảm thì đừng ngần ngại xách balo lên Sơn La và thử ngay món đặc sản “kinh dị” này nhé.