Chuyện tình của "đôi đũa lệch" đất An Giang": Đám cưới Rich kid cách đây 24 năm, cô dâu mặc đến 10 váy cưới, ảnh chụp 5 Album
"Hồi đó, tổ chức tiệc đến hơn 40 bàn, trong khi phần đa chỉ có khoảng mười mấy, hai chục bàn đó. Mẹ mặc đến hơn 10 cái váy cưới và cả áo dài nữa", Hoàng chia sẻ.
Mỗi câu chuyện tình yêu của thế hệ ba mẹ như mở ra cho giới trẻ một khía cạnh khác nhau về yêu đương ngày xưa. Có những cặp nghèo thật nghèo lấy nhau, nhà tranh mái lá nhưng vẫn hạnh phúc. Có cặp mẹ xinh như hoa khôi, cưới bố như tài tử nhưng lại chẳng thể sống với nhau đến lúc "đầu bạc răng long".
Cậu bạn Hoàng Po đã khoe những bức hình chụp trong đám cưới của ba mẹ 24 năm trước và một câu chuyện tình tuyệt đẹp.
"Đôi đũa lệch" được chắp cánh tình yêu khi bố vợ mở lời!
Ba mẹ Hoàng hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Châu Đốc, An Giang. Ngày xưa, ba cậu là bác sĩ thú y. Cũng vì cơ duyên nghề nghiệp này mà ba gặp được mẹ.
Hoàng kể: "Nhà ngoại mình ngày xưa nuôi nhiều lợn lắm nên hay ra trạm thú y nhờ bác sĩ vào kiểm tra. Cứ đi ra đi vào nhiều nên vô tình ba để ý con gái rượu của chủ nhà.
Ngày đó, mẹ xinh lắm và là con cưng trong nhà nên rất chảnh. Ai chọc ghẹo hay tán tỉnh mẹ cũng không quan tâm đâu. Ba thích mẹ nhưng không dám nói, chỉ tới lui trong nhà thăm ông bà và bà cố. Ba cũng để ý xem ông bà ngoại và bà cố thích ăn gì cứ đi công tác là mua về luôn, lấy lòng phụ huynh bài bản lắm đó.
Một thời gian sau ông ngoại thấy thương ba quá nên hỏi thẳng là ba để ý ai trong nhà. Ba 'được lời như cởi tấm lòng', nói luôn là có ý với mẹ. Ông bà khi đó cũng hỏi ý mẹ, bất ngờ là mẹ cũng có tình cảm với ba. Vậy là hai bên gia đình gặp nhau, ông bà ngoại cho phép tìm hiểu, đi lại".
Cả nhà nội và nhà ngoại của Hoàng đều là những gia đình có kinh tế khá giả trong vùng thời điểm đó. Bởi vậy, tình yêu của đôi trẻ cũng được hai bên ủng hộ nhiệt tình.
Hoàng chia sẻ: "Ông bà nội mình ngày trước là giáo viên, nhà ngoại có lò bánh in nổi tiếng cả thị trấn hồi ấy. Tuy vậy, ba chẳng nhờ vả gì gia đình mà cứ tự lập, gây dựng sự nghiệp riêng thôi đó.
Ngày xưa ba gầy nhom nhưng mẹ thì rất xinh, xinh nổi tiếng vùng đó nên mọi người hay đùa và gọi là 'đôi đũa lệch'".
Sau một thời gian qua lại, ba mẹ Hoàng cũng làm đám cưới để về chung một nhà. Tháng 7/1995, lễ cưới chính thức diễn ra với quy mô "hiếm có" ở quê lúc ấy.
Hoàng chia sẻ thêm về lễ thành hôn của bố mẹ ngày ấy: "Bây giờ ông ngoại vẫn kể lại cho mình về đám cưới ngày xưa. Đó là niềm hãnh diện của ông bà đấy. Nó được tổ chức hoành tráng nhất nhì ở quê.
Nhà ông bà nội cũng rất tự hào vì khi ấy ba tự tổ chức đám cưới của mình, chẳng phải nhờ cậy gì cả. Hồi đó, tổ chức tiệc đến hơn 40 bàn, trong khi phần đa chỉ có khoảng mười mấy, hai chục bàn đó. Váy cưới thì mẹ lên tận Sài Gòn thuê chứ không mượn ở quê đâu. Mẹ mặc đến hơn 10 cái váy cưới và cả áo dài nữa.
