Đã có CCCD gắn chip, vì sao vẫn cần tài khoản định danh điện tử?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Nhiều người thắc mắc vì sao đã được cấp căn cước công dân (CCCD) rồi nhưng vẫn cần đăng ký tài khoản định danh điện tử; thẻ CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử có gì khác nhau?

Từ ngày 20/10/2022, Nghị định 59/2022 có hiệu lực, công dân Việt Nam chính thức được sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện một số giao dịch hành chính, dân sự. Với mức độ 2, tài khoản định danh có giá trị tương đương với thẻ căn cước công dân gắn chip (CCCD).

Dù vậy, nhiều người vẫn thắc mắc tài khoản định danh điện tử và thẻ CCCD gắn chip có gì khác nhau; đã cấp CCCD rồi vì sao vẫn cần đăng ký tài khoản định danh điện tử và trong nhiều trường hợp, dù đã đăng ký tài khoản định danh điện tử nhưng người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính?

Đã có CCCD gắn chip, vì sao vẫn cần tài khoản định danh điện tử? - Ảnh 1.

Với mức độ 2, tài khoản định danh có giá trị tương đương với thẻ căn cước công dân gắn chip (CCCD). Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc vì sao đã được cấp căn cước công dân (CCCD) rồi nhưng vẫn cần đăng ký tài khoản định danh. Ảnh minh họa.

Bộ Công an cho biết, hiện nay định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực vẫn chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân như CMND, CCCD hoặc hộ chiếu.

Mặt khác, tài khoản định danh điện tử có hai mức độ. Nhưng thông tin công dân tích hợp ở 2 mức độ này hoàn toàn khác nhau.

Mức độ 1 bao gồm các thông tin: số định danh cá nhân, họ tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 và vân tay.

Đối với mức độ 1, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để chứng minh các thông tin cá nhân đã được tích hợp vào tài khoản.

Ngoài số định danh cá nhân, họ tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính và ảnh chân dung, mức độ 2 của tài khoản định danh điện tử bao gồm: Tích hợp thông tin thẻ CCCD gắn chip từ hệ thống CCCD Quốc gia; Tích hợp thông tin các giấy tờ tùy thân và thông tin người phụ thuộc và nhóm thông tin các Bộ, Ngành; Dịch vụ an sinh xã hội; Chia sẻ thông tin đã được định danh điện tử.

Đối với mức độ 2, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD (hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài) khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD.

Tài khoản mức độ 2 còn có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Chính vì vậy, khi các loại giấy tờ khác của công dân chưa được đồng bộ lên, người dân vẫn cần xuất trình thẻ CCCD vật lý hoặc các giấy tờ vật lý khác để chứng minh, xác thực thông tin.

Đã có CCCD gắn chip vì sao vẫn cần đăng ký tài khoản định danh điện tử?

Bộ Công an cho hay, tài khoản định danh điện tử được xác thực thông tin trên môi trường điện tử (khác biệt với thẻ CCCD vật lý), giúp công dân làm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được đảm bảo của Bộ Công an, nhất là dịch vụ công trực tuyến.

Tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là “ví giấy tờ điện tử”, là phương thức quản lý thông tin CCCD hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Mục đích nhằm thực hiện các dịch vụ công mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân của người đó.

Với tài khoản định danh điện tử, mỗi cá nhân sẽ có một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng, nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm…

Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như lâu nay.

Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.

Chia sẻ