Vừa cưới xong đã... chán

,
Chia sẻ

Lần đầu thấy chồng tháo nhẫn cưới, ném lên mặt bàn, Hoa đã đòi chia tay. Nghĩ chồng chẳng coi cuộc hôn nhân ra gì nên Hoa nghĩ: ‘Bỏ là đúng’.

Hoa (Từ Liêm, Hà Nội) mới cưới hôm trước, hôm sau đã cãi nhau với chồng. Chồng Hoa cáu, tháo rồi ném nhẫn cưới. Hoa yêu cầu chồng đeo lại nhẫn. Anh xã không nghe. Hoa dỗi, nhặt nhẫn cưới, dọn đồ về bên ngoại, đòi viết đơn ly hôn. Hoa cho rằng, nhẫn cưới là kỷ vật thiêng liêng. Chồng đã ném đi, nghĩa là không còn yêu vợ.

Còn Diệp (Thanh Hóa) lần đầu tiên nghe chồng xưng là: “Cô… tôi” thì thất vọng nặng nề. Cô lý luận: “Mới kết hôn được 2 tháng, anh đã gọi ‘cô – tôi’. Thế thì sau 2 quý nữa sẽ chuyển thành ‘mày – tao’ chắc”. Diệp có thể bỏ qua nhiều tật xấu của chồng nhưng cái kiểu ăn nói bỗ bã là cô ghét nhất. Theo Diệp, dù tức nhau đến mấy cũng phải xưng hô tôn trọng. Diệp buồn và thấy ân hận khi lấy người đàn ông này làm chồng.

Minh Anh (quận 2, TP HCM) chán chuyện chăn gối vì chồng lười… cắt móng tay. Khi yêu, chồng Minh Anh luôn tỏ ra sạch sẽ. Lấy nhau rồi, anh thích để móng dài tự nhiên. Nó còn kiêm luôn cả việc ngoáy tai, ngoáy mũi và gãi. Mỗi lần “hành sự”, nhìn thấy mấy cái móng tay đen đen của anh xã là Minh Anh “tắt lửa lòng”. Giận chồng âm ỉ nên cô chẳng còn hào hứng chuyện đó.

Chuyện của Trà (Hải Phòng) còn đáng tiếc hơn. Đúng 2 ngày sau khi cưới, vợ chồng cãi nhau to. Vợ bảo: “Tôi đúng”. Chồng cãi: “Tôi mới đúng”. Thiếu kiềm chế, Trà lớn tiếng: “Tôi thật hối hận vì bước chân về cái nhà này”. Khổ nỗi, Trà “mạnh mồm” ngay trước mặt bố mẹ và vài người họ hàng nhà chồng. Những ngày sau đó, Trà cảm thấy nhà chồng cố giữ khoảng cách với cô, dù chỉ nóng giận nên cô mới nói thế, chứ không có ý gì.
 

Chuyện ‘thường ngày ở huỵện’

Hôn nhân không phải là kết thúc đẹp của một chuyện tình mà là cánh cửa để hai người bước vào một giai đoạn mới - sống chung. Người mình yêu, tha thiết muốn được làm vợ, xuất hiện trước mắt bỗng dưng như hoàn toàn xa lạ, phô bày đầy đủ những tật xấu khiến người vợ tưởng chừng không chịu được. Không ít người vợ có cảm giác như vừa trèo cây rồi bị ngã hoặc lên võ đài phải nhận một cú đấm chí tử. Thế là hầu như những chuyện lục đục của vợ chồng mới cưới đều phát sinh từ đó.

Ngay cả những chị em được chuẩn bị tâm lý từ trước cũng vẫn bị “hẫng”. Lý thuyết là thế nhưng khi phải đối mặt, cảm giác bị tổn thương là không tránh khỏi. Khi yêu, đối phương toàn phô cái đẹp trong hình thức, trong lời ăn tiếng nói… Kết hôn rồi, các anh xã trở về đúng bản chất. Chưa kể, có anh “ở bẩn” hoặc ăn nói cục cằn. Phụ nữ vốn nhạy cảm và hay suy diễn nên càng dễ bị tổn thương.

Tiếp đến là cái tôi của chồng – cái tôi của vợ, quan điểm sống, thói quen sinh hoạt của hai bên cứ “vênh” nhau. Người vợ chỉ muốn chồng phải kê cho vừa với lòng mình (như hồi yêu nhau, lúc nào cũng được chiều). Trong khi đó, người đàn ông lúc này muốn giữ ghế “thượng phong”, tức là muốn vợ phải chấp nhận bản thân mình.

Có đôi ngày nào cũng cãi nhau ào ào, ngày nào cũng tháo, rồi lại nhặt nhẫn cưới mà sau đó, vẫn hòa thuận. Có đôi sau một năm chung sống thì thấy hơi buồn vì… hết chuyện để cãi nhau. Thời gian trôi qua, hai bên hòa hợp, biết thông cảm cho nhau thì tần suất “chí chóe”, đòi ly hôn cũng giảm.

Nếu ngày đầu chung sống có điểm bất ổn thì cần bình tĩnh trình bày quan điểm. Đôi bên tránh đề cao bản thân và tuyệt đối không xúc phạm nhau. Khi người này nói thì người còn lại cần lắng nghe. Quan trọng là tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn và làm lành nhanh. Cãi nhau nhiều, không ai chịu ai thì lại sinh chán ghét, bồ bịch cũng nguy.
 
Theo Me&be
Chia sẻ