Album ảnh chụp đám cưới của ba mẹ cũng đang giữ đến 5 cuốn. Chi phí để tổ chức mẹ cũng không nhớ nhưng là con số lớn ngày xưa. Hồi đó, nhà ngoại đi mua đồ rồi thuê thợ nấu cỗ toàn bộ chứ gia đình chẳng đụng tay vào.
Đám cưới mẹ ngoại làm đến 3 con lợn, nhà nội làm 4 con lợn tổ chức. Ông bà ngoại tự hào lắm vì gia cảnh ngày xưa nghèo khó, cố gắng để trở nên sung túc hơn rồi con gái lại có cái đám cưới ai cũng phải tấm tắc khen ngợi".
Mẹ Hoàng đã được mặc khá nhiều đồ đẹp trong ngày cưới.
Người đàn ông với triết lý: "Sợ vợ mới nên cửa nên nhà"
Sau đám cưới hoành tráng, bố mẹ Hoàng đã xây dựng một cuộc sống hạnh phúc khiến ai cũng phải ngưỡng mộ. Đặc biệt, ba cậu luôn có những triết lý sống để nuôi dạy con trai thành một người đàn ông trưởng thành đích thực.
Hoàng tâm sự: "Kể cả bạn bè mình cũng hay khen ngợi khi thấy ba mẹ đi đâu cũng có nhau, vui vẻ và hạnh phúc. Ngay như trong cuộc sống hằng ngày thôi, giờ đi làm ba đều tranh thủ về sớm để phụ mẹ dọn dẹp và nấu ăn, ngày nào cũng như ngày nào vậy.
Ba ít nói, chỉ có làm thôi. Gia đình nào thì cũng có lúc mâu thuẫn, ba mẹ cũng vậy nhưng không bao giờ ba động chân động tay hay tranh cãi gay gắt gì cả. Ba luôn dặn mình: 'Phụ nữ là để yêu thương, nhất là vợ mình. Dù có chuyện gì xảy ra cũng đừng lấy cái cớ không kiềm chế nổi mà đánh vợ. Đàn ông đánh vợ rồi thì chẳng còn là đàn ông đâu.
3 lần ba mẹ cãi vã dữ dội nhất thì ba đều đặt tour du lịch coi như quà bù cho mẹ. Và hình như vì lý do đó nên ba mẹ cực ít khi cãi nhau vì cứ cãi, chiến tranh lạnh thì thiệt hại sau đó tốn kém quá đi mất".
Nói về chuyện chiều vợ thì ba của Hoàng cũng là một "điển hình" thật sự. Đối với ông, vợ là tất cả.
"Hầu như hôm nào mình cũng nghe ba khen mẹ: 'Vợ anh đẹp quá!'. Nhiều lần ba cũng nói với mình: 'Ba giống ông ngoại con, đừng ai bảo ba sợ vợ mà chỉ là cuộc sống này ba chỉ yêu có một mình vợ ba thôi'.
Ba luôn xem mẹ là số 1, là duy nhất. Ba tự công nhận điều đó mà. Ba hay nói câu: 'Sợ vợ mới nên cửa nên nhà', nhưng cũng có lẽ một phần do mẹ tuyệt vời đấy chứ.
Còn những ngày sinh nhật mẹ, kỷ niệm ngày cưới hay ngày lễ của phụ nữ lúc nào ba cũng tìm mua quà cho mẹ. 26/10 vừa rồi là sinh nhật mẹ, ba đã tự mua một cặp giày tặng mẹ rồi đi chợ chọn hải sản tươi, tự tay vào bếp nấu rồi đặt bánh sinh nhật cho mẹ nữa", Hoàng tự hào kể.
Đúng là một cặp vợ chồng khiến biết bao nhiêu người ước ao. Trên tất cả, tình cảm họ dành cho nhau thật đẹp biết bao.
Hoàng chia sẻ thêm: "Nhiều khi nhìn ba mẹ mình cũng thấy ghen tị luôn đó. Ba mẹ có một tình yêu đẹp quá, đúng là tấm gương để con cháu phấn đấu. Mấy cậu mấy cô nhà mình cứ ghẹo ba mẹ là 'đôi đũa lệch' chứ với mình, ba mẹ đúng với câu 'trai tài gái sắc".
Thật là một câu chuyện đẹp nữa về tình yêu, về gia đình. Thế hệ đi trước luôn có những tấm gương khiến người đi sau phải xuýt xoa mãi không thôi.