Cứu sống em bé bị u nang ống mật chủ nhờ phương pháp mổ nội soi bằng rô bốt

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Một em bé người Lào đã được các bác sĩ bệnh viện nhi Trung ương, Việt Nam cứu sống khỏi bệnh u nang ống mật chủ bằng phương pháp mổ nội soi bằng rô bốt.

Nguy hiểm khi tự ý dùng thuốc nam chưa bệnh cho con

Đó là trường hợp của bệnh nhi Hoàng Thị Pheng (5 tuổi), ở bản Nà Leng, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Anh Hoàng Văn Phuông (35 tuổi, bố bé Pheng) không nói được tiếng Việt, mọi cuộc trò chuyện phải thông qua một người phiên dịch - ân nhân đã đưa bố con anh sang Việt Nam chữa bệnh. 

Theo lời kể của anh Phuông, khoảng 2 năm trước, cháu Pheng có dấu hiệu bị da vàng, chướng bụng, người gầy gò hay ốm. Anh chỉ nghĩ trẻ con vùng nông thôn như con mình đứa nào cũng dễ bị giun nên cho là không nguy hiểm, lớn lên sẽ tự hết. Hơn nữa, vì gia đình nghèo không có tiền nên anh chỉ mua thuốc nam cho cháu uống. 

Sau một thời gian uống thuốc nam, cháu hay bị chảy máu mũi, mỗi ngày 1- 2 lần. Thậm chí có hôm máu chảy ra đường hậu môn.

Mặc dù rất lo lắng cho con nhưng cả hai vợ chồng đều làm ruộng, không có tiền nên không dám đưa con đến bệnh, đành bất lực nhìn con đau đớn.

Anh Thiện - người đàn ông có thể gọi ân nhân cứa mạng của bố con anh Phuông cho biết, khi thuyết phục gia đinh anh Phuông đưa con đi viện, anh Phuông vay mượn được hơn 10 triệu. Đến viện nghe bác sĩ nói cháu bệnh nặng, phải mổ, sợ tốn tiền, anh Phuông nằng nặc đòi đưa con về. Các bác sĩ vận động, thuyết phục, thậm chí quyên tiền ủng hộ, gia đình Phuông mới đồng ý để con ở lại điều trị.

mổ nội soi bằng rô bốt
Bệnh nhi Hoàng Thị Pheng và bố sau ca mổ. Ảnh M.T

Ca mổ khó đối với bác sĩ

Chia sẻ căn bệnh cháu Pheng, TS Phạm Duy Hiền - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa, bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân. Pheng  nhập viện ngày 17/3 trong tình trạng suy kiệt nặng, chỉ còn da bọc xương, toàn thân cháu vàng ệch như nghệ, hai mắt cũng nhuốm màu vàng sậm. Đặc biệt bụng cháu chướng to lên phềng, ấn vào đâu cháu kêu đau chỗ đó.

Để xác định rõ nguyên nhân, các bác sĩ cho làm tất cả các xét nghiệm. Chụp phim cho thấy gan, lá lách to. Đặc biệt có khối u nằm lệch, choán hết 1/2 bụng phải của bệnh nhân. 

"Làm thêm một số xét nghiệm sâu, chúng tôi nhận thấy trẻ có biểu hiện tình trạng tắc mật cơ học rõ, men gan tăng cao. Chúng tôi đi đến kết luận cháu bị u nang ống mật chủ trên nền sơ gan túi mật", TS Hiền cho biết nói.

Với tình trạng bệnh này, phẫu thuật là phương pháp duy nhất có thể cứu được bệnh nhi. Tuy nhiên, sức khỏe của trẻ quá yếu, các bác sĩ đã phải tiến hành hồi sức truyền máu, truyền đạm, thuốc bổ để cháu có sức khỏe tốt mới tiến hành  phẫu thuật được. Đến ngày 26/3, ca mổ được tiến hành.

