Cưới vội vì... "không thể đợi thêm nữa"

,
Chia sẻ

Sinh năm 1986, nếu học xong mới cưới thì không được tuổi vì “26 là tuổi kim lâu”. “Hội bạn học cùng Phổ thông đã kết hôn gần hết, con cái lớn cả rồi".

Không thể đợi thêm nữa

Học năm cuối trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trang quyết định lên xe hoa theo chồng vì “không thể đợi thêm nữa”. Nếu học xong, lại chờ hợp tuổi thì biết đến bao giờ nên bọn mình quyết định... cưới luôn”, Trang tâm sự.

Kết hôn xong, Trang vẫn đi học và cô thấy hạnh phúc vì cuộc sống không quá thay đổi so với trước. “Lợi” hơn là thay vì phải xin tiền ăn học của bố mẹ đẻ hàng tháng, giờ Trang được chồng (đã đi làm)... nuôi. Ngoài thời gian trên lớp, Trang vẫn có thể thu xếp ổn thỏa việc nhà, chăm sóc cho mái ấm của hai người.
 

Thanh Huyền đang học CĐ Sư phạm Thái Nguyên cũng ở tình trạng tương tự. Học xong Trung cấp Sư phạm, đang chuẩn bị học tiếp liên thông lên Cao đẳng thì Huyền nhận lời cầu hôn từ bạn trai. Đám cưới tổ chức bất ngờ khiến bạn bè tò mò, thắc mắc: Có “chạy” gì không sao phải vội thế? “Nhiều bạn học ở xa, khi mình gọi điện mời cưới cứ hỏi đi hỏi lại là có thật không, hoặc lại có vấn đề gì sao mà cưới vội thế? Bạn của bố mẹ mình cũng lạ và thắc mắc vì mình vẫn đang đi học mà”.

Giống như Trang, dù “theo chồng” nhưng Huyền vẫn tiếp tục đến trường. Hai người đã “cam kết”: Đến khi Huyền nhận bằng, có việc làm ổn định mới tính chuyện sinh con.

Khó trăm bề

Thực tế, không phải ai cũng may mắn như Trang và Huyền. Nhiều bạn gái lấy chồng khi đang học đồng nghĩa với việc phải chấp nhận bỏ “cuộc chơi”. Lan, sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH&NV Hà Nội vì lỡ có thai nên đã bảo lưu kết quả học tập 1 năm để lấy chồng và sinh con. Trở lại trường học tiếp, Lan chia sẻ: “Nghỉ học một thời gian dài rồi trở lại thấy ngại lắm, kiến thức đã “bay đi” ít nhiều. Rồi việc nhà, chuyện con cái... đã khiến mình phải quyết tâm lắm mới học tiếp được vì lúc nào cũng thấy thiếu thời gian và cảm thấy mệt mỏi vô cùng”.

Chưa hoàn thành 4 năm ĐH thì Lê Hà, sinh viên năm cuối trường ĐH Văn hóa, đã vội vã lên xe hoa. Đám cưới lẽ ra đông vui và ý nghĩa hơn nếu Hà không “ăn cơm trước kẻng” và đã có thai tới hơn 3 tháng. Bởi vậy, Hà chỉ mời những người thân trong gia đình và vài người bạn thân tới dự. Cô có vẻ ngại ngùng với bạn bè khi đã nhìn khá rõ bụng lùm lùm dưới lớp váy cô dâu. Hà phải xin bảo lưu kết quả học tập 1 năm cho việc sinh nở và trên khuôn mặt trẻ trung hiện rõ một nét buồn “không biết có còn được học tiếp không khi vợ chồng mình đều đang là sinh viên, khó khăn trăm bề, lại còn phải lo cho con cái nữa”.

Ngay cả những nữ sinh viên may mắn như Trang và Huyền, lấy chồng rồi được chồng nuôi ăn học cũng phải thừa nhận vừa hài hước vừa chân thật: “Bảo vui, hạnh phúc cũng đúng nhưng sự thật là lấy chồng khi đang học khá vất vả. Những ngày gia đình có giỗ, tết hay những ngày lễ, con dâu trong nhà không thể vắng mặt được. Khi đó chỉ còn cách nghỉ học mà nghỉ nhiều thì ảnh hưởng đến kết quả học tập”.

Đừng vội vàng để ngày trọng đại của cuộc đời cũng là lúc phải “chuốc” lấy sự lo lắng, muộn phiền... Cuộc sống vợ chồng bắt đầu khi kinh tế, kinh nghiệm sống chưa có sẽ rất dễ biến tình yêu mật ngọt thành... “địa ngục trần gian”.
 
Theo TGPN
Chia sẻ