Cuối năm lạc vào "ngôi làng phụ nữ" kỳ lạ ở An Giang: Đến đi chợ cũng trùm kín mà nụ cười thì dễ thương quá đỗi!
Câu chuyện xoay quanh phụ nữ ở ngôi làng này chắc hẳn sẽ đem tới sự thú vị cho những ai có đam mê khám phá văn hóa.
Một sáng cuối năm, chúng tôi đến làng Chăm Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang theo sự gợi ý của những thương hồ Châu Đốc.
Nếu không biết trước mà bắt gặp cảnh phụ nữ đội đầu bằng khăn Mat'ra, đàn ông mặc xà rông, xa xa là thánh đường Hồi giáo, tôi còn tưởng mình đang ở… vùng Trung Đông.
Nơi phụ nữ đi chợ cũng... trùm kín
Nghe nói ngày trước, phụ nữ làng Chăm Đa Phước không được ra ngoài mà chỉ quanh quẩn trong nhà làm nội trợ, dệt vải, không được đeo vàng.
Nếu muốn ra đường phải che mặt và có một người nam trong gia đình đi theo. Nhưng bây giờ cuộc sống được cởi mở và hiện đại hơn, phụ nữ có thể ra ngoài làm việc, có tiếng nói trong gia đình.
Đó cũng là lúc mà cảnh tượng độc đáo ở vùng đất nằm dọc sông Hậu này xuất hiện. Cứ bước ra đường là thấy "ninja"!
Đi chợ trùm kín bưng.
Tiếng rao bán hồ hởi thu hút tầm mắt của chúng tôi. Bên một tấm bạt trải dưới lề đường, cô Sa Rack (50 tuổi) đang kiểm tra độ tươi ngon của mấy con cá vừa bắt dưới sông. Kiểm tra, nhưng mặt vẫn bịt theo tục lệ của người Chăm theo đạo Hồi.
Phía bên cạnh, tiếng ý ới mời khách của một phụ nữ khác cũng vang lên. Không mời cá như các bạn hàng bên cạnh, chị mời mua... chim bìm bịp. Chúng tôi lắc đầu, bởi không biết sau khi lấy về sẽ làm gì.
Cứ thế dọc con đường làng, nếu bạn may mắn lạc vào phiên chợ sớm của người Chăm sẽ thấy đâu đó những thứ rất quen mà lạ. Quen vì nụ cười và sự hồn hậu mộc mạc của người miền Tây, còn lạ vì... cả người mua lẫn người bán nếu là phụ nữ đều trùm kín đầu.
Hiếu khách, cô Sa Rack mời chúng tôi về nhà mình chơi, cách chợ không xa.
Những nụ cười Chăm từ con nít đến người lớn đều đáng yêu.
Nhà cô cũng như hầu hết các ngôi nhà lân cận, đều là nhà sàn lót ván. Cô cho biết con cái mình đi làm xa, hiện bản thân sống bằng nghề bán quần áo, đồ may vá để nuôi cháu nhỏ.
Ngày trước theo phong tục, cô không được đi làm, chỉ ở nhà lo cơm nước. Một mình người chồng đi làm nuôi cả nhà. Giờ thì cuộc sống ngày một hiện đại nhưng cũng khó khăn hơn, nếu chỉ để chồng lo thì chẳng mấy mà túng quẫn.
Người Chăm ở Đa Phước được biết đến là những "bậc thầy" dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp nơi. Trước đây, nhà nào cũng có vài khung dệt để làm trang phục bán cho cộng đồng trong làng và khách du lịch.
Phụ nữ Chăm có những tục lệ rất riêng.
Nhưng khi vải công nghiệp giá rẻ xuất hiện, số lượng dệt cũng theo đó mà ít dần đi. Hiện nay, chỉ còn vài nhà duy trì dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch tham quan, mua sắm.