TS Hiền cho biết thêm, đây là ca mổ khó, kíp mổ phải thực hiện trong hơn 6 giờ liên tiếp bằng kỹ thuật mổ nội soi bằng rô bốt, cắt nang và nối mật ruột cho bệnh nhân theo kiểu Roux-en-Y. Vấn đề được đặt ra là, bệnh nhi có thể trạng quá yếu (5 tuổi mà chỉ có 14 kg), khối u to chứa tới 1,5 dịch mật, thành nang viêm dính, hoại tử mặt sau vì thế nguy cơ chảy máu trong mổ, nguy cơ rò mật sau mổ là rất cao. 

Với trường hợp này, mổ mở cũng gặp phải những nguy cơ như trên, ngoài ra do tổn thương nặng, khối u quá lớn nên rất dễ tổn thương các cơ quan lân cận.

"Sau khi hội chẩn, chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được ca bệnh này. Hơn 6 tiếng thực hiện, chúng tôi lấy ra được khối u có đường kính lên tới 12cm. Hiện tình trạng sức khỏe của cháu vẫn còn yếu, tuy nhiên tỷ lệ thành công lên tới 80%. Mạng sống của cháu hoàn toàn được đảm bảo”  - TS Hiền nhấn mạnh.

Kỹ thuật nội soi bằng rô bốt mang lại nhiều thuận lợi

TS. BS Phạm Duy Hiền cho biết, mổ nội soi bằng rô bốt là phương pháp mổ nội soi mới bệnh viện nhi Trung ương vừa áp dụng, phẫu thuật rất nhẹ nhàng khi sử dụng kỹ thuật nội soi bằng rô bốt, bởi nó mang lại nhiều thuận lợi, an toàn hơn so với phẫu thuật nội soi thông thường. Phẫu thuật viên nhìn qua hình ảnh 3D, các mạch máu, cấu trúc giải phẫu nhìn rất rõ nét nên mọi động tác rất chính xác. 

Hơn nữa, khớp của rôbốt có thể quay được 540 độ (cổ tay của bác sĩ không thể xoay được như khớp rô bốt) nên có thể luồn vào mọi ngóc ngách để phẫu thuật mà ít gây xâm lấn, ảnh hưởng đến những vùng xung quanh nhất, giảm thiểu tốt nhất thương tổn cho bệnh nhi.

BS Hiền cũng cho biết, phẫu thuật bằng rô bốt dựa trên nguyên tắc của phẫu thuật nội soi, các vết mổ bé. Nhưng ưu điểm nổi bật của phẫu thuật bằng rô bốt là bệnh nhân ít đau do mổ. 

Đặc biệt, rô bốt có các khớp di động linh hoạt, giúp cho việc thực hiện động tác khâu nối dễ dàng hơn rất nhiều... Vì vậy, rô-bốt còn hữu ích cho việc nạo hạch trong các ca phẫu thuật khối u ở ổ bụng hoặc lồng ngực… và hiện đang áp dụng kỹ thuật này cho các bệnh lý gồm bệnh nang mật chủ, trào ngược dạ dày thực quản, tạo hình bể thận, phình đại tràng bẩm sinh… Các bác sĩ hy vọng trong tương lai có thể thực hiện được tất cả các kỹ thuật nội soi bằng rô bốt hiện đại.

Cho đến thời điểm này, bệnh viện đã tiến hành mổ nội soi cho 600 ca, mổ rô bốt 60 ca (trong đó mổ nội soi bằng rô bốt ống mật chủ là 20 ca). Tỷ lệ thành công của phương pháp này hiện lên tới trên 90%, BS Hiền cho biết thêm.

TS. BS Phạm Duy Hiền khuyến cáo: Nguyên tắc điều trị u nang mật chủ là phải điều trị theo phương pháp ngoại khoa. Vì thế, người dân tuyệt đối không uống thuốc nam. Ngay khi có những dấu hiệu đau bụng, sốt, vàng da người bệnh cần được đến viện để được khám và điều trị kịp thời.   
Chia sẻ