Cưới chồng Canada, vợ Việt ăn Tết Nguyên đán cực lớn, trang trí nhà trước cả tháng
"Năm nay, đêm 21/1 là đêm thứ Bảy và cũng là đêm Giao thừa, bọn mình đã lên kế hoạch để tập trung vào vừa ăn cỗ, vừa đón Tết", Hồng Phước chia sẻ.
Nhiều người lấy chồng ngoại quốc thường cảm thấy buồn bã khi không cảm nhận được hương vị Tết khi ở xứ người. Tuy nhiên, với gia đình Hồng Phước - 44 tuổi, hiện sống tại Alberta, Canada thì lại hoàn toàn khác.
Người mẹ giúp các con giữ gìn văn hóa Việt Nam
Lấy chồng ngoại quốc và cũng 14 năm ăn Tết ở nước ngoài, Hồng Phước luôn tìm cách mang Tết Nguyên đán đến nhà theo cách thức rất riêng.
Chồng Hồng Phước tên Jules, 49 tuổi, rất tôn trọng và thương yêu cũng như hòa nhập với văn hóa Việt của quê vợ. Bởi vậy, anh chính là người cổ vũ, hỗ trợ Phước trong hành trình tổ chức Tết nơi đất khách.
Nhớ về những cái Tết xa nhà, Phước vẫn còn kỷ niệm của cái Tết đầu tiên ở Canada sau khi kết hôn.
"Thành phố mình sống hồi đó là thành phố nhỏ lại không nhiều người Việt nên không khí Tết rất lặng lẽ. Lúc đó mình nhờ chồng đèo ra phố vì cứ ngỡ mọi người sẽ tập trung đông đúc chào đón năm mới. Thế nhưng ra tới trung tâm thì không khí vẫn tĩnh lặng như thường ngày, bất chợt hai dòng nước mắt mình tuôn rơi, nhớ Tết quê hương quá. 1-2 năm sau đó vì nhiều lí do nên gia đình mình vẫn chưa có gì. Cho đến khi sinh con đầu lòng xong, mình mới bắt dầu vào trang trí nhà cửa, làm bánh chưng, bày mâm ngũ quả đón Tết", Hồng Phước chia sẻ.
Điều mà Phước cảm thấy may mắn bậc nhất đó chính là chồng và gia đình chồng rất ủng hộ. Ba mẹ chồng cho đến các em chồng cũng hào hứng tham gia vào các hoạt động văn hóa của quê hương Phước.
Cô chia sẻ: "Niềm vui của con là mục tiêu sống của gia đình. Các con mình cũng rất yêu thích cội nguồn nên gia đình lại càng nâng cao giá trị văn hóa quê hương cho các con. Gia đình chồng mình cũng rất ủng hộ, thoải mái tham gia. Nhờ vậy mà những cái Tết ở xứ người của mình càng ngày càng ấm áp".
Không phải đến cuối năm mới "vắt giò" lên chuẩn bị cho Tết. Bản thân Hồng Phước rất muốn cho các con gần gũi với quê hương nên cô có nguyên một phòng để bộ sưu tập trang phục Việt Nam. Trong đó có áo dài mặc vào dịp Tết các con ai cũng có.
Các con của Phước từ bé đến lớn đều có trang phục truyền thống Việt Nam để mặc dịp Tết.
Cứ mỗi khi mua trang phục mới, cô lại giảng giải cho chồng và các con biết ý nghĩa của từng bộ đồ để các con thêm yêu thích văn hóa quê mẹ. Ngoài ra, gia đình chồng Phước cũng rất khuyến khích cô dạy tiếng Việt cho các con để các bé nghe, nói tiếng Việt thành thạo. Dù có đi xa đến đâu, Phước cũng muốn các con hướng về cội nguồn là thế.
Trang trí Tết trước cả tháng, mâm cỗ đủ món như Việt Nam
Năm nay, gia đình Hồng Phước còn trang trí cho Tết Nguyên đán sớm hơn nữa. Sau khi Noel xong xuôi, cả nhà đã bắt tay vào thu dọn đồ trang trí và chuẩn bị cho việc trang hoàng nhà cửa đón năm mới.