Dạo quanh Đa Phước, có thể nhìn thấy dọc hai bên đường trồng rất nhiều loại hoa sặc sỡ, đồng loạt khoe sắc dưới nắng xuân. Giữa thời tiết đẹp miền Nam, làng Chăm Đa Phước đơn sơ trở nên tươi sáng, cảnh sắc nơi đây rất dễ khiến người ta mê mẩn.
Với chúng tôi, được ngắm nhìn hình ảnh những cô gái làng Chăm trong chiếc xà rông, đầu đội khăn thướt tha bước đi, tự nhiên thấy một chiều cuối năm bình yên đến lạ.
Nhà của Sa Rack cao hơn mặt đường, sau bếp là mặt sông đầy gió lộng nhưng lại không có bàn ghế làm khách thắc mắc.
Cô nói người Chăm thường ngồi hẳn dưới sàn nhà trong các sinh hoạt thường ngày, không cầu kỳ việc ăn uống phải ngồi trên bàn. Vì ngồi dưới sàn nhà khiến họ cảm thấy thoải mái hơn.
Một ngày tụng kinh 5 lần
Rong ruổi trên con đường xanh miên man màu lúa dẫn đến trung tâm xã Đa Phước, chúng tôi ngẩn ngơ khi nhìn thấy những khu thánh đường đầy huyền bí ở chốn này.
Thánh đường Hồi Giáo dường đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Chăm theo đạo Islam tự bao đời.
Thánh đường Hồi giáo là nơi đàn ông Chăm sinh hoạt tín ngưỡng.
Nổi bật giữa khung trời rực nắng ở An Giang, thánh đường Masjid Al-Ehsan không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của hơn 2.000 người dân làng Chăm Đa Phước.
Chốn tâm linh này còn thu hút du khách thập phương, các tay săn ảnh yêu thích vẻ lôi cuốn độc đáo. Nơi đây được trang trí chủ yếu bởi hai gam màu trắng và xanh ngọc.
Ở đó, người ta bắt gặp những mái vòm cao rộng, những khung cửa in hoa văn viền cách điệu, những biểu tượng trăng lưỡi liềm cùng nhiều đường nét sắc sảo khác.
Một sự hòa quyện độc đáo như mang trong một hơi thở huyền bí được truyền lại từ ngàn năm trước.
Người Chăm có nhiều ngày lễ khác nhau. Một ngày của họ gần như bị nghi thức cầu nguyện chiếm hết thời gian với 5 lần lễ chia đều từ sáng đến tối.
Mỗi lần đi lễ họ đều khoác lên mình chiếc xà rông đặc trưng của đạo.
Thứ sáu hàng tuần chính là đại lễ lớn của cộng đồng Hồi giáo. Nhưng trong ngày lễ này, phụ nữ phải ở nhà không được đến thánh đường, chỉ có nam giới mới được tham dự.
Cả phụ nữ và đàn ông Chăm theo đạo Hồi đều cầu nguyện mỗi ngày 5 lần.
Làng Chăm Đa Phước đã tồn tại được 120 năm. Họ di cư từ Campuchia, Malaysia đến sinh sống tại miền biên viễn An Giang.
"Trẻ em Chăm ngày xưa thường không biết tiếng Việt, nhưng với sự phát triển của xã hội hiện nay, các em có thể nói rành rọt từ lúc học mẫu giáo. Người dân ở đây thường dùng tên các vị thánh để đặt tên cho con cái để cầu bình an" - cô Sa Rack chia sẻ thêm khi được hỏi về phong tục của dân tộc.
Trải qua nhiều thế hệ, người Chăm sử dụng tiếng Việt sỏi và cách sinh hoạt hằng ngày không khác người Kinh nhiều. Nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, vẫn thường giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc của mình.
Trẻ con từ mẫu giáo hiện nay cũng được cho đi học tiếng Chăm. Đó là cách để ngôi làng này vẫn tồn tại giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, mặc cho sự thay đổi của thời cuộc.
Và nụ cười của phụ nữ Chăm thì vẫn duyên dáng và đậm đà chất miền Tây, hút hồn du khách chỉ ngay lần đầu gặp mặt.