Cưới thì cưới, sợ gì!

,
Chia sẻ

“Bỗng dưng rồi họ lớn” rồi “Bỗng dưng rồi họ yêu”, nhưng khi họ “Bỗng dưng cưới” lại tạo ra nhiều hệ lụy.

Trung tâm tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP.HCM, vừa tập hợp được 324 trường hợp đã chia tay để tìm hiểu lý do tại sao “Yêu nhau tha thiết vậy mà mới có 2 năm, hai người đã chia tay, gia đình phải giải tán?”. Hơn 65% cho biết: “Vì yêu thì đủ đô rồi, nhưng cưới thì còn... non”. Cũng như cây ra quả non, không thể ăn được, những cái tổ non tay thiết kế được xếp vào loại hàng... dễ vỡ. Cưới non không phải bị ép gả sớm, cũng không phải cưới khi chưa yêu nhau thật sự, mà lấy nhau rồi lại không biết sống sao cho đẹp lòng nhau. Ly hôn rồi cũng không biết tại sao mình ly hôn.

Trước khi lập gia đình, Trúc Nhi, một nhân viên ngành xuất bản, sưu tầm một kho tàng “ca dao tục ngữ ” về chủ đề tâm sinh lý, ứng xử... Người giúp cô đắc lực là bà ngoại. Người xưa uyên bác lắm, mới để lại cho hậu thế những kết luận không cần phải chứng minh lại: “Cơm sôi bớt lửa”, “Lạt mềm buộc chặt”...

Cô yên tâm về nhà chồng, đóng một lúc cả 3 vai: vợ, con dâu và chị chồng. Thế nhưng, vai nào cô cũng đóng... dở ẹc, vì cô chỉ thuộc tục ngữ, ca dao, chứ có bao giờ thực hành đâu! Ở nhà với mẹ, được cưng như trứng mỏng, mắc mớ gì mà cô phải “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, việc gì cô phải đắn đo “lời nói không mất tiền mua”... Vậy là trong gia đình chồng, cô cứ phải gồng mình “chiến đấu” với mẹ chồng, em chồng... rồi thất bại một cách thê thảm.
 

Ông xã cô cảm thấy bà xã mình vẫn xinh đẹp, nhưng vụng về quá, nói chuyện với mẹ chồng thiếu tiếng “dạ thưa”, thiếu cả tình thương. Đã vậy, mỗi lần chồng “sôi sục”, bà vợ chẳng những không bớt lửa, mà còn chế dầu vào củi, mấy lần sém... cháy nhà.

Sau khi thấy lấy chồng là... bể dâu, Trúc Nhi nhận ra mình chỉ biết lý thuyết thôi chưa đủ, mà phải biến mọi thứ mình biết thành việc làm hàng ngày. Khổ cho cô vợ trẻ lại phải nhận thêm một vai làm mẹ mới thấy thật xót xa. Ngày nào cô còn độc thân, ở với mẹ không chịu khó học các kỹ năng gia đình, cách đối nhân xử thế, để có thể sống hòa thuận, biết điều với gia đình chồng. May mà Nhi nhận ra “đời thay đổi, khi ta thay đổi”, nên cố gắng vận dụng... tục ngữ ca dao vào đời sống, mặc dù đó là chuyện “nói dễ, làm mới khó”.

Khác với trường phái “biết mà cũng như không”, thì một số đông hơn cứ tưởng mình biết rồi. Không thể nói rằng các đôi tình nhân chẳng biết gì về việc xây nhà, dựng tổ. Bởi các phương tiện truyền thông rất nhanh nhạy trong việc cung cấp và hỗ trợ thông tin. Tuy nhiên, đến lúc lấy nhau không thể áp dụng được kinh nghiệm của thiên hạ vào gia cảnh của mình. Như chị Ngọc Chung, nhân viên siêu thị, đọc báo thấy một bà vợ bỏ về nhà mẹ ruột, ông xã chạy theo năn nỉ, Chị cũng copy y chang, chồng chị cũng theo, nhưng lại cầm theo lá đơn ly hôn (!?).

Nhưng không ít các cô gái trẻ ngày nay thường rất thờ ơ: “Cưới thì cưới, sợ gì! biết chi cho mệt, chuyện gì đến sẽ đến!”. Thấm nhuần tư tưởng “tầm bậy” đó, nên Thúy Chinh, một nhân viên ngành đường sắt, không cần biết nấu ăn, không cần biết dọn dẹp nhà cửa, không cần biết lên kế hoạch thu chi, cũng không cần nghiên cứu tâm lý đàn ông, trẻ nít, cô đơn giản nghĩ rằng “Yêu nhau là đủ rồi!”. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, cô bắt đầu thấy bơ vơ, vì cái tình cứ nhẹ dần đi, cái nghĩa thì chưa đầy, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử... thì không có. Cô đòi ông xã ra riêng để dễ dàng xây tổ uyên ương. Nhưng cái tổ cứ ngày càng lạnh ngắt, vì bà vợ làm biếng, ông chồng ham chơi.

Cũng trong cuộc khảo sát của Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Thể chất (TP.HCM), không ít người sau khi trở lại cuộc sống độc thân đã có lời nhắn nhe với các bạn trẻ: “Không có nhà thì đi thuê được, chứ đâu có mướn được ai làm “tổ” cho mình. Vì thế, trước khi lập gia đình, các bạn đang yêu cần phải học cách xây dựng hạnh phúc gia đình”.
 
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