Cuốn nhật ký sờn rách và điều đặc biệt làm nên hạnh phúc của đại gia đình

VV,
Chia sẻ

Tình yêu và 45 năm hôn nhân của ông bà đã truyền rất nhiều động lực, niềm tin và cảm hứng cho con cháu.

Để định nghĩa về 2 từ "Gia đình" có lẽ chỉ cần ngắn gọn: Chẳng bỏ rơi ai và luôn yêu thương nhau vô điều kiện. Có rất nhiều gia đình như thế, không chỉ gói gọn trong 1 nơi nào đó mà người ta vẫn gọi là Nhà, bởi dù cách xa nhau, dù mỗi người mỗi nơi nhưng 2 tiếng gia đình vẫn thân thương, gần gũi.

Hồng Hạnh (27 tuổi, Hà Nội) gọi đại gia đình cô là “những người có đôi chân không mỏi”, họ không đi xa mà họ đi về phía nhau và cùng nhau tạo ra những chuyến đi rực rỡ.

Cuốn nhật ký sờn rách và điều đặc biệt làm nên hạnh phúc của đại gia đình - Ảnh 1.

Hồng Hạnh gọi đại gia đình cô là “những người có đôi chân không mỏi”

Dường như khoảng cách địa lý đã không còn quan trọng với gia đình Hạnh, vì tháng nào họ cũng sẽ tụ họp ít nhất 2 lần không cần nhân dịp ngày gì.

Nền tảng hạnh phúc của đại gia đình Hạnh trong mắt cô có lẽ là tình yêu của ông bà Hạnh. Tình yêu ấy truyền cảm hứng cho con, cháu, xây móng vững chắc cho 1 đại gia đình luôn bền chặt, đoàn kết.

Cuốn nhật ký tình yêu vô giá

Trong 1 ngày ý nghĩa - ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Hạnh bồi hồi lật dở từng trang nhật ký của ông ngoại - thứ tài sản vô giá mà bà cô đã giữ suốt mấy chục năm qua.

Cuốn nhật ký đặc biệt của tình yêu người lính, không có thời gian cụ thể, chỉ có tấm lòng chân thành và tình cảm sâu sắc không phai màu theo dấu vết thời gian.

Một ngày mùa hè năm ấy…

Tôi đã yêu Thảo thật sự rồi ư? Nghĩ lại tôi thấy mình vô duyên quá, chẳng hiểu người ta có yêu mình hay không mà cũng dám thổ lộ. Chẳng phải thế đâu, tôi vẫn nghĩ rằng tôi và Thảo - những con người có cùng cảnh ngộ, cuộc đời cũng tái tạo cho tôi và Thảo những ý nghĩ giống nhau. Tôi đã đến với Thảo bằng tình yêu trong sáng nhất của người con trai. Tôi hiểu Thảo và tin Thảo. Còn Thảo, tôi mong rằng em hãy chấp thuận những ý nghĩ và mong muốn ấy của anh.

Một ngày cuối hạ nắng vàng ngọt trong mắt người si tình…

Lần đầu tiên tình yêu đến với mình, mình thấy xốn xang và lâng lâng thế nào ấy. Mình đến với Thảo vụng về quá. Em bỏ qua cho anh nhé, lần đầu tiên nó vẫn thường thế mà. Nhưng em đừng cho rằng như vậy là anh quá vội vã, bồng bột nhé. Anh hiểu đây là cái mốc cuộc đời cho nên từng viên gạch đặt xuống đó phải được gọt giũa.

Cuốn nhật ký sờn rách và điều đặc biệt làm nên hạnh phúc của đại gia đình - Ảnh 2.

Ngày buồn, tháng nhớ, năm thương…

Làm sao mà tả xiết được nỗi lòng tôi trong lúc này. Tôi đón nhận tình yêu của Thảo như 1 đứa trẻ mới ra đời đón nhận những gì mới mẻ, trong sáng của cuộc đời. Tôi ngỡ ngàng quá, phải chăng với tình yêu tôi còn quá ngây thơ. Tôi không thể ngờ rằng một con người bình thường như mình lại có được cái hạnh phúc lớn lao ấy. Tôi thầm cảm ơn Thảo, Thảo đã hiểu tôi, đến với tôi bằng tình yêu chân chính và trong trắng của người con gái. Tôi nguyện không bao giờ phụ bạc.

Chắc hẳn đến đây cô gái nào cũng ước có 1 chàng trai si mê mình đến thế. Thời ông bà Hạnh tình yêu đến nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng phải mất cả tháng họ mới dám thẹn thùng thổ lộ.

Cho đến năm khi đã là vợ là chồng, những dòng nhật kí ấy vẫn mùi mẫn ngọt ngào: “Những năm tháng sống hạnh phúc bên Thảo tôi lại càng yêu và hiểu Thảo hơn. Tôi biết rằng yêu tôi Thảo sẽ phải khổ nhiều, sẽ phải vất vả hơn bởi vì tôi chỉ là 1 người lính bình thường như bao người khác. Thế nhưng em vẫn đến với tôi bằng tình yêu thật sự xuất phát từ trái tim. Tôi hiểu được sự hy sinh, chịu đựng vô bờ đó của em. Tôi càng tin em và thương em nhiều…”.

Vợ chồng ông bà có 4 người con: 3 gái, 1 trai đều thành đạt, ổn định

“Chàng trai si tình” tuổi 70 cũng có lúc bị vợ đòi ly hôn

Ông Quang (70 tuổi) và bà Thảo (66 tuổi) kết hôn từ năm 1978. Hôn nhân đã qua hơn 4 thập kỷ nhưng tình cảm của ông dành cho bà vẫn nguyên vẹn như ngày đầu.

