Đặc điểm dễ dàng nhận thấy ở người có EQ thấp
Người có EQ cao thường dễ dàng đạt được mục tiêu, sự nghiệp lên như diều gặp gió. Ngược lại, người có EQ thấp vấp phải khá nhiều trắc trở và khó khăn.
EQ là viết tắt của Emotional Quotient, chỉ khả năng thấu hiểu, nhận biết, đánh giá và kiểm soát cảm xúc. Vào năm 1995, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về bộ não và hành vi Daniel Goleman đã chỉ ra rằng, chỉ số cảm xúc EQ mới là nhân tố chiếm đến 75% trong sự thành đạt của mỗi người. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người có EQ cao thường là những người có khả năng quản lý cảm xúc tốt, chịu được áp lực, bình tĩnh trước mọi tình huống. Còn những người có chỉ số EQ thấp, có khả năng sẽ gặp phải nhiều trắc trở, khó khăn trong cuộc sống và sự nghiệp
Theo verywellmind, dưới đây là các biểu hiện mà chúng ta có thể dễ nhận thấy ở những người có EQ thấp. Và nhìn vào thực tế, đây cũng là những đặc điểm thường thấy ở rất nhiều người.
Cho rằng bản thân luôn đúng
Những cuộc tranh cãi hàng ngày là việc khó tránh khỏi. Bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và thậm chí cả những người lạ cũng đã từng ngẫu nhiên bị lôi vào một cuộc tranh cãi.
Trong các cuộc tranh cãi, những người có EQ thấp thường sẽ tranh luận một quan điểm đến cùng, không chịu lắng nghe những gì người khác nói. Ngay cả khi bạn cung cấp cho họ bằng chứng rằng họ sai, họ vẫn cố gắng lập luận rằng sự thật của bạn là sai.
Không quan tâm đến cảm xúc của người khác
Nhiều người có EQ thấp dường như không để ý đến cảm xúc của người xung quanh. Họ có thể thực sự ngạc nhiên khi đối tác giận mình hoặc đồng nghiệp không thích họ. Không chỉ vậy, họ còn cảm thấy khó chịu khi người khác muốn biết họ đang cảm thấy thế nào.
Đổ lỗi cho người khác
Một điều mà một người có EQ thấp sẽ không làm là tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Khi xảy ra sự cố, phản ứng đầu tiên của họ là tìm ai đó hoặc điều gì khác để đổ lỗi. Họ luôn giải thích rằng họ không có lựa chọn nào khác cho những gì họ đã làm và những người khác chỉ đơn giản là không hiểu hoàn cảnh của họ.Ví dụ, nếu họ đọc trộm tin nhắn của bạn, họ sẽ cho rằng lỗi là do bạn khi để điện thoại không khóa.
Kỹ năng đối phó kém
Người có EQ thấp không có khả năng đối phó với các tình huống cảm xúc. Với người có EQ thấp, những cảm xúc mạnh mẽ dù là của người khác hay chính họ đều là thứ khó hiểu. Và họ thường tránh xa những tình huống này để tránh phải đối mặt với những cảm xúc đó. Việc che giấu cảm xúc thật cũng là dấu hiệu của người có EQ thấp.
Gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc
Những người có EQ thấp thường không giỏi kiểm soát cảm xúc thậm chí phải "đấu tranh" để hiểu cảm xúc của chính mình. Họ có thể phản ứng dữ dội, tức giận mà không hiểu họ đang thực sự cảm thấy như thế nào hoặc tại sao họ lại khó chịu như vậy.
Người có EQ thấp thường bộc phát cảm xúc bất ngờ, bị "thổi phồng" quá mức và không thể kiểm soát được. Những vấn đề nhỏ nhặt cũng khiến họ cảm thấy căng thẳng.
Khó xây dựng các mối quan hệ
Những người có EQ thấp thường có rất ít bạn thân. Bởi tình bạn thân thiết đòi hỏi sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu cảm xúc của nhau, đây lại là những đặc điểm mà những người có EQ thấp thường thiếu. Vậy nên những người có EQ thấp có rất ít mối quan hệ thân thiết. Bên cạnh đó, người có EQ thấp còn thường tỏ ra khó gần.
Muốn trở thành người điều hướng của cuộc trò chuyện
Những người không thông minh về mặt cảm xúc có xu hướng thích chi phối, điều hướng và muốn trở thành trung tâm của các cuộc trò chuyện. Ngay cả khi họ đang đặt câu hỏi và tỏ ra chăm chú lắng nghe nhưng thực chất họ lại luôn tìm cách chuyển hướng cuộc trò chuyện.