Hồng Phước tâm sự: "Ngày 29/12 nhà mình đã hạ cây thông và các trang trí Noel để kịp thời trang trí cho Tết vừa là để mừng Tết Tây, vừa chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Các vật dụng mình mua từ Việt Nam và gửi qua. Cũng mua dần dần trong nhiều năm, mỗi năm có gì mới thì mua thêm và tích trữ lại. Tiền mua thì không đắt nhưng tiền gửi qua cũng khá cao, nhất là khi cuối năm gửi gấp cho kịp trang trí Tết. Tuy vậy, mình thấy rất xứng đáng vì mang được không khí quê hương cho gia đình và nhất là dạy cho các bé biết về truyền thống Việt Nam".
Góc trang trí ngày Tết đậm bản sắc Việt.
Quả thật, góc trang trí Tết của gia đình Hồng Phước thật sự mang đậm không khí quê nhà. Riêng một góc trong nhà, cô để cây mai, cây đào, pháo Tết, nón lá Việt Nam hay hình bánh chưng, mâm ngũ quả.
Gia đình cô có cây mai giả, cây đào giả cao 1m65, dù không được như cây thật nhưng vẫn mang đậm dấu ấn Việt Nam. Bản thân Phước là người truyền thống và rất yêu thích, nhớ văn hóa Việt. Bởi thế, cô muốn gửi gắm tình yêu này cho các con của mình dù các bé chỉ có nửa dòng máu Việt Nam.
Mấy năm liền được cùng mẹ trang trí Tết nên 3 người con của Phước cũng đã nắm được Tết quê mẹ sẽ có đồ trang trí gì. Các bé rất thích thú được mặc áo dài, chụp ảnh hay cầm lì xì ngày Tết. Ngoài ra, nhà Phước cũng thường tổ chức tụ tập để chơi các trò dân gian.
Hồng Phước chia sẻ: "Mấy năm trước bọn mình còn ở quê nhưng Tết nào mình cũng đưa con lên thành phố lớn dự Tết. Bây giờ gia đình đã chuyển về thành phố lớn, nhiều hoạt động ngày Tết được tổ chức. Năm nay, các con mình còn tập múa với trường dạy tiếng Việt để biểu diễn cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới nữa".
Hình ảnh các con chị Phước háo hức với Tết năm nay.
Một điều may mắn với Hồng Phước là bố mẹ cô cũng ở chung nhà với hai vợ chồng. Đó có lẽ là điều an ủi lớn khiến cho cô không cảm thấy tủi thân hay quá mức nhớ Tết quê hương.
Cứ mỗi dịp đầu Xuân năm mới, gia đình cô lại là địa điểm để những bạn bè tụ tập, cùng nhau đón Xuân.
"Mẹ mình làm thịt kho hột vịt, dưa giá, các món như củ kiệu, dưa món, mứt, nem… đủ đầy như ăn Tết tại Việt Nam. Các bạn cũng mang đồ ăn đến góp vui. Năm nay, đêm 21/1 là đêm thứ Bảy và cũng là đêm Giao thừa, bọn mình đã lên kế hoạch để tập trung vào vừa ăn cỗ, vừa đón Tết", Hồng Phước tâm sự.
Mâm cỗ đậm chất Tết Việt Nam.
Năm 2020, nhân dịp Tết Nguyên Đán, vợ chồng Hồng Phước đã tổ chức một chuyến về Việt Nam ăn Tết cho cả gia đình. Mẹ chồng và em trai chồng cũng cùng góp mặt trong chuyến đi và ấn tượng sâu sắc với Tết Việt cùng các món ăn đặc trưng.
Đến hiện tại, gia đình Phước tại Canada đã chuẩn bị sẵn sàng để đón chào Tết Nguyên đán 2023 với rất nhiều điều hào hứng. Chúc mừng cho hạnh phúc của gia đình Phước và hi vọng cô sẽ có một năm 2023 thật sự thành công, nhiều điều may mắn!