Hạnh chia sẻ: “Ông bà không kể nhiều về chuyện ngày xưa nhưng nhìn cách ông bà chăm sóc nhau là đủ hiểu tình cảm họ dành cho nhau như nào. Dù hiện tại chỉ có ông bà sống ở quê, còn các con cháu đều đã có gia đình riêng và sống ở thành phố khác nhưng đại gia đình vẫn thường xuyên liên lạc, hỏi han và quan tâm cuộc sống hàng ngày của nhau. Ông bà biết sử dụng mạng xã hội, gọi video call để nói chuyện, cập nhật tình hình với mọi người.

Những dịp lễ, Tết, mọi người đều tranh thủ sắp xếp công việc để gặp nhau, khi thì ở nhà ông bà, khi thì ở nhà của các con cháu. Vào ngày sinh nhật hay kỷ niệm, mẹ mình và các dì, cậu đều cố gắng gửi quà về cho ông bà như lẵng hoa hay bộ quần áo, giày dép mà ông bà thích”.

Trong mắt Hạnh và các thành viên trong gia đình, ông là người tình cảm nhưng ít khi thể hiện. “Ông bà cho đi rất nhiều và đều nói với con cháu rằng đừng tặng nhiều cho ông bà vì xót tiền con cháu. Dù các món quà ông không dùng hay không thích cũng vẫn bọc cẩn thận, treo trong tủ, mà mặc đi mặc lại chiếc áo sờn vải nhiều năm khiến mọi người phải nài nỉ ông mặc những bộ đồ mới đi. Mình nghĩ không phải ông không thích mà vì ông trân trọng, luôn muốn những bộ đồ bà và các con tặng không bị cũ đi”.

Không có tình yêu nào là tuyệt đối, cũng không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo nên sẽ có lúc vợ chồng không tránh được cãi vã. Nhưng những cuộc cãi vã của ông Quang, bà Thảo cũng rất đáng yêu.

Cuốn nhật ký sờn rách và điều đặc biệt làm nên hạnh phúc của đại gia đình - Ảnh 5.

Cả nhà thường xuyên đi du lịch cùng nhau

“Một lần bà làm tôm ăn với ông, do răng yếu nên ông không ăn được đầu tôm. Bà hờn dỗi và đòi ly hôn. Dù bên ngoài là một chuyện rất nhỏ nhưng với ông bà đã ở bên nhau nhiều năm thì nhiều khi những vấn đề nhỏ nhặt cũng trở nên quan trọng. Tuổi già thường hay suy nghĩ và dễ tủi thân mà. Lần đó mọi người trong nhà đã cật lực ‘dỗ’ để bà nguôi giận”, Hạnh kể lại.

Nền tảng hạnh phúc là tình yêu đẹp được lan tỏa

Tình yêu và 45 năm hôn nhân của ông bà đã truyền rất nhiều động lực, niềm tin và cảm hứng cho con cháu.

Anh Hợi (Quảng Ninh) cho biết: “Làm con rể của bố mẹ 11 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông bà to tiếng hay dùng những lời lẽ thiếu tôn trọng nhau. Nhìn vào tình cảm của bố mẹ 2 bên vợ chồng tôi cũng bảo ban, cư xử với nhau, với con cái, với người thân chan hòa, yêu thương.

Bố vợ tôi là người hướng nội, 2 bố con rất hay đi café, ngồi nhậu, ông thích kể chuyện hồi đi bộ đội, về những điều tích cực để con cháu noi theo chứ không bao giờ than vãn. Hồi vợ chồng tôi khó khăn về kinh tế, ông bà cũng giúp đỡ với phương châm: ‘Bố mẹ không tiếc các con điều gì cả’. Nhìn tấm gương ông bà nên cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi cũng chưa từng xảy ra xung đột nào lớn”.

Cuốn nhật ký sờn rách và điều đặc biệt làm nên hạnh phúc của đại gia đình - Ảnh 6.

Gia đình anh Hợi - chị Huyền (con gái thứ 3 của ông bà Quang - Thảo)

Còn với 1 người thuộc thế hệ gen-z, năng động và sôi nổi như Hạnh thì bà ngoại đôi lúc giống 1 người bạn, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu nền văn hóa của giới trẻ.

“Ông bà rất ủng hộ mối quan hệ của mình với người yêu, thường xuyên hỏi han tình hình hai đứa, thậm chí là giục cưới nữa. Chính vì sự thoải mái này mà mình không ngại chia sẻ chuyện tình cảm với gia đình. Mình cũng rất thích cách ông bà luôn đồng hành cùng tất cả thành viên dù mỗi người sống ở 1 nơi. Khi vợ chồng các con xảy ra hiểu lầm, ông bà sẽ gọi điện khuyên nhủ rất nhẹ nhàng, không bao giờ gay gắt. Nhiều lần cảm thấy khuyên từ một phía thôi chưa đủ, ông bà sẽ nhờ mọi người trong nhà cùng hỗ trợ, thậm chí ông bà sẽ xuống thăm các con cháu hoặc lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi bất ngờ”.

Chỉ cần chúng ta bên nhau, hạnh phúc vui vẻ thì ngày nào cũng sẽ là ngày gia đình. Cho dù xã hội có hiện đại đến đâu, cuộc sống khó khăn 4 bề hãy luôn nhớ, tình yêu gia đình là nơi đón bạn trở về.

Chia sẻ